(SGGP).- Trong buổi họp báo quốc tế ngày 8-6, tại Hà Nội sau khi kết thúc cuộc Đối thoại Chính trị-An ninh-Quốc phòng Việt - Mỹ lần thứ 3 tại Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách chính trị-quân sự Andrew Shapiro cho biết cuộc đối thoại giữa hai bên đã đề cập đến nhiều vấn đề hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là an ninh, quốc phòng và giải quyết các hậu quả chiến tranh.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia đối thoại cho biết, các cuộc trao đổi về những vấn đề liên quan đến quan hệ của hai nước rất thành công. Chia sẻ quan điểm với Thứ trưởng Phạm Bình Minh, ông Andrew Shapiro nhấn mạnh, cuộc đối thoại rất có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường quan hệ hai nước và nó càng có ý nghĩa hơn khi hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao.
Ông Andrew Shapiro cho biết Mỹ rất hoan nghênh vai trò của Việt Nam có thể tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ trong tương lai. Theo Thứ trưởng Phạm Bình Minh, hai bên đã trao đổi về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Hiện Việt Nam đang nghiên cứu và học tập các kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình để hoàn tất quá trình này.
Trả lời câu hỏi về quan hệ hai nước trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Bình Minh cho biết rất tin tưởng triển vọng quan hệ hai bên sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực khi nhìn lại quá trình 15 năm qua với quan hệ thương mại hai chiều tăng vọt từ vài chục triệu USD lên tới 15 tỷ USD vào năm 2009. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ bổ sung rằng ông lạc quan nhận thấy quan hệ 2 quốc gia ngày càng được mở rộng và thắt chặt. “Điều tốt đẹp nhất vẫn ở phía trước. Qua cuộc đối thoại hôm nay chúng tôi thấy đạt được thành công ở một số lĩnh vực và tin tưởng sẽ đạt được những thành công ở những năm tiếp theo” – ông Andrew Shapiro khẳng định.
Liên quan đến vấn đề chất độc da cam/dioxin, ông Andrew Shapiro cho biết, Mỹ vẫn cam kết tìm kiếm các giải pháp mang tính xây dựng để giải quyết các vấn đề về hậu quả môi trường cũng như hỗ trợ nạn nhân da cam ở Việt Nam. Mỹ đã lập kế hoạch cho các hoạt động về vấn đề này đến năm 2011 và rất trông đợi được tiếp tục làm việc với các đối tác Việt Nam để giải quyết một cách hợp lý.
T.NAM