• Trung Quốc và Cộng đồng Kinh tế ASEAN là hai nhân tố phải xem xét thật kỹ
(SGGPO).- Sáng 12-10, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng” đã diễn ra tại Hà Nội. PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã trình bày báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016
Báo cáo đề dẫn của ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, nhiệm vụ tái cơ cấu nảy sinh từ việc chúng ta duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, thực chất là duy trì một hệ thống phân bổ nguồn lực sai lệch – tập trung nguồn lực cho những ngành khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, những ngành thâm dụng lao động kỹ năng thấp và tiền lương thấp, sử dụng nhiều vốn thay vì các ngành định hướng công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Trong mô hình đó vận hành hệ thống phân bổ nguồn lực nặng nguyên lý “xin – cho”, dành ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp nhà nước; nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp “đẳng cấp” thấp thay vì bằng cách nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực nội lực.
“Kết cục là sau 30 năm đổi mới, nước ta mới chỉ thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp và gia nhập vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp. "Tụt hậu và tụt hậu xa hơn” đã chuyển từ nguy cơ lớn nhất thành hiện thực ngày càng rõ. Hội nhập quốc tế - với sự kiện đánh dấu là Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 - trở thành phép thử, đủ hiệu nghiệm để đẩy nền kinh tế đó lâm vào tình trạng khủng hoảng chỉ sau vài năm. Những nỗ lực vật lộn để đạt được các thành tích ngắn hạn - luôn ở mức “quyết liệt” – đã che lấp tầm nhìn dài hạn”, ông Thiên bình luận.
Với kinh nghiệm thành công của Đổi mới, khi công cuộc Tái cơ cấu được khởi động, cả xã hội đều lạc quan tin rằng chỉ cần 2-3 năm là sẽ cơ bản giải quyết “3 tuyến đột phá” – nợ xấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (trọng tâm là cổ phần hóa) và thay đổi cơ chế đầu tư công. Nhưng thực tế tái cơ cấu tiến triển rất chậm, thành quả đạt được khá hạn chế, còn xa mới đạt mục tiêu và kỳ vọng.
Cơ chế đầu tư công thực chất vẫn chưa thay đổi, vẫn lấy “xin – cho” làm trụ, trong khi khó khăn ngân sách trở nên trầm trọng hơn và nợ công tăng nhanh. Hệ thống ngân hàng đã “trụ” được qua cơn sóng gió, song “cục máu đông” - nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên, thậm chí khối lượng nợ xấu còn tăng lên.
Hệ thống ngân hàng đang thanh lọc, loại bỏ những bộ phận yếu kém, hư hỏng, song đang rất yếu, đang vận hành trên một nền tảng rất thiếu vững chắc. Còn hệ thống doanh nghiệp nhìn chung là yếu, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp nội địa, cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân - thấp về đẳng cấp, yếu về thực lực và sức cạnh tranh.
Vẫn theo ông Trần Đình Thiên, đến nay, Chính phủ đã cổ phần hóa được không ít DNNN, song có thể chỉ khoảng 10%-15% tổng số vốn của các DNNN được cổ phần hóa. “Đó thực sự là một tỷ lệ quá ít ỏi để thay đổi hệ thống quản trị doanh nghiệp”, ông Thiên nhận xét.
Nhiều ý kiến tại Diễn đàn đã chỉ ra một yếu tố đặc biệt quan trọng, có tác động rất mạnh đến tư duy và định hướng tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới là triển vọng nền kinh tế Trung Quốc. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là làm sao để giảm thiểu tác động gây “sốc” từ cú “hạ cánh” của nền kinh tế Trung Quốc và nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc cơ cấu vào nền kinh tế Trung Quốc.
Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đi vào vận hành cũng tác động rất mạnh đến cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất của AEC là hình thành “một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất”, nhưng công cụ thực hiện vẫn chủ yếu dựa trên nguyên lý sức mạnh cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên, của các tập đoàn doanh nghiệp. Trong cuộc đua tranh sắp xếp chiến lược này, Việt Nam đang bị kém thế trên nhiều phương diện.
Thêm vào đó, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cuộc tranh chấp nước sông Mekong, điều kiện sản xuất và sinh sống cơ bản của Việt Nam đang thay đổi rất mạnh mẽ và sâu sắc, nhất là ở vùng ven biển, vùng Tây Nam bộ và Tây Nguyên. Đây cũng là yếu tố quy định chiến lược phát triển quốc gia trong giai đoạn tới.
ANH PHƯƠNG