GDP và tốc độ tăng xuất khẩu không đạt
Báo cáo cho biết, nhiều ý kiến đánh giá cao cố gắng của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành trong điều kiện chịu tác động lớn về biến đổi khí hậu, hệ lụy từ những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn trước.
Tuy nhiên, nhiều ĐBQH bày tỏ lo lắng vì nền kinh tế nước ta tăng trưởng chưa thực sự vững chắc, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Cụ thể là: có 2 chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch. Đó là chỉ tiêu tăng GDP chỉ đạt 6,21% (kế hoạch 6,7%); chỉ tiêu tốc độ tăng xuất khẩu chỉ đạt 9% (kế hoạch 10%). Thu ngân sách tuy vượt kế hoạch, nhưng không bền vững (do chủ yếu thu từ quyền sử dụng đất); tỷ lệ bội chi ngân sách cao 5,64%, nợ công cao; tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm; việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước diễn ra chậm, hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng lao động thấp; áp lực giải quyết việc làm nặng nề; tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội chưa được khắc phục; vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại lớn cho người dân; tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn lớn; những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức (nhất là tình trạng bạo lực học đường và xâm hại trẻ em) đang gây nhiều bức xúc xã hội; tổ chức lễ hội ở một số nơi vẫn còn lãng phí; công tác điều hành ở một số bộ, ngành, địa phương còn yếu, nhiều bất cập…
Đáng lưu ý, nhiều ý kiến nêu vấn đề, chỉ tiêu tốc độ tăng GDP – một chỉ tiêu tổng hợp không đạt kế hoạch trong khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế thành phần đều đạt và vượt là không hợp lý. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân việc dự báo tốc độ tăng trưởng không sát thực tế. Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng chỉ tiêu GDP lạc lậu, cần nghiên cứu cách tính chỉ tiêu khoa học hơn để dự báo chính xác hơn; đồng thời, phải đánh giá được những mặt bị tác động (về tài nguyên, môi trường, xã hội, con người…) để đạt được tốc độ tăng GDP đề ra.
Có ý kiến cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng CPI đạt 4,74% (thấp hơn so với kế hoạch 5%), chứng tỏ mặt bằng đời sống tương đối ổn định; ý kiến khác cho rằng, chỉ số này thực tế cao hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (4,74% so với 4%) cũng có tác động tốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, số liệu về lạm phát trong Báo cáo không phản ánh chính xác về tình hình lạm phát thực tế; người dân, nhất là nông dân và công nhân cho rằng, giá cả hàng hóa rất cao, khiến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn.
Có ý kiến cho rằng, công tác dự báo về tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu còn hạn chế, không sát thực tế; số liệu dự báo tăng khoảng 6 - 7%, nhưng thực hiện là 9%.
Nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, số liệu không minh bạch
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, liên quan đến nhiệm vụ thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, một số ý kiến cho rằng, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành chưa quyết liệt, hiệu quả; các địa phương lúng túng trong triển khai cơ cấu lại nền kinh tế.
Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa xác định được hướng chủ lực để tạo động lực, lan tỏa cho phát triển; sản xuất còn mang tính tự phát, thiếu định hướng dẫn đến một số sản phẩm nông nghiệp rơi vào tình trạng cung vượt cầu, thị trường không ổn định, giá thành giảm, gây nhiều thiệt hại cho nông dân.
Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đạt hiệu quả thấp; số liệu nợ xấu không minh bạch và tình hình nợ xấu có dấu hiệu gia tăng. Việc cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục không đạt kế hoạch đề ra. Năm 2016 chỉ cổ phần hóa được 56 doanh nghiệp (trong khi giai đoạn 2010-2015, bình quân mỗi năm cổ phần hóa được 118 doanh nghiệp).
Có ý kiến cho rằng, có biểu hiện nhiều doanh nghiệp chờ thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết và Văn kiện đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần 4 (khoá XII) rồi mới tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn nên tiến độ bị chậm.
Hơn thế, tỷ lệ vốn nhà nước được cổ phần hóa, thoái vốn trong từng doanh nghiệp rất thấp; chưa khắc phục được tình trạng quản trị yếu kém trong các doanh nghiệp nhà nước; còn xảy ra nhiều tiêu cực.
Về các chính sách vĩ mô, một số ý kiến đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã kết hợp linh hoạt các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với các chính sách khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một số chính sách của Nhà nước do không cân đối được nguồn vốn nên không đi được vào cuộc sống, gây nhiều khó khăn cho các địa phương và khiến người dân bức xúc (như Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở).
Những giải pháp Chính phủ đưa ra nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án vẫn chưa tạo được đột phá, cần phải xem xét lại hiệu lực thực thi của các chính sách kinh tế. Một số chủ trương, chính sách lớn rất đúng, nhưng đến khâu tổ chức thực hiện bộc lộ những yếu kém, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp (đơn cử như Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản).