Đặc biệt, việc Việt Nam đang chuẩn bị cho đội công binh (số lượng lớn) tham gia lực lượng GGHB LHQ. Đây là bước đi mới, nấc thang mới trong hoạt động GGHB của Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhận định.
Với quân y, đội hình khoảng hơn 60 đồng chí thì là đơn vị cấp đại đội. Nhưng với đơn vị công binh, là đơn vị cấp tiểu đoàn, thậm chí trung đoàn vì trang bị rất lớn, lên tới hàng ngàn tấn trang bị cần đưa sang địa bàn phục vụ quá trình công tác.
“Đội Công binh không đóng độc lập như bệnh viện dã chiến, mà phải phân tán và thực hiện nhiệm vụ tương đối khó khăn, đó là thách thức mới. Tuy nhiên, chúng ta đã chuẩn bị hơn 5 năm và chính thức thành lập Đội công binh này được hơn 3 năm. Các đợt kiểm tra gần đây cho thấy, LHQ đều đánh giá rất cao khả năng đội Công binh của chúng ta. Chúng tôi đã đưa các đồng chí chỉ huy các đơn vị và một số sĩ quan công binh sang tận địa bàn để khảo sát nhiệm vụ của nước bạn. Các đồng chí đã khẳng định với Bộ Quốc phòng là Công binh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng là niềm tin, sự khẳng định của chúng tôi với LHQ rằng, nếu cử Công binh đi sẽ hoàn thành nhiệm vụ của LHQ”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, LHQ đánh giá cao khi đề nghị Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế “Phụ nữ với hoạt động GGHB LHQ”. Đây có thể nói là một chủ đề "nóng" và quan tâm của LHQ, được nhiều quốc gia ủng hộ, nhất là Australia (đề xuất sáng kiến Phụ nữ, Hòa bình, An ninh - WPS) và Anh (sáng kiến phòng chống bạo lực tình dục trong GGHB LHQ- SEA).
Do vậy, nếu Việt Nam tổ chức thành công hội nghị quốc tế này sẽ nâng cao vai trò của Việt Nam trong hoạt động GGHB, chương trình bình đẳng giới của Việt Nam và các diễn đàn của LHQ, cũng như tạo tiền đề cho những đóng góp của Việt Nam trong năm 2020, khi Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN.
Trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ của các sĩ quan Việt Nam, LHQ - cụ thể là ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam đã trao đổi với lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và cho rằng, bên cạnh lực lượng quân sự, Việt Nam nên nghiên cứu cử thêm các thành phần khác tham gia vào hoạt động GGHB LHQ, bao gồm lực lượng công an và lực lượng dân sự, và LHQ luôn hoan nghênh, khuyến khích, tạo điều kiện cho Việt Nam trong vấn đề này.
Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay: “Việc triển khai lực lượng này cũng nằm trong đề án mà Bộ Chính trị đã thông qua. Tuy nhiên, chúng ta cần chuẩn bị thận trọng, tìm kiểu kỹ càng về cơ chế, yêu cầu khả năng quản lý chỉ đạo để đảm bảo hai yêu cầu: Hoàn thành tốt nhiệm vụ của LHQ và yêu cầu cao hơn là đảm bảo an toàn cho tất cả cán bộ cử đi”.