Việt Nam khẳng định vị thế tại LHQ và ASEAN

Thế giới đã chứng kiến những thay đổi liên tục và đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Tuy nhiên, sau 65 năm thành lập (24-10-1945), những gì Liên hiệp quốc (LHQ) làm được đã chứng minh vai trò không thể thiếu của tổ chức này trong các nỗ lực quản trị toàn cầu để giải quyết các vấn đề mà không một quốc gia riêng rẽ nào hoặc nhóm nước nào, dù mạnh hay giàu có đến đâu, có thể đơn phương giải quyết được.
Việt Nam khẳng định vị thế tại LHQ và ASEAN

Thế giới đã chứng kiến những thay đổi liên tục và đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Tuy nhiên, sau 65 năm thành lập (24-10-1945), những gì Liên hiệp quốc (LHQ) làm được đã chứng minh vai trò không thể thiếu của tổ chức này trong các nỗ lực quản trị toàn cầu để giải quyết các vấn đề mà không một quốc gia riêng rẽ nào hoặc nhóm nước nào, dù mạnh hay giàu có đến đâu, có thể đơn phương giải quyết được.

  • Cải tổ LHQ để quản trị toàn cầu

Tại cuộc thảo luận cấp cao Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ khóa 65 vừa qua, hơn 100 nhà lãnh đạo các nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò quản trị toàn cầu của LHQ. Quản trị toàn cầu là phương thức tổ chức hoạch định chính sách trong một thế giới gồm các nhà nước có chủ quyền với các quốc hội quốc gia. ĐHĐ LHQ không hướng tới trở thành một quốc hội toàn cầu. Quản trị toàn cầu của LHQ không cản trở chủ quyền của các quốc gia mà chỉ dựa trên cơ sở các nguyên tắc đồng thuận. Vai trò không thể thiếu của tổ chức quốc tế toàn cầu này ngày càng hiện rõ và đã được thực tiễn chứng minh qua 65 năm hoạt động của LHQ; có tác động tích cực, to lớn đến mọi mặt của đời sống quốc tế và từng dân tộc, tuy rằng tổ chức này cũng trải qua nhiều khó khăn.

Đóng góp lớn nhất của LHQ là góp phần ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới trong 65 năm qua. Một số cuộc khủng hoảng quốc tế đã được giải quyết với sự trung gian hòa giải của LHQ. Tổ chức này đã hỗ trợ các cuộc thương lượng đưa đến giải pháp hòa bình cho hơn 170 cuộc xung đột ở các khu vực, đồng thời đã triển khai 60 hoạt động gìn giữ hòa bình nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các bên đi đến các thỏa thuận chấm dứt xung đột và thực hiện các thỏa thuận đó…

Với những đóng góp này, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã được trao tặng Giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1988, sau đó Tổ chức LHQ và ông Tổng Thư ký Kofi Annan được tặng giải thưởng danh giá này vào năm 2001.

Việt Nam tham gia các hoạt động của LHQ với tinh thần tích cực, xây dựng, hợp tác, có trách nhiệm trong đời sống quốc tế.

Việt Nam tham gia các hoạt động của LHQ với tinh thần tích cực, xây dựng, hợp tác, có trách nhiệm trong đời sống quốc tế.

Từ năm 1960, ĐHĐ LHQ đề ra các chiến lược phát triển cho từng thập kỷ nhằm huy động hợp tác quốc tế cho các mục tiêu phát triển chung, nhất là ở các nước đang phát triển. LHQ cũng chú trọng phát triển việc tạo môi trường kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế bình đẳng, trong đó ưu tiên quan tâm đến lợi ích của các nước đang phát triển, cụ thể là thúc đẩy Vòng đàm phán Doha hiện nay. Bên cạnh đó, các tổ chức LHQ đã có sự hỗ trợ trực tiếp về vốn, tri thức cho các nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế. LHQ cũng đã thành công trong việc thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa, góp phần đưa các vùng lãnh thổ không tự quản gồm tới 750 triệu người trở thành 80 quốc gia độc lập.

