(SGGPO). – Sáng 23-3, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về: Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ của Đoàn TPHCM sáng 23-3. Ảnh: Lã Anh
Phải đánh giá đúng vai trò chủ thể của các tầng lớp nhân dân
Nhiều ý kiến của ĐBQH đề nghị các báo cáo phải đánh giá đúng vai trò của nhân dân. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng các báo cáo đều nghiêm túc, nhiều thông tin và số liệu chi tiết để nhân dân có thể nhìn lại, đánh giá nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng với nhiều nỗ lực, kết quả to lớn. Nhiệm kỳ qua có nhiều biến động về kinh tế, biển Đông, thách thức lớn nhưng chúng ta làm được nhiều việc: sửa Hiến pháp, giữ được tăng trưởng kinh tế, không bị rơi vào khủng hoảng, giữ được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đó là thành tích chung của QH, Chính phủ, các cơ quan.
“Tổng kết nhiệm kỳ phải đánh giá tương xứng nỗ lực của nhân dân, chiến sĩ, người lao động, công nhân... nhất là trong sự kiện biển Đông, toàn quân, toàn dân ta đã rất nỗ lực. Cần cảm ơn nhân dân đã luôn ủng hộ QH, Chính phủ trong lúc khó khăn đó, chính nhân dân cũng là người đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng sản xuất, thắt lưng buộc bụng cùng nhà nước vượt qua thử thách”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
ĐB Lê Thanh Hải phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ sáng 23-3. Ảnh: Lã Anh
Theo ĐB Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, đặc biệt quan tâm đến các bài học kinh nghiệm của các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, các báo cáo chưa đề cập đúng mức đến vai trò của nhân dân. Bản chất chế độ ta là của dân, do dân, vì dân. Thực tế 5 năm qua cho thấy, vai trò của nhân dân là vô cùng quan trọng. Trong lịch sử cũng vậy, không ai khác nhân dân là người chở che cho cách mạng. TPHCM khi tổng kết nhiệm vụ đều nhận thấy, những sáng tạo của cơ sở chính là yếu tố quan trọng để đi đến thành công.
Cũng theo đồng chí Lê Thanh Hải, sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 càng chứng minh điều đó. Hiện nay, chính người dân ở hải đảo, biên giới đang ngày đêm giữ vững chủ quyền. Bởi vậy, cần đánh giá đúng vai trò của nhân dân. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá đúng vai trò của lực lượng doanh nghiệp đang hàng ngày chống chọi khó khăn, vươn lên tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
“Cảm ơn nhân dân là chưa đủ, phải đánh giá đúng vai trò chủ thể của các tầng lớp nhân dân, của doanh nghiệp, đó là nhân tố quyết định mọi thành quả”-đồng chí Lê Thanh Hải nói.
Đã bỏ qua mất nhiều thời cơ
Vẫn theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, dù nỗ lực là lớn nhưng các cơ quan nhà nước phải thấy rõ chúng ta vẫn chưa bằng những nước xung quanh, chưa thấy hài lòng, trong đó điểm lớn nhất là chúng ta để mất rất nhiều thời cơ. Ví dụ Việt Nam đứng hàng đầu xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản nhưng chúng ta không chớp được thời cơ để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa chất lượng cao để chi phối thị trường thế giới, chúng ta đã không tận dụng được công nghệ, thị trường để làm điều đó, đánh mất cơ hội. Hoặc việc vừa qua giải quyết được lạm phát, nợ xấu, ký kết được TPP... nhưng vẫn không tận dụng được cơ hội để đẩy mạnh nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Thực sự, nếu chúng ta nỗ lực hơn, dốc sức nhiều hơn thì kết quả đã khác hơn. Nhiều thời cơ lớn nhưng nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ qua, để ngỏ thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào.
20 năm qua, chúng ta không có hiểm họa thiên tai lớn, không có khủng bố lớn nhưng cũng đã không tận dụng được, trong khi điều đó hoàn toàn có thể là nguy cơ mà chúng ta phải đối mặt. 10 năm qua, chúng ta xây dựng được hòa bình trên biển Đông, đó lẽ ra phải là cơ hội để chúng ta chuẩn bị kỹ càng cho việc đấu tranh về chủ quyền để khi tình huống xảy ra, chúng ta đấu tranh hiệu quả hơn. “Tóm lại chúng ta đã bỏ qua, không tận dụng được rất nhiều thời cơ lớn”-ĐB Nghĩa kết luận.
Các ĐBQH đều đánh giá cao thành quả 5 năm qua, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, cần tiếp tục thay đổi, cải thiện chất lượng hoạt động của Quốc hội, Chính phủ. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, giám sát của QH tuy nhiều, một số vấn đề có hiệu quả như oan sai, đất đai… nhưng vẫn nặng về báo cáo, đánh giá tình hình, chưa nói được thực sự những “bệnh tật” của nền kinh tế, vì vậy tính dân biểu, phản biện chưa cao. Còn vuốt ve thành tích nhiều, một cơ thể còn nhiều bệnh tật thì cần chỉ rõ nguyên nhân, nội tình căn bệnh đó mới “chữa” được. Việc giám sát các vụ việc còn ít. Ví dụ thông qua giám sát xâm nhập mặn ở ĐBSCL thì phải chỉ rõ được vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp để giải quyết được tình hình. Giám sát như vậy mới giải quyết được thực tiễn.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Nguyễn Thị Quyết Tâm đều bức xúc với quy trình làm luật hiện nay, cho rằng cần thay đổi để nâng cao chất lượng làm luật, tránh tình trạng luật ra đời nhưng không đi vào cuộc sống..
ĐB Võ Thị Dung (TPHCM): Tại kỳ họp QH lần này, cử tri vẫn mong muốn Đảng, QH, Chính phủ quyết tâm hơn nữa trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đây là vấn đề đau đáu của dân hiện nay. Nhiệm kỳ qua QH làm được nhiều việc, nhưng rất tiếc là chúng ta chưa nói rõ được quyết tâm về bảo vệ chủ quyền. Nếu nói được thì dân sẽ tin hơn, yên tâm hơn.
Các tin, bài viết khác
- Tập huấn công tác bầu cử cho 25 địa phương phía Bắc
- Tăng thu, giảm chi và xử lý tài chính hơn 101.000 tỷ đồng
- Thăng quân hàm Thượng tướng cho 2 thứ trưởng Bộ Công an
- Cần đánh giá kỹ hơn vấn đề nợ công, tham nhũng
- Chính phủ đã trình thông qua 95 luật, pháp lệnh
- Hiến pháp mới là dấu ấn quan trọng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII
- Cử tri lo về biển Đông, biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm
- Cần xử lý hình sự việc cản trở báo chí tác nghiệp
- Đẩy mạnh tuyên truyền cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp
- Ngày 31-3, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội mới