Việt Nam sắp có sàn giao dịch vận tải hàng hóa

Việt Nam sắp có sàn giao dịch vận tải hàng hóa

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sàn giao dịch vận tải hàng hóa (sau đây gọi tắt là sàn giao dịch) dự kiến sẽ hoạt động thí điểm trong năm nay. Sau thời gian thí điểm, sẽ đánh giá và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành để tạo cơ chế, chính sách cho sàn giao dịch hoạt động hiệu quả.

Việt Nam sắp có sàn giao dịch vận tải hàng hóa ảnh 1

Khi sàn giao dịch vận tải hàng hóa hoạt động, giá vận tải hàng hóa sẽ cạnh tranh hơn. Ảnh: CAO THĂNG

Vận tải lên sàn

Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) đã cơ bản hoàn thành xây dựng các website điện tử cho chủ hàng, lái xe; công tác tổ chức đấu thầu khối lượng hàng lớn trên mạng cho chủ hàng, lái xe, đơn vị có nhu cầu vận chuyển; các dịch vụ cung ứng cho chủ hàng, lái xe; mô hình sàn giao dịch trực tuyến; mô hình trao đổi thông tin; các loại phí và cách thu phí dịch vụ.

Sàn giao dịch là nơi tạo điều kiện kết nối các hình thức vận tải với nhau, giúp đơn vị vận tải khai thác triệt để vận tải hai chiều, giảm chi phí. Cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổng hợp, phân tích các dữ liệu có được từ quá trình hoạt động của sàn giao dịch để nắm bắt tình hình hoạt động vận tải hàng hóa và công bố công khai những thông tin chung về hoạt động vận tải hàng hóa như luồng, tuyến vận chuyển hàng hóa, giá cước vận chuyển, luồng hàng đi, về, khối lượng giao dịch… Theo ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), nếu hiểu khái niệm sàn giao dịch là nơi chỉ để các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa và các chủ hàng nối kết dịch vụ với nhau, thì chưa đầy đủ ý nghĩa. Sàn giao dịch vận tải hàng hóa là sàn giao dịch thương mại điện tử dành cho các đơn vị vận tải hàng hóa, các nhà cung cấp dịch vụ logistics (các đơn vị vận tải) và các khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa (chủ hàng) đăng thông tin về khả năng cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, hàng hóa cần chuyên chở và mua bán dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Các đơn vị vận tải tham gia sàn giao dịch được kiểm tra về năng lực, uy tín và các cam kết về vận chuyển hàng hóa cho chủ hàng, được đảm bảo bởi sàn giao dịch.

Sau thời gian hoạt động thí điểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ đánh giá, trên cơ sở đó đề xuất cụ thể hơn về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành nhằm tạo cơ chế, chính sách để sàn giao dịch hoạt động hiệu quả hơn.

Chi phí vận tải hàng hóa sẽ tốt hơn

Trước việc ra mắt sàn giao dịch, chủ hàng mừng nhưng doanh nghiệp vận tải thì lo. Anh Kiều Thanh Sanh, chuyên buôn bán các mặt hàng công nghiệp tại đường Mai Xuân Thưởng (quận 5) cho biết, khi sàn đi vào hoạt động, chủ hàng có nhiều kênh vận tải để lựa chọn giao hàng đi các tỉnh và chắc chắn giá thành vận tải sẽ cạnh tranh hơn. Nếu đơn vị vận tải nào lấy giá cao sẽ khó có đơn hàng để chở. Trong khi đó, về phía các đơn vị vận tải, đến thời điểm này, nhiều đơn vị vẫn chưa nắm được thông tin về sàn giao dịch, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp còn hạn chế về phương tiện rất lo lắng, vì sợ cạnh tranh không nổi với các doanh nghiệp lớn có nhiều phương tiện và đa dạng các loại hình vận tải. Anh Trần Văn Quang, chủ doanh nghiệp vận tải Quang Anh cho biết, mình là doanh nghiệp nhỏ, ít đầu xe nên khó cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn; vì vậy, việc đầu tiên để tồn tại là phải tìm đối tác để liên kết, nếu không sẽ không có đơn hàng để chở. 

Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM Thái Văn Chung cho rằng, đây là nơi tạo điều kiện kết nối các đơn vị vận tải với chủ hàng, giúp đơn vị vận tải sử dụng triệt để năng lực vận tải 2 chiều, giảm chi phí. Mọi hoạt động qua sàn giao dịch vận tải hàng hóa sẽ được công khai, minh bạch, nhờ vậy, góp phần giải quyết được bài toán làm sao để mỗi chuyến xe đều đầy tải cả chiều đi lẫn chiều về, tiết giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp và cho xã hội. Ngoài ra, một chuyến đi có thể vận chuyển cho nhiều đơn hàng khác nhau để đầy tải, chứ không như thời gian qua, có nhiều chuyến non tải gây lãng phí. Sàn giao dịch còn giúp cho việc thông quan qua cửa khẩu nhanh hơn. Trước khi chuyến hàng đến cửa khẩu 30 phút, hải quan đã nắm được thông tin hàng hóa dự kiến thông quan vì thông tin đã được cấp cho hải quan để cho đi qua làn xanh (cho thông quan) hay làn đỏ (dừng lại kiểm tra), nên việc kiểm soát sẽ nhanh hơn so với những chuyến hàng đi lẻ như trước đây. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay có tình trạng các doanh nghiệp vận tải không muốn công khai minh bạch về khối lượng hàng hóa, giá cước, khả năng vận chuyển, vì sợ lộ bí quyết kinh doanh, sợ mất mối hàng, đây gọi là kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, việc tổ chức sàn giao dịch là rất cần thiết để giá cước vận tải minh bạch hơn. Bộ Giao thông Vận tải cần có quy định về sàn giao dịch để đảm bảo hoạt động của sàn theo đúng các cơ chế của thị trường.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục