Vụ máy bay Malaysia Airlines chở 239 người mất tích:
(SGGPO). - Chiều nay 9-3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có cuộc họp khẩn với đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan về vấn đề tìm kiếm, cứu nạn chiếc máy bay mất tích trên.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các lực lượng thuộc Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo nỗ lực tối đa, huy động đầy đủ các lực lượng. Công tác tìm kiếm cứu nạn phải thực hiện 24/24h, liên tục để nâng cao khả năng sớm phát hiện và tiếp cận, cứu nạn cao nhất có thể đối với các nạn nhân. Đồng thời tiếp tục tăng cường phát thông tin, tìm tín hiệu, tiếp cận các vật thể lạ trôi nổi và vệt dầu loang để xác minh, loại trừ yếu tố khác, mở rộng vùng tìm kiếm, phối hợp và phân công tốt các lực lượng để không phí nguồn lực và đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cần tạo điều kiện và phối hợp cho các lực lượng chuyên trách tìm kiếm cứu nạn của các quốc gia khác tham gia, đồng thời tăng cường công tác an ninh hàng không đối với tất cả các sân bay.
Theo Bộ Quốc phòng, đến nay đã chỉ đạo 9 máy bay, 11 tàu tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Lực lượng chuyên trách hàng hải cũng đã phát thông báo, điều tàu tìm kiếm ở các khu vực, vị trí được nhận định là nơi máy bay mất tích. Đặc biệt là khu vực tại tọa độ 06°56’N-103°35’E, cách Tây Nam mũi Cà Mau khoảng 120 hải lý, trên vùng biển Malaysia, cách phía Nam vùng chồng lấn Việt Nam-Malaysia khoảng 25 hải lý là nơi bị mất liên lạc với máy bay. Thông tin cũng cho biết, lực lượng nước ngoài đăng ký tham gia tìm kiếm đến nay là 12 máy bay và 28 tàu các loại.
NGUYỄN QUỐC
Vệt nghi vết dầu loang là bọt biển
(SGGPO). - Sau hơn 4 giờ tìm kiếm trên không vết tích máy bay Boeing 777 của Malaysia gặp nạn, 2 trực thăng MI 171 mang số hiệu 02 và 04 của Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370 Không quân Việt Nam ) đã trở về sân bay Cà Mau hồi 16 giờ 30 phút chiều 9-3…
Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 917 chưa kịp nghỉ mệt liền thông tin với giới báo chí, tuy chưa tìm được máy bay Malaysia gặp nạn nhưng một số nghi vấn được làm rõ ở khu vực cách Bãi Cạn Cà Mau (Nhà giàn DK10) khoảng 50 km, cách Mũi Cà Mau khoảng 250 km, trên vùng biển phía Tây Nam, và vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia.
Cụ thể, theo đại tá Quang, quá trình tìm kiếm, phi hành đoàn phát hiện một số vật thể lạ, tiến hành hạ độ còn 200-300m so với mặt nước biển để xác minh nhưng không phải vật thể của máy bay mà là ngư cụ, phao cứu sinh của ngư dân. Về các vệt nghi dầu loang trên 20km ở khu vực bãi cạn, nghi vấn vết dầu của máy bay Malaysia gặp nạn, đại tá Quang khẳng định sau khi hạ thấp độ cao mới biết đó là bọt biển. Đại tá giải thích: “Khu vực bãi cạn ngay dòng chảy giao nhau, tạo nên bọt biển. Nếu quan sát từ trên cao sẽ thấy có màu vàng cam”.
Thông tin thêm về hoạt động phối hợp tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, đại tá Trần Văn Quang cho biết, đội tìm kiếm cứu nạn trên không của Singapore và tàu biển Malaysia vừa thông báo phát hiện một vật thể lạ màu vàng trên biển cách đảo Thổ Chu của Việt Nam 100 km (lệch về phía Nam Tây Nam), nghi là của chiếc máy bay bị mất tích, cả Singapore và Malaysia đề nghị giúp đỡ.
Đại tá Trần Văn Quang cũng cho biết, mùa này nhìn chung thời tiết tương đối tốt. Tuy nhiên, chiều nay gió ngoài biển rất lớn, xuất hiện nhiều mây ở độ cao thấp cho nên 2 tổ bay của trung đoàn hoạt động ở độ cao 300 mét trở xuống để đảm bảo an toàn.
BÌNH ĐẠI - XUÂN HẠ
- Phát hiện vật thể lạ nghi của máy bay Boeing
(SGGPO).- Lúc 16 giờ chiều nay, 9-3, Đại tá Lê Văn Minh -Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển Vùng 4- cho biết: Thông tin từ Ban Chỉ huy của Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam, đội tìm kiếm cứu nạn bằng máy bay của Singapore và tàu biển Malaysia thông báo vừa tìm thấy một vật thể lạ màu vàng trên biển, được nghi là của chiếc máy bay bị mất tích.
Theo đó, máy bay của Singapore và tàu biển của Malaysia cùng tìm thấy vật khả nghi trên biển ở vị trí này cách đảo Thổ Chu của Việt Nam 100 km (lệch về phía Nam Tây Nam). Cùng với việc đưa ra thông báo, cả hai phía đều đề nghị Việt Nam lập tức ra giúp đỡ. Nhận được thông tin, Cảnh sát biển Vùng 4 đã điều ngay tàu CBS 2003 đến các tọa độ nêu trên để xác minh. Theo Đại tá Minh, tàu CSB 2003 còn cách tọa độ nghi có vật thể lạ là 69 hải lý. Dự kiến tàu CBS 2003 sẽ mất khoảng 3,5 giờ đồng hồ để đến được vị trí có vật thể lạ. Dự kiến 17 giờ 30 chiều nay, tàu CSB 2003 sẽ tiếp cận vật thể lạ.
HÀM LUÔNG
Tường thuật của PV Báo SGGP trên chiếc máy bay tìm kiếm cứu nạn
(SGGPO).- 15g20 ngày 9-3, PV Báo SGGP đã có mặt trên chiếc máy bay AH 26 mang ký hiệu 286 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất ra vị trí nghi có vết dầu loang của chiếc máy may Boing 777-200 của hãng Hàng không Malaysia bị mất tích đêm 7 rạng sáng 8-3.
Cơ trưởng chuyến bay là thượng tá Hoàng Văn Thông, Chủ nhiệm Bay Lữ đoàn không quân 918 Quân chủng Phòng không-Không quân. Dẫn đường là thượng tá Nguyễn Trường Sơn. Tham gia chuyến bay còn có đại tá Hoàng Văn Tuyến, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn trên không thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân…
Trước đó, vào 13g40, chiếc thủy phi cơ ký hiệu DHC6 do cơ trưởng người Canada cầm lái đã cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất thực hiện sứ mạng rà soát trên vùng biển nghi có vết dầu loang của chiếc máy bay mất tích. Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân đi trên chuyến bay này và trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm, xác định vị trí chiếc may bay của Hãng Hàng không Malaysia mất tích.
Khởi hành sau chuyến bay mang ký hiệu 286 khoảng 20 phút là chiếc AH 26 ký hiệu 261 cũng của Lữ đoàn Không quân 918, do thượng tá Vũ Đức Long làm cơ trưởng. Theo nhiệm vụ được giao, máy bay 261 bay sau máy bay 286 để truyền dẫn thông tin chỉ huy mặt đất vì vị trí máy bay của Hãng hàng không Malaysia mất tích cách xa trung tâm chỉ huy và nằm ngoài đường bay của các chuyến bay thương mại.
Sau hơn 1 giờ bay, máy bay 286 đã tiếp cận đến gần IGARI - vùng tiếp giáp giữa FIR HCM của Việt Nam và FIR Malaysia. “Hạ độ cao”. Mệnh lệnh của cơ trưởng được phát ra khi máy bay chỉ cách điểm cuối của FIR HCM khoảng 60km. “5.000m” - thông tin từ hoa tiêu dẫn đường thông báo. Chiếc máy bay tiếp tục giảm độ cao, các thành viên trong đoàn bay căng mắt qua các ô cửa sổ hai bên máy bay quan sát.
16 giờ 45, máy bay đã hạ xuống độ cao 1.200m và giữ ổn định ở khoảng cách này để các thành viên trong đoàn bay quan sát. Dẫn đường bay, thượng tá Nguyễn Trường Sơn thông báo: “Chỉ huy mặt đất không cho hạ tiếp độ cao vì lý do không lưu phía dưới có máy bay tìm kiếm các nước Malaysia và Singapore đang hoạt động.
16 giờ 55, vị trí máy bay cách FIR Malaysia 40km. Hoa tiêu thông báo: “Độ cao 1.200m, chú ý bên trái”. Phía dưới, vùng biển xuất hiện 2 chiếc tàu thủy đang tiến đến khu vực nghi có vết dầu loang. “Sang trái 160” - tiếng hoa tiêu dẫn đường vang lên. Máy bay nghiêng bên trái, đảo một vòng ra đến điểm cuối cùng của FIR HCM nhưng không thể hạ độ cao được nữa rồi giữ ổn định đường bay về hướng tọa độ 7,55 vĩ Bắc; 103,1602 kinh Đông.
Vào lúc 17g00, cơ trưởng thông báo: Chú ý bên trái, có dấu hiệu nghi vết dầu loang. Máy bay tiếp tục giữ ở độ cao 1.200 m rồi nghiêng hẳn sang bên trái. Một vệt sậm kéo dài trên vùng biển khoảng 20 km. Hoa tiêu dẫn đường Nguyễn Trường Sơn nói: “Dấu hiệu nghi vết dầu loang của máy bay bị nạn so với buổi sáng và hôm trước phát hiện có ngắn hơn, không thành vệt đậm, dài trên mặt biển. Tuy nhiên, bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra một vệt sậm dài khoảng hơn 20 cây số. Máy bay tiếp tục đảo qua phải rồi lượn một vòng qua trái ở góc độ 160 để các thành viên trong đoàn tiếp tục quan sát điểm nghi vết dầu loang. Không phát hiện thêm dấu hiệu gì khác và máy bay cũng không thể hạ độ cao để quan sát trên vùng biển.
Đúng 18g40, sau 3g35 phút bay, chiếc máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất, kết thúc phi vụ thứ ba trong ngày làm nhiệm vụ tìm kiếm chiếc máy bay Boing 777-200 của Hãng hàng không Malaysia bị mất tích đêm 7 rạng sáng 8-3 trên vùng trời tiếp giáp giữa Việt Nam và malaysia.
Ngay sau khi kết thúc chuyến bay, tổ lái đã có cuộc tiếp xúc với nhóm PV các hãng thông tấn báo chí trong và ngoài nước tham gia chuyến bay. Thay mặt tổ lái, cơ trường thượng tá Hoàng Văn Thông cho biết: Sau 2 ngày tham gia tìm kiếm, tổ bay đã thực hiện 3 chuyến bay an toàn. Trong ngày hôm qua, 8-3, tổ bay đã bay trên vùng bay khoảng hơn 14 ngàn km² và chuyến bay hôm nay thực hiện tìm kiếm trong phạm vi 10 ngàn km². Có thể nói điều kiện thời tiết trong những ngày qua là hết sức thuận lợi. Nhựng do biển mênh mông, rất khó để xác định được vị trí nghi máy bay gặp nạn. Đây là khó khăn lớn nhất của tổ bay. Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ mà quân chủng giao và sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào để tìm kiếm trong mọi khả năng và điều kiện.
Các chuyến bay tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ do Quân chủng phòng không-không quân giao luôn bố trí lực lượng tổ bay là 7 người. Ngoài 5 người làm nhiệm vụ tại buồng lái, phía sau còn bố trí 2 phi công làm nhiệm vụ quan sát, cảnh giới và nếu phát hiện máy bay bị nạn sẽ báo hiệu cấp cứu, mở cửa sau máy bay để thả phao cứu sinh… Đây là những chuyến bay đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trong bất cứ tình huống nào, dù là khó khăn nhất.
Những diễn biến chính ngày 9-3 (giờ Việt Nam) – 9 giờ: Hệ thống theo dõi các chuyến bay của Thụy Điển công bố máy bay mất liên lạc chỉ 50 phút sau khi cất cánh (không phải sau 2 giờ như thông tin ban đầu). – 10 giờ 40: Ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết đã gửi một nhóm nhân viên đến châu Á để giúp điều tra vụ việc. – 10 giờ 48: AFP cho biết Chính phủ Malaysia đang điều tra khả năng vụ máy bay hãng Malaysia Airlines mất tích bí ẩn có liên quan đến khủng bố. – 16 giờ 30: Trực thăng Mi 171 02 và Mi 171 04 trở về sân bay Cà Mau, xác định vết nghi dầu loang là bọt biển ở khu vực bãi cạn Cà Mau, các vật thể lạ không phải là vật thể của máy bay – 17 giờ: Hãng CNN đưa tin, 2 hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp của công dân Ý và Áo đã mua vé cùng nhau. – 18 giờ 35: Thủy phi cơ DHC6 đã phát hiện được vật thể nghi là mảnh vỡ cửa sổ chiếc máy bay bị mất tích, ở tọa độ 08, 4732 vĩ Bắc - 103,2226 độ kinh Đông, cách đảo Thổ Chu 80km. |
HOÀI NAM
Chính phủ Malaysia đã hoan nghênh và đánh giá cao sự giúp đỡ, hợp tác của năm quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong việc triển khai công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Hãng Hàng không Quốc gia Malaysia (MAS).
Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman ngày 9-3 cho biết ông đã liên lạc với các Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Philippines và Mỹ để tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước này. Malaysia cũng hoan nghênh sự trợ giúp tương tự từ các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế trong các hoạt động tìm kiếm. Người đứng đầu ngành ngoại giao Malaysia cho biết nước này đã thiết lập Trung tâm điều phối quốc gia tại Trung tâm kiểm soát thảm họa ở thành phố Cyberjaya, bang Selangor để theo dõi tình hình.
* Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, chiều 9-3, đại diện MAS đã tổ chức họp báo tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo, đại diện hãng hàng không Malaysia khẳng định tính đến thời điểm này Hãng đã liên hệ được với tất cả gia đình của các hành khách trên chuyến bay MH370. Thông tin về chuyến bay đều được Hãng này công khai, minh bạch và kịp thời công bố. Ngoài việc đưa một đoàn nhân viên sang hỗ trợ chăm sóc người nhà hành khách Trung Quốc tại Bắc Kinh, hiện MAS đang gấp rút đối chiếu các thông tin của danh sách người nhà hành khách như hộ chiếu, visa để tạo điều kiện sớm nhất đưa họ sang Kuala Lampuar thể theo nguyện vọng.
Trả lời câu hỏi về việc có người nhà đã gọi thông được điện thoại cho người thân trên chuyến bay, đại diện MAS cho biết đã thông báo ngay cho các cơ quan hữu quan Malaysia cùng với Trung Quốc để xác thực và tìm kiếm, bản thân ông cũng nhiều lần gọi số điện thoại này mà không có tín hiệu. Hiện ông vẫn chưa có thêm thông tin gì về việc này.
Được biết, các gia đình hành khách đang tập trung ở khách sạn Lệ Đô Bắc Kinh sáng nay (9-3) đã cùng ký Giấy đề nghị Hãng Hàng không Quốc gia Malaysia phải thông báo chính thức về tung tích của chiếc may bay Boeing 777-200 trong vòng 3 giờ nữa. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, Hãng này vẫn không thể đưa ra thêm thông tin nào về chiếc may bay cũng như kết quả tìm kiếm- cứu nạn.
Trong khi đó, công tác tìm kiếm chiếc máy bay vẫn tiếp tục. Theo thông tin mới nhất, hãng thông tấn Bernama của Malaysia dẫn thông tin từ Cơ quan thực thi hàng hải nước này cho biết họ đã tìm thấy một vết dầu loang lớn ở khu vực Tok Bali, ngoài khơi quần đảo Kelantan khoảng 100 hải lý.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Mohd Amdan Kurish, Tồng giám đốc Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia cho biết ông đã nhận được những mẫu dầu thu thập được từ một chiếc tàu đi qua vùng biển này và sẽ gửi đi phân tích nhằm xác định xem liệu loại dầu này có phải là của chiếc máy bay MH370 nói trên hay không. Ông nhấn mạnh quá trình điều tra sẽ tập trung vào lộ trình của chiếc máy bay nói trên.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 của MAS khởi hành từ thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia dự kiến tới Bắc Kinh (Trung Quốc) lúc 6 giờ 30 phút sáng 8-3 giờ địa phương (tức là 22 giờ 30 phút ngày 7-3 theo giờ GMT). Tuy nhiên, chiếc máy bay chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn đã mất tín hiệu vào lúc 2 giờ 40 sáng 8-3. MAS cho biết chiếc Boeing 777-200 này từng bị hỏng phần đầu của cánh máy bay vào năm 2012 nhưng đã được sửa chữa và an toàn để bay.
TTX
- Mỹ điều tàu khu trục tìm kiếm máy bay mất tích
Hãng AFP ngày 9-3 đưa tin, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Pinckney và một máy bay tuần tra P-3C Orion để hỗ trợ công tác tìm kiếm chiếc máy bay đang bị mất tích mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS).
USS Pinckney chở 2 trực thăng MH-60R được trang bị cho việc dò tìm và cứu hộ. Tàu này thuộc hạm đội 7 của hải quân Mỹ đóng tại Okinawa (Nhật Bản). Ngoài ra, một máy bay tuần tra P-3C Orion từ căn cứ không quân Kadena tại Okinawa cũng đã được điều động. Cho tới nay, đã có 6 quốc gia tham gia trong nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 gồm Malaysia, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Chinadaily cùng ngày dẫn lời Tổng giám đốc Cơ quan hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman khẳng định có 2 hành khách mang hộ chiếu giả lên chiếc máy bay đang bị mất tích. Trước đó, quyền Bộ trưởng Giao thông Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết có 4 hành khách đã sử dụng hộ chiếu của người khác để lên máy bay. Vị Bộ trưởng này cũng cho hay Malaysia đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tình báo và tổ chức chống khủng bố quốc tế để điều tra vụ việc.
Anh Văn
- Thành lập Sở chỉ huy tiền phương cứu nạn tại Cà Mau
Tin của PV Báo SGGPO chiều 9-3 cho biết, 2 chiếc trực thăng của Không quân Việt Nam đã lên đường ra khu vực nghi máy bay Malaysia gặp nạn. Đó là 2 chiếc trực thăng mang số hiệu Mi 17102 và Mi 17104. Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 - Sư đoàn 370, Không quân Việt Nam cho biết 2 trực thăng này được trang bị ống nhòm quân báo và trang thiết bị ghi hình tối tân để ghi rõ hình ảnh vệt loang trên biển. Thời gian 2 máy bay hoạt động là khoảng 4 giờ, bao gồm từ thời điểm xuất phát đến kết thúc hành trình. Có tổng cộng 18 người trên 2 máy bay nói trên.
Tại khu vực Phú Quốc, theo Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Vùng 5 Hải quân, 2 tàu HQ 954 và HQ 637 cũng đã đến vùng biển trên và triển khai tìm kiếm. Riêng tại Bộ tư lệnh vùng thì các tàu đã sẵn sàng xuất phát khi có lệnh.
Theo thông tin từ Sân bay Cà Mau, lãnh đạo sân bay vừa nhận được công văn chỉ đạo về việc thành lập Sở chỉ huy tiền phương để có những chỉ đạo nhanh trong công tác cứu hộ, cứu nạn; phản ứng nhanh-đáp ứng tốt điều kiện về cơ sở vật chất, lực lượng tham gia theo yêu cầu thực tế.
BÌNH ĐẠI – HÀM LUÔNG
- Chưa tìm thấy dấu vết máy bay bị nạn
Đầu giờ chiều 9-3, Chuẩn Đô đốc, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân Doãn Văn Sở cho biết: "Vẫn chưa phát hiện dấu vết máy bay gặp nạn. Các tàu hải quân, cảnh sát biển chưa tiếp cận được vết dầu loang. Hải quân Vùng 5 đang điều thêm tàu, chờ lệnh nhổ neo ra làm nhiệm vụ cứu nạn dài ngày trên biển".
Đại tá Lê Văn Minh, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển Vùng 4 thông tin: "2 tàu cứu hộ mang số hiệu CSB 2001 và CSB 2002 của Cảnh sát biển Vùng 4 vẫn chưa phát hiện bất thường nào trên khu vực nghi vấn.
Trung tá Bùi Xuân Hoạt, Chính trị viên Nhà giàn DK1-10 cho biết: Khoảng cách quan sát bằng mắt thường trong khoảng 10 hải lý. Nếu phát hiện dấu hiệu máy bay rơi sẽ báo về sở chỉ huy là Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, sau đó phối hợp với Hải quân vùng 5 để ứng cứu. 2 ngày qua, chúng tôi quan sát trên biển nhưng chưa phát hiện dấu hiệu máy bay rơi. Chúng tôi cũng liên lạc với nhiều ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển này tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Tại Cà Mau trưa nay, 2 hai trực thăng Mi 17102 và Mi 17104 của Không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917- Sư đoàn 370) trong tư thế sẵn sàng cất cánh.
Bình Đại
- Mở rộng vùng tìm kiếm, điều thêm máy bay tuần thám và thủy phi cơ
Trưa 9-3, tại cuộc họp ở Sở chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Hàng không Việt Nam (Hà Nội), ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết vẫn chưa có một thông tin, manh mối rõ ràng nào về chiếc máy bay mất tích. Trong sáng cùng ngày, đã có 3 máy bay AN26 của Không quân Việt Nam được điều ra khu vực nghi ngờ. Khu vực tìm kiếm hiện được mở rộng hơn khoảng hơn 40.000 km vuông gần khu vực đảo Thổ Chu về phía Nam. Các máy bay cứu hộ vẫn giữ nguyên phương thức bay ở độ cao 6.000 - 7.000 feet (khoảng 2.000 - 2.300 m).
Trong khi đó, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia cho biết Bộ Quốc phòng đã ra lệnh cho máy bay tuần thám biển hiện đại CASA 212 của Cảnh sát biển Việt Nam bay từ Sân bay Gia Lâm (Hà Nội) vào Sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) để chờ lệnh. Đồng thời, ra lệnh điều thủy phi cơ DHC6 bay từ Sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) vào Sân bay ở Cà Mau. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng cũng đã ra lệnh cho tàu Hải quân HQ-888 (tàu nghiên cứu biển có trang bị máy quét đa tia và đo đa tia không gian ba chiều) di chuyển đến khu vực nghi có vết dầu loang. Tàu HQ-888 sẽ chở thêm 1 đội thợ lặn của Quân chủng Hải Quân, tiến về khu vực tìm kiếm. Liên quan tới vệt dầu loang rộng khoảng 8 km và dài khoảng 80km được phát hiện mới nhất, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết, vệt dầu loang này rất có thể là vệt dầu loang đã được phát hiện vào chiều hôm qua, 8-3.
NGUYỄN QUỐC
8 giờ 30 phút sáng 9-3, Chuẩn Đô đốc, Doãn Văn Sở-Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết: lúc 3 giờ 30 sáng 9-3, tàu hải quân HQ 954 đã đến vị trí khu vực biển nghi máy bay Malaysia gặp nạn. Tàu HQ 637đến vị trí này khoảng 6 giờ sáng. Hiện 2 tàu đang tích cực tìm kiếm tại 2 điểm khác nhau trong khu vực biển này, theo chỉ định của Binh chủng Hải Quân.
Việc tìm kiếm bắt đầu từ khu vực phía bắc của vết dầu loang mà máy bay AN 26 đã phát hiện được vào chiều hôm qua. Ngoài ra, theo Chuẩn đô đốc Doãn Văn Sở, các tàu khác của lực lượng Hải quân vùng 5 trong tư thế đang sẵn sàng chờ lệnh điều động lên đường cứu hộ máy bay Malaysia gặp nạn.
Tối 8-3, hai tàu CSB 2001 và CSB 2002 của Cảnh sát biển của vùng 4 đã tiếp cận được vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia, nơi nghi là máy bay Boeing B777-200ER bị rơi. 2 tàu này được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn và các thiết bị vật tư y tế hiện đại… Khi đến nơi, 2 tàu của Cảnh sát biển của vùng 4 triển khai các hoạt động tìm kiếm, sử dụng camera quan sát đêm trên vùng biển trong phạm vi hơn 130 km² và tại khu vực phát hiện có vết dầu loang. Tuy nhiên, vẫn chưa phát hiện được gì tại hai khu vực nói trên. Như vậy, đến nay đã có 6 tàu Việt Nam tham gia cứu hộ ( 2 tàu Trung tâm cứu hộ, 2 tàu Cảnh sát biển và 2 tàu của Vùng 5 Hải Quân).
Tại Cà Mau, sau khi đáp xuống sân bay Cà Mau vào khoảng 16 giờ 30 phút chiều 8-3, hai chiếc máy bay Mi 17102 và Mi 17104 của không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917-Sư đoàn 370) đã sẵn sàng chờ lệnh.
Điểm tìm kiếm thuộc khu vực cách Bãi Cạn Cà Mau (Nhà giàn DK10) khoảng 50 km. Cách Mũi Cà Mau khoảng 250 km, trên vùng biển phía Tây Nam, nơi phát hiện vết dầu loang nghi là tung tích của máy bay Malaysia gặp nạn.
Sáng 9-3, trao đổi với PV, ông Nguyễn Long Hoai – Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Cà Mau cho biết, lực lượng của đơn vị đã trực 24/24, tuy nhiên tính từ sáng 8-3 đến hiện tại vẫn chưa nhận được thông tin báo về của đơn vị nào.
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đến sáng nay tại khu vực máy bay mất tích đã có 13 máy bay, 29 tàu của các quốc gia tham gia tìm kiếm. Trong đó, phía Malaysia có 6 máy bay, 6 tàu; Trung Quốc có 2 máy bay, 14 tàu; Philippine có 1 máy bay, 3 tàu; Singapore có 1 máy bay C130; Việt Nam có 3 máy bay, 6 tàu.
Bình Đại
---------------------------------------------------------------------------
Ngày 8-3, chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) chở 239 người trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh đã mất tích.
| |
Tại thời điểm mất liên lạc từ lúc 0 giờ 30 phút sáng 8-3, máy bay có nhiên liệu đủ để hoạt động trong khoảng 7,5 giờ. Lần cuối chiếc máy bay liên lạc với mặt đất khi nó ở vị trí cách Kota Baru (thủ phủ tỉnh Nam Kalimantan, Indonesia) 120 hải lý về phía Đông. Theo các chuyên gia Việt Nam, căn cứ trên bản đồ dẫn đường bay, vị trí máy bay mất liên lạc cách bờ biển mũi Cà Mau của Việt Nam khoảng 160 hải lý (gần 300km).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nước liên quan, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và các cơ quan liên quan của Việt Nam để khẩn trương thực hiện công tác TKCN. Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với lực lượng của phòng không - không quân, hải quân triển khai phương án phối hợp tìm kiếm tại khu vực giáp ranh giữa vùng FIR TPHCM và FIR Kuala Lumpur (Malaysia), nơi máy bay mất liên lạc và kiểm soát radar. Các phương tiện máy bay, tàu của lực lượng phòng không không quân, hải quân, cảnh sát biển Việt Nam đã nỗ lực tham gia tìm kiếm chiếc máy bay này.
Chiều 8-3, 1 chiếc trực thăng của Việt Nam đã phát hiện một vùng có màu khác lạ so với nước biển (nghi là vết dầu loang) có chiều dài 20km, tại tọa độ 07055’N, 103018’52"E. Vị trí phát hiện cách đảo Thổ Chu khoảng 150km và cách Mũi Cà Mau khoảng 190km. Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu nhận định, vệt nghi dầu loang kéo dài tới 20km có khả năng có liên quan tới chiếc máy bay mất tích. Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, cho biết, hiện phạm vi tìm kiếm của Việt Nam là 10.000km² trên biển. Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, công tác tìm kiếm đang được triển khai cả trên không, trên biển.
Đến 19 giờ ngày 8-3, tàu cứu hộ 2001 đã tiếp cận khu vực được cho là máy bay rơi. Tuy nhiên, sau hơn 2 giờ tìm kiếm vẫn chưa có kết quả.
| |
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có công điện chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hàng không, trong đó yêu cầu Cục Hàng không áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh tăng cường cấp độ 1; các cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an ninh, an toàn hàng không nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; các hãng hàng không tăng cường thực hiện công việc giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các quy trình khai thác và bảo dưỡng máy bay đối với tất cả các chuyến bay quốc tế và quốc nội.
| |
NHÓM PV
>> Việt Nam tích cực triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn
>> Máy bay hãng Malaysia Airlines rơi cách đảo Thổ Chu của Việt Nam khoảng 153 hải lý
>> Hải quân Malaysia tiếp xúc với hải quân Việt Nam tìm kiếm máy bay mất tích