(SGGP).- Tại buổi họp báo chuyên đề chiều 25-10, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết, trong dự toán hàng năm, ngân sách dành ra bình quân khoảng 1 tỷ USD để trả nợ gốc cộng lãi các khoản vay ODA, thấp hơn nhiều so với trả vay trong nước. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, dự kiến đến tháng 7-2017, Việt Nam có thể không được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên 2%-3,5%.
Đại lộ Đông Tây – Công trình sử dụng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh: Kim Ngân
Từ năm 2010, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, do vậy, mức độ ưu đãi của các khoản vay từ các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Từ thời hạn vay bình quân 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7%-0,8% bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước năm 2010) đến thời hạn vay bình quân chỉ còn 10-25 năm (tùy theo từng đối tác, loại vay) với chi phí vay khoảng 2% trở lên (giai đoạn 2011-2015).
NGỌC QUANG