Báo cáo tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM cho biết, trên địa bàn TP hiện có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông cá nhân, trong đó có tới 7,5 triệu xe máy. Theo ông Tường, TNGT trên địa bàn TPHCM tính từ đầu năm 2017 tới nay đều giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính đến hết tháng 8-2017, trên địa bàn TP xảy ra 2.490 vụ TNGT đường bộ, làm chết 464 người và bị thương 1.957 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 59 vụ, 67 người chết và 107 người bị thương.
Dù đáng mừng nhưng theo đánh giá và phân tích, số vụ TNGT được thống kê có đến 82% liên quan đến xe máy, cao hơn nhiều so với con số 34% của toàn khu vực Đông Á.
Theo ông Tường, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông (chiếm đến 90% gây TNGT). Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, chạy quá tốc độ, không đúng phần đường...
Giải pháp mà Ban An ATGT TPHCM đã và đang thực hiện là tập trung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu để mang lại hiệu quả. Song song đó, các đơn vị chức năng xử phạt, xử lý bất cập giao thông...
Tuy nhiên, những giải pháp này dù đã đạt được một số hiệu quả nhưng vẫn chưa thể giải quyết các vấn đề căn cơ, cải thiện ý thức người đi đường, khiến tình hình trật tự ATGT tại TP vẫn diễn biến phức tạp.
Trước thực trạng này, TS Chang Yi Luo, Trung tâm Kỹ thuật Toyota (Nhật Bản) giới thiệu một giải pháp mới trong việc hạn chế TNGT là áp dụng công nghệ giao thông thông minh. Các phương tiện phải kết nối với tổng đài kiểm soát giao thông và thậm chí kết nối với nhau qua hệ thống hộp đen. Giải pháp này, nhằm giám sát các phương tiện, điều hành giao thông, xử lý tai nạn, nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng bàn các vấn đề làm sao đảm bảo ATGT cho trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương. Trong đó, tập trung cải tạo hạ tầng giao thông ở khu vực trường học, tạo một không gian an toàn cho trẻ đến trường, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về ATGT...
Sáng cùng ngày, Văn phòng Ủy ban ATGT và Bosch Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực về nghiên cứu về TNGT đường bộ, nghiên cứu công nghệ an toàn cho xe, đề xuất các giải pháp giúp cải thiện ATGT.
Tại lễ ký kết, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 12.775 vụ TNGT làm 5.422 người chết và 10.543 người bị thương. So với 8 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Cụ thể, số vụ TNGT giảm 859 vụ, số người chết giảm 318 người, số người bị thương giảm 1.226 người. Tuy nhiên, TNGT giảm nhưng chưa bền vững, đòi hỏi sự cố gắng của cơ quan quản lý nhà nước, huy động nguồn lực xã hội hoá trong công tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực ATGT.
Giải thích với một số đại biểu các nước dự hội nghị, vì sao Việt Nam có đến 2 số liệu người chết vì TNGT, ông Hùng cho biết sở dĩ công bố có hơn 8.000 người chết mỗi năm là do sử dụng số liệu ghi nhận tại hiện trường. Hiện mỗi quốc gia quy định khác nhau về sử dụng dữ liệu để công bố về số người chết vì TNGT. Thực tế số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam phải hơn 15.000 người mỗi năm.
Ông Guru Mallikarjuna, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam cho rằng, việc giảm thiểu TNGT và tăng cường ATGT đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều phía: nhà nước, nhà trường, các tổ chức, cộng đồng… Ông cho rằng, ngành công nghiệp ông tô có những tác động đáng kể, việc sản xuất công nghệ ô tô an toàn có thể bảo vệ người lái xe. Với năng lực nghiên cứu và công nghệ tiên tiến về các hệ thống an toàn cho xe, Bosch có thể hợp tác cùng địa phương của Việt Nam để chung tay cải thiện ATGT.
Sau 3 ngày diễn ra, hội nghị nêu ra các giải pháp và nhiều công nghệ có thể ứng dụng nhằm giảm thiểu TNGT cho Việt Nam.