Việt Nam đạt trên 4 triệu thuê bao internet

Hôm qua, 1-12, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm internet được chính thức cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, 15 năm trước đây, internet ở Việt Nam đã bắt đầu manh nha từ hệ thống email đầu tiên do nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ thông tin (thuộc Viện KH-CN Việt Nam) thiết lập và sự kiện tên miền của Việt Nam chính thức được đăng ký và xuất hiện trên bản đồ thế giới.
Việt Nam đạt trên 4 triệu thuê bao internet

(SGGP). – Hôm qua, 1-12, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm internet được chính thức cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, 15 năm trước đây, internet ở Việt Nam đã bắt đầu manh nha từ hệ thống email đầu tiên do nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ thông tin (thuộc Viện KH-CN Việt Nam) thiết lập và sự kiện tên miền của Việt Nam chính thức được đăng ký và xuất hiện trên bản đồ thế giới.

Hành trình để Việt Nam chính thức tham gia vào mạng internet toàn cầu bắt đầu từ tháng 12-1996, lần đầu tiên tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII họp bàn về internet và đã đưa ra quyết định cho phép kết nối internet. Sau 1 năm, Chính phủ hoàn thiện các thủ tục và Việt Nam chính thức kết nối internet với mạng toàn cầu vào ngày 19-11-1997.

Tính đến nay đã có hơn 31 triệu người sử dụng internet, trong đó số lượng thuê bao internet băng rộng đạt trên 4 triệu thuê bao. Việt Nam đứng thứ 18/20 quốc gia có số lượng người sử dụng internet nhiều nhất trên thế giới, đứng thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. So với năm 2000, số lượng người sử dụng internet Việt Nam đã tăng khoảng hơn 15 lần.

Internet ngày càng phổ biến ở Việt Nam, nhất là trong giới trẻ. Ảnh: BÁ TÂN

Internet ngày càng phổ biến ở Việt Nam, nhất là trong giới trẻ. Ảnh: BÁ TÂN

Cũng tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho rằng, việc quản lý và phát triển internet ở Việt Nam đối mặt với 2 thách thức lớn, nổi bật. Đầu tiên là tính không biên giới, tốc độ lan truyền khủng khiếp cũng như tính minh bạch, rõ ràng (nhiều lúc có thể nói là trần trụi) của internet. Với internet, thông tin về một việc tốt được lan truyền với tốc độ cực nhanh, mọi người đều biết trong tích tắc và ở mặt trái của vấn đề thì những việc xấu, thông tin có hại cũng được lan truyền với tốc độ nhanh tương tự.

Để hạn chế mặt trái của internet, các cơ quan quản lý Nhà nước phải đưa ra những biện pháp quản lý phù hợp. Nếu đưa ra các biện pháp quản lý không đúng, dựa trên sự lo sợ, quan ngại thì sẽ ngăn cản sự phát triển của internet. Thứ hai là thách thức về an ninh mạng. Hiện nay, chiến tranh trên mạng xảy ra từng giây, từng phút, từng giờ.

Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam phải đảm bảo được chủ quyền quốc gia trên mạng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia trong tất cả các mặt khác. Đây là những thách thức “cũ mà vẫn mới” bởi đến giờ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nhất. 

TR. LƯU

Tin cùng chuyên mục