Việt Nam - Algeria: Tình bạn thủy chung

Mỏ dầu Sahara
Việt Nam - Algeria: Tình bạn thủy chung

Chiếc Airbus của hãng Air France cất cánh từ Paris đưa đoàn chúng tôi vượt Địa Trung Hải từ bờ Bắc sang bờ Nam để thăm đất nước Algeria. Chúng tôi gồm mấy anh em của “Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam” tháp tùng bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nay là Chủ tịch quỹ.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng Đại sứ Algeria bên những cây nép trồng ở Khu du lịch Sao Việt (Phú Yên).

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng Đại sứ Algeria bên những cây nép trồng ở Khu du lịch Sao Việt (Phú Yên).

Bà Nguyễn Thị Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam thường xuyên thăm châu Phi và nhiều lần thăm Algeria để vận động nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Tôi cũng vài ba lần đội mũ tai bèo và trang phục quân giải phóng đến thăm đất nước đang nồng nhiệt ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Lần trở lại này mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, vui mừng trước sự đổi thay và phát triển của nước bạn, xúc động bởi những tình cảm bạn bè vẫn thắm thiết thủy chung.

Mỏ dầu Sahara

Đường phố Alger đổi thay nhiều so với những lần tôi đến trước đây, có đến tám làn xe, nhiều biệt thự và nhà cao tầng thay cho các nhà hình hộp mái bằng quen thuộc của người châu Phi. Thủ đô Alger hiện đại không còn nhiều những hàng chà là dọc đường, thay vào đó là các nhà kính, bóng dáng của thành phố công nghiệp. Với dân số gần 35 triệu dân được nhà nước bao cấp từ giáo dục, y tế đến điện nước và những thực phẩm chủ yếu. Chữa bệnh không mất tiền. Ở Algeria nếu ai đó không chịu cho con đi học, không chịu cho người nhà đi chữa bệnh là vi phạm nhân quyền.

Sau mấy ngày thăm thủ đô, thăm thành phố cổ Tipasa có từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên… chúng tôi được bố trí đi thăm sa mạc Sahara bằng chiếc máy bay riêng của Tổng thống.

Sa mạc Sahara chiếm 3/4 diện tích cả nước (1,6 triệu km²). Nhìn lên bản đồ thấy rõ các thành phố lớn đều nằm dọc theo bờ biển phía Bắc, còn lại toàn sa mạc. Các thị tứ, tỉnh lỵ trong sa mạc như Hoggar - Tassili nơi chúng tôi đến rất bé nhỏ, chỉ là ốc đảo trong thung lũng. Sahara đã giấu kín dưới lòng cát những mỏ dầu, mỏ khí nuôi sống đất nước Algeria. Mỗi năm Algeria khai thác năm triệu tấn dầu. Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã có mặt ở Sahara. Hôm chúng tôi đến, công ty liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Algeria đã thăm dò trúng mỏ dầu và chuẩn bị khai thác lô dầu đầu tiên. Đây là mỏ dầu đầu tiên do chính Việt Nam thăm dò, khai thác được ở châu Phi. Chính phủ Algeria rất vui, họ vui như chúng ta khi được tin này.

Trên sa mạc Sahara. Ảnh: Hồng Phú

Trên sa mạc Sahara. Ảnh: Hồng Phú

Ngọn cờ Việt Nam

Cách mạng Algeria có nhiều nét giống Việt Nam, nói như các bạn Algeria: Việt Nam gieo mầm cách mạng cho Algeria. Việt Nam chiến thắng thực dân Pháp, mở đường cho Algeria giải phóng dân tộc.

Bác Hồ khi đó đã nói với Saden, nhà cách mạng Algeria: “Hãy để Việt Nam đánh Pháp trước, Algeria ít bạn bè xung quanh, cần rút kinh nghiệm”... Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ vài ngày, tháng 5-1954, sáu chiến sĩ Algeria đã nổ súng tấn công đồn Pháp ở Hamidou, quận Rais mở đầu cuộc khởi nghĩa và ngày 1-11-1954, một tổ chức cách mạng chính thức - Mặt trận dân tộc giải phóng Algeria ra đời, tuyên bố trước thế giới đấu tranh giành độc lập. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng kéo dài 8 năm như Việt Nam, và năm 1962 giành được thắng lợi hoàn toàn, giải phóng đất nước sau gần một thế kỷ bị đô hộ. Sau này con đường dài 3km ở thủ đô chạy dọc biển có địa danh Hamidou được đặt tên đại lộ Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã được bạn đưa đến thăm và đi trọn đại lộ mang tên Bác kính yêu, lòng tràn ngập cảm xúc…

Những ngày Việt Nam đánh Mỹ các bạn Algeria hết lòng ủng hộ. Có thể nói bất kỳ ở đâu, dù ở thành phố hay thôn quê, chúng tôi luôn gặp trên những khuôn mặt có nhiều màu da: đen, ngăm đen, trắng, những nụ cười thân thiện và đôi mắt sáng long lanh đầy nhiệt huyết ủng hộ Việt Nam - Các bạn thanh niên Algeria từng tổ chức những đêm trắng ngoài sa mạc để đón chúng tôi… Ngày đó đón chúng tôi họ thường chào một điệp khúc “Việt Nam - Việt Nam-Ép, En, En”. Ep, En, En là từ viết tắt của FNL (Front National Liberia - Mặt trận dân tộc giải phóng).

Hòa chung tình hữu nghị giữa hai dân tộc, còn có tình bạn thân thiết giữa bà Nguyễn Thị Bình, người chúng tôi gọi với cái tên thân mật: Chị Hai Bình với Tổng thống Algeria - ngài Adelaziz Bouteflika. Những năm trước 1975, hai người cùng làm việc trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao. Chị Hai Bình là Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam. Ngài Bouteflika làm Bộ trưởng Ngoại giao Algeria. Sau ngày ký hiệp định Paris, chị Hai Bình đã tặng ngài Bouleflika một trong những cây bút chị đã dùng để ký hiệp định.

Bà Nguyễn Thị Bình tuổi nay đã ngoài 80, trở lại thăm Algeria theo lời mời của người bạn xưa, đang là Tổng thống. Trong lòng tôi nghĩ rằng bà sẽ được đón tiếp trọng thị, thân tình, nhưng có lẽ theo dạng bạn bè thân thiết…

Khi chiếc máy bay vừa dừng, cầu thang mở, bà Nguyễn Thị Bình và chúng tôi được mời ra trước. Vụ trưởng lễ tân vào tận cửa máy bay đón chúng tôi. Chúng tôi được xe của Phủ tổng thống do một nữ bộ trưởng trong Chính phủ chờ sẵn. Cờ Việt Nam và cờ Algeria bay phần phật trên đỉnh tháp. Đoàn xe đưa chúng tôi về nhà khách của Tổng thống với hai hàng mô tô hộ tống như đón nguyên thủ quốc gia.

Ở Algeria, Tipasa, Sahara và Constantine, chúng tôi luôn nhận được những tình cảm chân thành và sự yêu mến của người dân Algeria dành cho Việt Nam. Tôi nhớ một lần tôi ra phố chụp ảnh, không biết ở đường phố có nhiều cây chà là cao to này có gì bí mật mà cảnh sát đến hỏi giấy tờ. Họ hỏi tôi có phải người nước T. không? Khi biết tôi là người Việt Nam, họ không chỉ không xem giấy tờ mà mừng vui ra mặt và dẫn tôi đi chụp ảnh với sự tin cậy chân tình. Anh bạn tôi làm ở sứ quán kể lại: Một lần anh ra phố ăn sáng, uống café ở quán của một cựu chiến binh. Khi ông biết đây là người Việt Nam, ông dứt khoát không lấy tiền và tha thiết mời đến uống café mỗi ngày.

Trước ngày rời Algeria, chúng tôi được Tổng thống tiếp và mời cơm. Các vị chủ nhà hôm đó là những nhân vật chủ chốt như Chủ tịch Thượng Viện, các bộ trưởng... Tổng thống giới thiệu chúng tôi và nói “đây là những người bạn đến từ đất nước Việt Nam mến yêu của chúng ta”.

Trồng cây Bouteflika

Cuối bữa tiệc, Tổng thống cho tráng miệng bằng quả néple (nép) của Algeria. Quả nép giống như quả cóc ở miền Nam Việt Nam nhưng da láng, màu đỏ đẹp hơn, ăn có vị ngọt, dôn dốt chua. Tôi ngỏ ý với Tổng thống xin đem vài quả về trồng trong Khu du lịch Sao Việt ở Phú Yên quê tôi. Tổng thống rất vui, gọi người phục vụ mang cho chúng tôi một giỏ có ba mươi đến bốn mươi quả. Tổng thống nói: Anh cố trồng được vài cây, ta đặt tên là cây hữu nghị Algeria-Việt Nam. Chị Hai Bình cười tươi và đề nghị: Nếu trồng ở Việt Nam được thì đặt tên là cây Bouteflika (tên của Tổng thống). Ông cười rất vui: “Tôi đồng ý”.

Tôi đã mang cả giỏ quả nép về Việt Nam, trồng bằng nhiều kiểu khác nhau, ăn lấy hột phơi khô, phơi khô nguyên quả để trồng, trồng khi còn quả tươi… và trồng ở nhiều vùng đất cao thấp, đất cát pha và cả đất phù sa cổ. Một tháng, hai tháng không thấy mọc mầm, đến tháng thứ ba thì các quả phơi khô nguyên quả bắt đầu lên mầm và cũng chỉ lên khỏe độ 15 cây. Lòng mừng khấp khởi nhưng chưa dám báo tin vì còn chờ cho chắc ăn, thì vị Đại sứ trong lần thăm chị Hai Bình cho biết Tổng thống hỏi thăm cây nép. Chúng tôi chụp ảnh gởi cho Tổng thống và sau đó bứng trồng thành ba cụm, mỗi cụm ba cây. Nhân dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên, vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria đã về Phú Yên, đến Khu du lịch Sao Việt cùng bà Nguyễn Thị Bình chụp ảnh bên cây nép Algeria đã lên cao được 1m. Hôm nay khi ngồi viết những dòng này, cây nép, cây Bouteflika, cây hữu nghị Algeria-Việt Nam đã cao quá đầu của tôi, tôi mong nó sẽ sớm ra những trái đầu mùa để góp thêm một chút thi vị cho tình hữu nghị của hai dân tộc ở hai châu lục, tuy xa cách nhau về không gian nhưng luôn gần nhau.

Trích ký của Trình Quang Phú

Tin cùng chuyên mục