Việt Nam mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với các nước

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Việt Nam vào ngày 12-11 tới theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước. Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi về chuyến thăm này nói riêng, những dấu ấn nổi bật của hoạt động ngoại giao trong thời gian qua nói chung.

- Phóng viên: Dấu ấn nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong thời gian qua là gì, thưa Bộ trưởng?

>> Bộ trưởng PHẠM BÌNH MINH: Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2013 rất sôi động, nhưng lại có trọng tâm, trọng điểm. Có thể nói, trong năm 2013 Việt Nam tập trung vào hoạt động đối ngoại với tất cả các nước lớn trên thế giới, thể hiện qua các đồng chí lãnh đạo cấp cao đi thăm các nước như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm liên minh châu Âu, Anh, Ý; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm Trung Quốc, Mỹ; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thăm Pháp... Đồng thời, lãnh đạo các nước lớn cũng thăm Việt Nam, như Thủ tướng Nhật Bản sau khi nhậm chức đã đi thăm ngay Việt Nam, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Trung Quốc cũng sang thăm Việt Nam và tới đây là Tổng thống Nga. Có thể khẳng định, năm 2013 Việt Nam đã đưa quan hệ lên tầm cao mới với nhiều nước.

Từ năm 2000, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga, đó là đối tác đầu tiên Việt Nam thiết lập đối tác chiến lược. Kể từ đó đến nay, trong 13 năm, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 14 nước. Riêng trong năm 2013 là 5 đối tác chiến lược. Đó là Pháp, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Ý và 3 nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore. Ngoài ra xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ - cũng là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Như vậy khép lại Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ quan hệ với tất cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, là đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện của nhau.

Qua đó cho thấy, vị thế, tầm quan trọng của Việt Nam đã gia tăng trên trường quốc tế, vì vậy các nước mới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Ngay ở ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất xây dựng đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và các nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước khác. Đối tác chiến lược thể hiện mức cao hơn sự tin cậy chính trị, quan hệ kinh tế thương mại sâu rộng hơn. Đặc biệt, đối tác chiến lược bao hàm cả quan hệ về an ninh, quốc phòng sâu sắc hơn.

- Hiện nay Việt Nam đang đặt ưu tiên hợp tác như thế nào với các quốc gia?

Trong thế giới ngày nay, các quan hệ được đánh giá qua các mức độ của tên gọi. Cao nhất là đồng minh, liên minh, tiếp đến quan hệ bình đẳng với các nước thì có đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ hợp tác. Khi xây dựng quan hệ đối tác chiến lược thì không chỉ nâng tầm quan hệ chính trị, kinh tế mà bao gồm cả quan hệ an ninh quốc phòng. Chúng ta đã mở rộng quan hệ trên 170 nước thì không phải nước nào cũng có quan hệ đối tác chiến lược. Từng đối tác chiến lược thì chúng ta nhấn mạnh từng mặt này mặt kia, có nước chú trọng về hợp tác thương mại, có nước về khoa học - giáo dục, có nước về vũ trụ… Hiện nay Việt Nam có 2 nước đối tác chiến lược toàn diện đó là Nga và Trung Quốc - cũng là mức quan hệ cao nhất mà Việt Nam thiết lập với đối tác quốc tế.

Đối với Nga, các khía cạnh hợp tác bao trùm chính trị, kinh tế thương mại, nhưng nhấn mạnh về hợp tác an ninh quốc phòng… Đối với Trung Quốc, đồng thời là nước láng giềng, Việt Nam xây dựng mối quan hệ chiến lược trên tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, thương mại, văn hóa, giáo dục, nhân dân…

Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước nhằm đưa quan hệ với những nước có vai trò quan trọng hàng đầu trên thế giới đi vào thực chất, sâu sắc. Nhìn chung, dựa trên những thế mạnh của mỗi nước đặt tương quan để phát huy tối đa những tiềm năng hợp tác và hợp tác thực chất.

- Người dân quan tâm hai đối tác chiến lược toàn diện là Liên bang Nga và Trung Quốc. Quan hệ với hai nước này có gì đáng chú ý thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Với Liên bang Nga, ngày 12-11 tới, Tổng thống V.Putin sẽ thăm Việt Nam - chuyến thăm cấp cao đáng chú ý trong bối cảnh hai nước đưa quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2012. Dự kiến trong chuyến thăm này của Tổng thống V.Putin, hai nước ký kết nhiều hiệp định nhằm tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, thương mại, quốc phòng.

Với Trung Quốc, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên đã ký kết các thỏa thuận hợp tác về hạ tầng và các lĩnh vực khác. Đặc biệt, hai bên đã thảo luận giải quyết những vấn đề khác biệt liên quan đến biển Đông.

- Còn với Mỹ, hiện Việt Nam mới chỉ xác lập khuôn khổ đối tác hợp tác toàn diện. Có thể hiện nay chưa có đủ điều kiện để hướng tới đối tác chiến lược nhưng trong tương lai hai nước có hướng tới không?

Nhìn lại quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ kể từ 1995 đến nay để thấy những gì hai nước đã thiết lập cho thấy những bước tiến dài. Từ chỗ là kẻ thù đến bình thường hóa quan hệ, và giờ trở thành đối tác hợp tác toàn diện. Với chiều tiến triển thì không gì nghi ngờ việc hai nước có thể đạt tới những tầm mức quan hệ cao hơn. Theo tôi, mức độ quan hệ của hai nước hiện nay xác lập phản ánh đúng thực chất quan hệ toàn diện, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật. Còn những lĩnh vực chưa đạt sẽ là biên độ để hai nước phấn đấu tiếp trong tương lai, đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới.

- Cảm ơn Bộ trưởng!

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục