* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton
(SGGPO).- Ngày 27-9 (theo giờ New York), trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội nghị Thượng đỉnh LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị Lãnh đạo toàn cầu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ do Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì. Hội nghị đã thu hút trên 70 nguyên thủ, thủ tướng các nước tham dự.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị Lãnh đạo toàn cầu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu bật vai trò và đóng góp của Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; nhấn mạnh Phụ nữ Việt Nam hiện chiếm 48,4% lực lượng lao động, 24% đại biểu Quốc hội, trên 25% chủ doanh nghiệp. Chỉ số bình đẳng giới ở Việt Nam luôn được LHQ xếp hạng cao.
Chủ tịch nước nêu rõ, Nhà nước Việt Nam luôn coi thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ là ưu tiên hàng đầu; nhấn mạnh thành tựu của Việt Nam về xây dựng khuôn khổ pháp luật, thể chế và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cũng như việc lồng ghép bình đẳng giới vào mọi chiến lược, chương trình Quốc gia về phát triển tại Việt Nam. Chủ tịch nước cho rằng, bình đẳng giới không chỉ là một mục tiêu, mà là nội dung xuyên suốt trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ; nhấn mạnh Việt Nam cam kết sẽ ưu tiên mọi nguồn lực cần thiết để từ nay đến năm 2030 thu hẹp khoảng cách về giới trên mọi lĩnh vực; cải thiện hơn nữa sự tiếp cận của phụ nữ và trẻ em gái với các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, nhất là phụ nữ ở các vùng khó khăn; đồng thời từng bước xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam sẽ sát cánh cùng LHQ và cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chung nhằm bảo đảm quyền bình đẳng và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở tất cả các quốc gia.
* Cũng trong ngày 27-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị thường niên Sáng kiến toàn cầu (CGI) 2015 do cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tổ chức.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 nguyên thủ, thủ tướng các quốc gia, 14 nhân vật đoạt giải Nobel, hàng trăm nhà lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, các quỹ từ thiện và các tổ chức phi chính phủ lớn trên thế giới. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước một lần nữa thay mặt Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam cảm ơn những đóng góp quan trọng của ông Clinton đối với việc bình thường hóa và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong suốt 20 năm qua. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao những hoạt động hiệu quả của Quỹ Clinton tại Việt Nam, đặc biệt là trong việc chăm sóc và điều trị bệnh HIV/AIDS, bệnh sốt rét và các loại bệnh truyền nhiễm khác. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị ông Clinton và Quỹ Clinton tăng cường hỗ trợ các hoạt động nhân đạo, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Cựu Tổng thống Clinton cảm ơn sự quan tâm của Chủ tịch nước và các nhà Lãnh đạo Việt Nam đối với các hoạt động của Quỹ Clinton, khẳng định sẽ thúc đẩy để Quỹ có thêm các sáng kiến và dự án mới hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh cũng như trong lĩnh vực phòng chống những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ Tổng thống Áo Heinz Fischer
* Bên lề các hoạt động đa phương tại trụ sở LHQ trong ngày 27-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp với Tổng thống Áo và Tổng thống Chile.
Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Áo Heinz Fischer, hai vị lãnh đạo hài lòng nhận thấy trong thời gian qua, đặc biệt kể từ chuyến thăm Việt Nam của ông Heinz Fischer năm 2012, quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Áo Heinz Fischer nhất trí hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao, đoàn doanh nghiệp. Để tạo thuận lợi cho việc trao đổi đoàn, hai bên sẽ thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao giữa Việt Nam và Áo. Chủ tịch nước đề nghị chính phủ hai nước hỗ trợ doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh hợp tác thương mại, đặc biệt là trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu như hàng điện thoại, linh kiện điện tử, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt, may, thiết bị máy móc, dược phẩm, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, giấy, thức ăn gia súc và nguyên liệu. Chủ tịch nước cũng đề nghị Áo khuyến khích, hỗ trợ các công ty của Áo tăng cường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Áo có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, công nghiệp, năng lượng, y tế, đồng thời đề nghị Chính phủ Áo tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển sau 2015 của LHQ.
Tổng thống Heinz Fischer đánh giá cao các thành tựu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Việt Nam, bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; khẳng định Áo luôn ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu (EU); cụ thể là sớm phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác Việt Nam – EU (PCA), và thúc đẩy EU sớm kí kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hai nhà lãnh đạo nhất trí hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức Quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại LHQ và Hội nghị Á – Âu (ASEM). Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Áo bày tỏ ủng hộ quan điểm, lập trường của ASEAN và Việt Nam, mong muốn đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, nơi có tuyến đường biển huyết mạch nối Đông Á và châu Âu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với Tổng thống Chile Michelle Bachelet tại cuộc gặp
Gặp Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Chile, luôn trân trọng tình cảm và đóng góp to lớn của cá nhân bà Tổng thống vào việc thúc đẩy quan hệ hai nước. Hai vị lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước những phát triển gần đây trong quan hệ hai nước, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại Tự do song phương (FTA) Việt Nam – Chile đi vào hiệu lực (2014), đã góp phần quan trọng trong việc nâng kim ngạch thương mại hai chiều tăng 65% (890 triệu USD) so với năm 2013. Để thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng thực chất, hiệu quả trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống M.Bachelet nhất trí hai nước cần phối hợp, chuẩn bị tốt các hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (25-3-1971 - 25-3-2016), tập trung vào các hoạt động có tính hiệu quả, thiết thực (trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tổ chức diễn đàn, giao lưu doanh nghiệp, hội chợ, triển lãm...). Hai bên coi dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên nhiều mặt. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Việt Nam và Chile cần tiếp tục nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, nhất là Hội đồng thương mại tự do giữa Chính phủ hai nước; Cơ chế tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao và cần tính đến việc thiết lập thêm các cơ chế mới để làm sâu sắc hơn hợp tác song phương. Thông qua các cơ chế này, Chính phủ hai nước cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác, kinh doanh trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu như may mặc, chế biến thủy sản, nông lâm sản... Hai vị lãnh đạo nhất trí về việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các Tổ chức quốc tế và Diễn đàn đa phương, nhất là tại LHQ, APEC, TPP.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã cảm ơn Chile đã ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Hội đồng Kinh tế xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018; đồng thời đề nghị Chile ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019. Tổng thống Chile khẳng định luôn ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam ủng hộ Chile phát triển quan hệ với ASEAN.
* Nhân dịp tham dự các hoạt động tại Đại hội đồng LHQ lần thứ 70, chiều 27-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao Huân chương Lao động hạng 2 cho Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ.
Phát biểu tại Lễ trao Huân chương được tổ chức tại trụ sở Phái đoàn, Chủ tịch nước điểm lại những chặng đường vẻ vang của ngoại giao Việt Nam trong 70 năm qua gắn liền với những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, với lịch sử dân tộc. Trên nền tảng sự lãnh đạo và rèn luyện trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tiến trình xây dựng và phát triển của ngoại giao Việt Nam, ngoại giao đa phương đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Thay mặt cán bộ, nhân viên Phái đoàn, Đại sứ Nguyễn Phương Nga – Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, bày tỏ vinh dự và xúc động khi Phái đoàn được Chủ tịch nước trao tặng phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ngay tại trụ sở ở New York. Đây là sự kiện hiếm có, minh chứng cho sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với ngành ngoại giao nói chung và công tác ngoại giao đa phương nói riêng. Đại diện cho nhiều thế hệ lãnh đạo và cán bộ nhân viên của Phái đoàn trong suốt chiều dài gần 40 năm qua, Đại sứ Nguyễn Phương Nga hứa sẽ cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Phái đoàn ghi nhớ và triển khai tích cực ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, phấn đấu xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng và Nhà nước, xứng đáng là đại diện của ngoại giao Hồ Chí Minh.
* Trong khuôn khổ các hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại New York, ngày 27-9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Mình đã có các cuộc gặp với Ngoại trưởng Bungari, Đan Mạch và Cameroon.
Gặp Ngoại trưởng Bungari Daniel Mitov, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Bungari của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 6-2015 vừa qua là cột mốc quan trọng, góp phần đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước lên tầm cao mới. Hai Bộ Ngoại giao và các bộ ngành hữu quan hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai các kết quả của chuyến thăm. Ngoại trưởng Daniel Mitov nhấn mạnh hai bên cần chuẩn bị tốt cho kỳ họp Ủy ban hỗn hợp song phương vào tháng 11 tới, đồng thời hai Bộ Ngoại giao cũng chuẩn bị hiệu quả cho chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Bungari cũng như cuộc họp tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao trong năm nay. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Daniel Mitov cùng chia sẻ quan điểm cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước của các con sông lớn xuyên biên giới, ứng phó tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đề nghị Bungari xem xét cấp ODA hoặc tín dụng ưu đãi cho một số dự án về môi trường tại Việt Nam, y tế, nhất là những dự án hợp tác liên tiểu vùng Mekong – Danube.
Với Ngoại trưởng Đan Mạch Kristian Jensen, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh gửi lời cảm ơn Chính phủ Đan Mạch đã duy trì cung cấp số lượng lớn ODA cho Việt Nam trong những năm qua; mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, KH-CN, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, giáo dục đào tạo... Ngoại trưởng Jensen khẳng định Đan Mạch coi trọng phát triển quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam. Hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển rất đáng khích lệ của kim ngạch thương mại song phương trong thời gian qua, nhấn mạnh cần duy trì đà phát triển của quan hệ hai nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cụ thể. Ngoại trưởng Jensen khẳng định Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, phát triển xanh, bền vững. Hai vị bộ trưởng nhất trí về việc xem xét ký Thỏa thuận về hợp tác giáo dục, đồng thời tiếp tục thúc đẩy hai Bộ Ngoại giao triển khai Kế hoạch hành động Việt Nam – Đan Mạch 2014 – 2015 và xây dựng Kế hoạch hành động mới cho 2016 – 2017.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Cameroon Pierre Moukoko Mbonjo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Cameroon và cho rằng, hai bên cần khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh hợp tác giữa hai nước. Trước mắt, hai bên nhất trí cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, địa phương, doanh nghiệp nhằm tạo tạo cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu thị trường hai bên. Để tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hợp tác song phương, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên sớm trao đổi, đàm phán và ký kết Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; hoàn tất nội dung và ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ. Hiện nay hai bên đã có một số dự án cụ thể về thương mại, đầu tư. Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ Cameroon có biện pháp tích cực bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư Việt Nam tại Cameroon, trong đó có dự án liên doanh mạng 3G Viettel Cameroon của Tập đoàn Viettel hiện đang gặp trở ngại. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây không chỉ là dự án mạng 3G đầu tiên tại Cameroon, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nước này mà còn là dự án được. Ngoại trưởng Pierre Moukoko Mbonjo khẳng định Chính phủ Cameroon mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam, làm ăn tại Cameroon. Hiện nay, Chính phủ Cameroon đang rất quan tâm và theo dõi sát việc xử lý các vấn đề vướng mắc tại dự án liên doanh của Viettel.
TRẦN LƯU (từ New York - Hoa Kỳ)
(Ảnh: GIẢN THANH SƠN)