Việt Nam tạo mọi điều kiện phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ

Ngày 21-3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

(SGGP).- Ngày 21-3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Việt Nam tạo mọi điều kiện phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ ảnh 1

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry. Ảnh: VTV

Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao vai trò của WIPO như một diễn đàn toàn cầu về các dịch vụ, chính sách, thông tin và hợp tác về sở hữu trí tuệ và cảm ơn sự hợp tác tích cực mà WIPO đã dành cho Việt Nam trong thời gian qua. Chủ tịch nước cho biết, trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, Việt Nam đã xác định cần bảo hộ sở hữu công nghiệp, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trong cơ chế thị trường và khuyến khích sáng tạo của những nhà khoa học và người lao động thông qua các quy định về quyền sở hữu công nghiệp trong Bộ luật Dân sự. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã sớm gia nhập WIPO - diễn đàn toàn cầu về sở hữu trí tuệ từ năm 1976. Đồng thời, Việt Nam cũng đã gia nhập nhiều điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ cũng như ký kết nhiều thỏa thuận thương mại và hợp tác kỹ thuật song phương khác.

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân từ 6,5% - 7%, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, sở hữu trí tuệ sẽ đóng vai trò nhất định trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội này. Chủ tịch nước cho rằng, để tiến tới việc phát triển đồng bộ thị trường khoa học - công nghệ, kết nối thị trường trong nước với khu vực và thế giới, cần thực hiện hiệu quả việc bảo hộ, quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh thương mại hóa tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, cần chủ động hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ thông qua việc gia nhập các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Nhà nước Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để hệ thống sở hữu trí tuệ được phát triển và đóng góp tối đa cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch nước mong muốn, thời gian tới hai bên tiếp tục có những hoạt động hợp tác kỹ thuật trên bình diện song phương, đặc biệt trong việc xây dựng chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ.

MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục