Viêm đại tràng có biểu hiện là rối loạn tiêu hoá kéo dài, bụng chướng hơi, căng tức, đau ở phần dưới bụng hoặc dọc khung đại tràng, đau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện. Bệnh thường xuyên tái phát và dễ trở thành mãn tính, ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây nhiều trở ngại cho sinh hoạt và công việc.
Viêm đại tràng là một bệnh ở hệ tiêu hóa thường gặp, tỷ lệ mắc bệnh cao ở những nước đang và kém phát triển. Ở Việt Nam, cứ 5 người thì có 1 người gặp vấn đề về đại tràng (chiếm tỷ lệ khoảng 20% dân số). Bệnh khởi phát từ một đợt viêm đường tiêu hoá cấp tính do nhiễm khuẩn hay các ký sinh trùng trong ăn uống, tạo ra những tổn thương trên niêm mạc đại tràng. Lại thường xuyên tiếp xúc với thức ăn, nên niêm mạc đại tràng trở nên dễ bị kích ứng và làm bệnh tái phát trở lại. Đây chính là “mầm mống” của bệnh viêm đại tràng mãn tính.
Triệu chứng thường gặp
Rối loạn tiêu hóa kéo dài, người bệnh đi ngoài phân lúc bón, lúc lỏng, đi từ 2 đến 6 lần một ngày. Người bệnh cảm thấy không thoải mái khi đi đại tiện hay có cảm giác mót, muốn đi nữa sau khi vừa đi xong.
Chướng bụng, đầy hơi khu trú dọc khung đại tràng, bệnh nhân luôn cảm thấy bụng căng tức, khó chịu.
Đau bụng, đây là triệu chứng thường gặp, đau âm ỉ ở phần dưới bụng hoặc dọc khung đại tràng. Đau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện hoặc lúc đói. Đau bụng thường ở hố chậu trái hoặc phải.
Trường hợp nặng hơn có thể bị chảy máu trực tràng, đi ngoài phân có nhày và có thể có máu…
Điều trị ngay khi có dấu hiệu
Cần tìm nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời; giữ vệ sinh ăn uống, nên ăn điều độ và cân đối khẩu phần, giảm tối đa những chất gây kích ứng như: đồ ăn sống, chua cay, bia rượu và café. Hết sức hạn chế sử dụng kháng sinh khi chưa cần thiết, cần chú ý đến các yếu tố cơ bản để chữa khỏi bệnh một cách tự nhiên, không lệ thuộc thuốc là: tăng cường sức đề kháng, phục hồi niêm mạc đại tràng và cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Khi đã mắc bệnh viêm đại tràng mãn tính, việc chữa trị trở nên rất khó khăn, vì khi ấy đã xuất hiện những tổn thương sâu và rộng trên niêm mạc đại tràng, nhiều bệnh nhân phải chấp nhận “sống chung” với bệnh trong nhiều năm, thậm chí suốt đời. Nguy hiểm hơn, viêm đại tràng mãn tính sẽ có nguy cơ xuất hiện những biến chứng nguy hiểm như: giãn đại tràng cấp tính, thủng đại tràng, xuất huyết đại tràng và ung thư đại trực tràng.
Bệnh sẽ nặng thêm nếu người bệnh có những vấn đề về tâm lý như: trầm cảm, lo âu… Vì vậy, người bệnh cần thực hiện các phương pháp chống stress như tập thể dục, dưỡng sinh, yoga...
Một số người có thói quen tự chữa bệnh bằng cách mua các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống tiêu chảy… khi thấy đau bụng, đi đại tiện ra nhiều nước, bụng chướng, căng tức… và khi thấy bệnh có biểu hiện giảm thì thôi không sử dụng thuốc nữa.
Cách dùng thuốc và điều trị như vậy không có tác dụng chữa dứt bệnh viêm đại tràng, do người bệnh đã dùng thuốc không đúng cách, có thể uống thuốc chưa đủ liều, nhất là với các loại kháng sinh, dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc; hay do người bệnh đã uống quá nhiều thuốc lại gây ra loạn khuẩn ruột, làm mất đi hệ vi khuẩn có ích trong đường tiêu hóa.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc, cả Đông y và Tây y, chữa bệnh viêm đại tràng. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng, để tránh các tác dụng phụ gây hại.
Theo Đông y, để điều trị viêm đại tràng, phải dùng phép thanh nhiệt, tiêu độc, lưu thông khí huyết, ổn định tiêu hóa. Các loại dược liệu như Vàng đắng có hoạt chất chính là berberin có tính kháng virut, diệt amib và trực khuẩn; Ngô thù du tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, lợi tiêu hóa; Mộc hương làm giảm đau, kiện tỳ, kích thích tiêu hóa; Bạch thược có tính kháng khuẩn, giảm đau, trị tiêu chảy… Các dược liệu này phối hợp tạo nên bài thuốc có tác dụng trị liệu hiệu quả các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm đại tràng mà không gây tác dụng phụ có hại.
|
THÙY LINH