Các nhà lãnh đạo các quốc gia đã nhất trí về ý nghĩa sống còn của việc xây dựng một hệ thống đa phương hữu hiệu, lấy LHQ làm trung tâm nhằm đối phó với những thách thức đa dạng, toàn cầu như hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh LHQ đang đứng trước nguy cơ bị gạt ra bên lề của tiến trình này khi những tổ chức mang tính quốc tế khác đang nổi lên cạnh tranh với LHQ trên chính trường thế giới, ĐHĐ LHQ khẳng định, cải tổ LHQ có tầm quan trọng sống còn để khẳng định vai trò của LHQ trong quản trị toàn cầu.

  • Việt Nam - Quốc gia thí điểm thành công mô hình “Một LHQ”

Việt Nam tham gia LHQ năm 1977 và là một trong những thành viên tích cực của LHQ. Điểm nhấn quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - LHQ là Việt Nam đã đi đầu và có những đóng góp không nhỏ trong tiến trình phát triển và cải tổ tổ chức này. Đặc biệt trong thời gian làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an (HĐBA) nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào cải tiến phương thức làm việc của HĐBA, giúp công việc của Hội đồng minh bạch hơn, hiệu quả hơn.

LHQ cũng tin tưởng chọn Việt Nam là một trong những nước thí điểm mô hình “Một LHQ” với nội dung: 1 ban lãnh đạo, 1 ngân sách, 1 kế hoạch hành động và 1 trụ sở nhằm thu gọn đầu mối, tăng cường phối hợp và tiết kiệm nguồn lực. Nói nôm na là dồn tất cả các cơ quan của LHQ tại Việt Nam vào một đầu mối. Việt Nam trở thành hình mẫu trong việc thực hiện sáng kiến “Một LHQ”, một mô hình cải cách đang được nhân rộng ra nhiều nước trên thế giới.

Việc lựa chọn Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện thí điểm cải cách LHQ ở cấp quốc gia, LHQ không chỉ khẳng định Việt Nam đã và đang đi đầu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả viện trợ, mà còn cho thấy mối quan hệ lâu dài và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam với LHQ. Cho đến nay, tại Việt Nam có 12 cơ quan của LHQ mở văn phòng đại diện. Tổng trị giá các dự án hợp tác của LHQ dành cho Việt Nam lên tới gần 2 tỷ USD.

“Trong 33 năm qua, Việt Nam là nước thành viên có trách nhiệm và thường xuyên thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với LHQ. Chẳng hạn, trong năm 2009, trên cương vị Ủy viên không thường trực HDBA LHQ, Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới. Đây là vấn đề rất quan trọng. Việt Nam cũng rất tích cực tham gia thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ và đang đáp ứng hầu hết các mục tiêu do LHQ đề ra. Một trong những đóng góp nổi bật là Việt Nam đã tham gia các diễn đàn do LHQ tổ chức và đưa ra nhiều sáng kiến mới. Tôi đánh giá rất cao sự đóng góp đó của Việt Nam” - Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói.

Ngoài ra, với tư cách là 1 trong 66 thành viên của Hội nghị giải trừ quân bị tại Genève, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động của diễn đàn nhằm thực hiện mục tiêu giải trừ quân bị toàn diện và triệt để do LHQ đề ra. Việt Nam nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ thành viên của các điều ước quốc tế về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thực hiện đầy đủ các nghị quyết của HĐBA về báo cáo các biện pháp thực hiện các điều ước này, mới đây đã phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và ký Nghị định thư bổ sung cho Hiệp ước Bảo đảm Hạt nhân theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ghi nhận những đóng góp nhiều mặt của Việt Nam vào công việc của LHQ, các quốc gia thành viên đã nhiều lần bầu Việt Nam vào cơ chế lãnh đạo của nhiều cơ quan LHQ như Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, thành viên ECOSOC, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO), Phó Chủ tịch Hội đồng chấp hành tổ chức UNDP/UNFPA, Ủy ban Nhân quyền, Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), Hội đồng điều hành các tổ chức Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Hội đồng chấp hành các Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng quản trị Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Có thể nói, sau hơn 30 năm trở thành thành viên LHQ, Việt Nam đã tham gia ngày càng tích cực và chủ động vào các hoạt động của LHQ trong các lĩnh vực hòa bình, an ninh quốc tế, giải trừ quân bị, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường. Vị thế và vai trò của Việt Nam tại LHQ đã và đang được nâng cao trên mọi phương diện. Với tinh thần tích cực, xây dựng, hợp tác, có trách nhiệm trong đời sống quốc tế, Việt Nam quyết tâm phối hợp cùng các quốc gia thành viên LHQ và các đối tác của LHQ phấn đấu phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức LHQ vì lợi ích chung của các dân tộc.

  • Cầu nối ASEAN - LHQ

Trong lần sang Việt Nam tham dự Hội nghị Quốc tế Cấp cao về Sáng kiến Thống nhất Hành động hồi tháng 6 vừa qua, bà Helen Clark, Tổng Giám đốc Chương trình phát triển LHQ (UNDP) kiêm Chủ tịch Nhóm các tổ chức phát triển LHQ - đánh giá cao vai trò, vị thế và đóng góp quan trọng của Việt Nam trong khuôn khổ LHQ và tại các diễn đàn khu vực; đặc biệt, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010.

Bà nhấn mạnh: “Hội nghị Cấp cao Quốc tế về Sáng kiến Thống nhất Hành động tiếp tục thể hiện cam kết của Việt Nam với tư cách là một trong những quốc gia thí điểm thành công nhất mô hình “Một LHQ”. Tôi đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và đề nghị Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình với các nước”.

Hiện Việt Nam đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và đang tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN cùng Hội nghị cấp cao ASEAN - LHQ. Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào việc đưa Đông Nam Á từ một khu vực bị chia rẽ, đối đầu bởi chiến tranh trở thành khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác, không có vũ khí hạt nhân và đang hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN. Với vai trò Việt Nam đang nắm giữ tại LHQ cũng như mối quan hệ mạnh mẽ giữa LHQ và Việt Nam, cũng như với cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm nay, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN và LHQ.

Trong cuộc họp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Chủ tịch HĐ LHQ Joseph Deiss mới đây, ông Ban Ki-moon khẳng định: “ASEAN và LHQ đang là những đối tác thân cận và cũng chia sẻ chương trình nghị sự chung”. Trong đó, có 5 lĩnh vực ưu tiên mà ASEAN và LHQ có thể hợp tác để giải quyết các vấn đề khu vực và đa phương như: Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nhân quyền, hòa bình và an ninh, cùng các quan hệ đối tác giữa Ban Thư ký ASEAN và các cơ quan của LHQ.

Ông Ban Ki-moon cũng chuyển cam kết của LHQ mong muốn tăng cường quan hệ ASEAN - LHQ thông qua chương trình nghị sự trên, cũng như những vấn đề khác như thay đổi khí hậu và sự chuẩn bị cho khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai…

Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao ASEAN - LHQ sẽ là cơ hội lớn để ASEAN có thể phát triển như Liên minh châu Âu và đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới.

Trả lời phỏng vấn của TTXVN trước khi sang thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - LHQ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói: “ASEAN đã đóng góp rất tích cực thông qua các hoạt động hòa bình của LHQ và tôi rất hài lòng về điều đó. ASEAN và các nước thành viên cũng tham gia tích cực trong việc giúp đỡ nhân đạo ở Haiti cũng như Pakistan. Tất cả điều đó cho thấy ASEAN ngày càng đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa LHQ và ASEAN nói chung khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN và chuẩn bị tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao ASEAN - LHQ”

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục