Sau khi tỉnh Bắc Ninh, địa phương đầu tiên trong nước áp dụng khung giá viện phí mới, mức tăng trung bình 85%, nhiều tỉnh thành cũng vừa đề xuất mức tăng giá viện phí mới. Trong tháng 7 này, tại kỳ họp HĐND nhiều tỉnh thành phố sẽ có nội dung xem xét việc thông qua khung giá mới các dịch vụ y tế sẽ áp dụng tại các bệnh viện địa phương (theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ban hành mức cao nhất khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước).
Tuy nhiên, việc có tới hàng chục tỉnh thành đang đề xuất khung giá viện phí mới với mức tăng… “cực khủng” khiến người dân không khỏi lo lắng.
Tổng hợp báo cáo triển khai Thông tư 04 cho thấy, có 18 địa phương dự kiến áp dụng dưới 80% khung viện phí của liên bộ Y tế - Tài chính, 14 địa phương áp dụng dưới 90%, 16 địa phương đề xuất áp dụng mức từ 90% đến 100%. Đáng chú ý, nhiều địa phương thuộc khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi nhưng vẫn đề xuất mức viện phí tăng kịch trần.
Trong khi đó, mức tăng khung viện phí mức tối đa theo Thông tư 04 chỉ áp dụng đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và một số bệnh viện tuyến cuối. Phản ứng trước đề xuất tăng giá viện phí ở một số địa phương quá cao, không ít chuyên gia cho rằng khung viện phí Bộ Y tế đưa ra không chia chặt chẽ theo nhóm bệnh viện tỉnh nghèo chỉ được tăng bao nhiêu, tỉnh thu nhập khá hơn tăng thế nào nên các tỉnh đề xuất hết khung là chuyện thường! Điều này cho thấy việc tăng giá viện phí còn nhiều bất hợp lý và thiếu thuyết phục.
Sau khi Chính phủ chấp thuận việc tăng giá 447 dịch vụ y tế do Bộ Y tế, Bộ Tài chính đề xuất và nhiều địa phương dự kiến áp dụng thực hiện ở mức tăng cao ngất ngưởng, viện phí lại tiếp tục trở thành vấn đề nóng bỏng trong dư luận xã hội. Cũng như giá điện, xăng dầu, giá viện phí có những tác động không nhỏ tới đời sống người dân. Thậm chí còn ảnh hưởng sâu sắc hơn vì viện phí cũng đồng nghĩa với nỗi lo ốm đau, bệnh tật và khốn khổ của không ít người dân, nhất là người nghèo.
Thống kê của cơ quan chức năng, cả nước hiện còn khoảng 35% số dân chưa có bảo hiểm y tế (BHYT), tương đương hơn 25 triệu người sẽ mang nỗi lo lớn khi đi khám, chữa bệnh. Tuy nhiên ngay cả những đối tượng đã có thẻ BHYT như người nghèo, người cận nghèo, người lao động… cũng sẽ chịu sự tác động khá lớn vì theo quy định của BHYT họ phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh từ 5% - 20%. Đồng thời khi đề xuất mức tăng viện phí cao, nhiều khả năng vỡ quỹ BHYT, khi đó quyền lợi người tham gia BHYT chắc chắn không được bảo đảm. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện công lập vẫn chưa được cải thiện. Người bệnh có hay không có thẻ BHYT vẫn phải chịu cảnh quá tải, nằm ghép 3 - 4 người/giường bệnh và tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình khám chữa bệnh.
Theo quy định, Bộ Y tế phê duyệt mức giá dịch vụ y tế của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành khác. HĐND các tỉnh, thành phố phê duyệt mức giá dịch vụ y tế của các bệnh viện thuộc địa phương quản lý căn cứ đề nghị của UBND tỉnh. Điều chỉnh giá viện phí là cần thiết, song các địa phương cần xem xét cụ thể mức khung giá viện phí phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là khả năng chi trả của người bệnh trên địa bàn. Áp dụng khung giá viện phí ở mức cao, bất hợp lý là chồng chất gánh nặng lên vai người nghèo.
Nguyễn Quốc