Việt Nam và Đức luôn là đối tác tin cậy của nhau

* PV:
Việt Nam và Đức luôn là đối tác tin cậy của nhau

Phó Tổng lãnh sự Đức tại TPHCM Olaf Malchow:

Nhân sự kiện 40 năm thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Đức, Phó Tổng lãnh sự Đức tại TPHCM Olaf Malchow đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Phó Tổng lãnh sự Đức tại TPHCM Olaf Malchow dự lễ khai mạc chương trình giảng dạy tiếng Đức trong trường phổ thông tại TP Đà Nẵng vào tháng 9-2015

* PV: Năm 2015 đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ này?

* Phó Tổng lãnh sự Đức tại TPHCM OLAF MALCHOW: Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23-9-1975, 40 năm qua Đức đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và đưa mối quan hệ hữu nghị giữa Đức và Việt Nam phát triển vượt bậc, trở thành mối quan hệ thành công và đáng tin cậy với các chuyến thăm cấp cao giữa các lãnh đạo hai bên. Trong đó phải nói đến chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Angela Merkel vào năm 2011 nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Việt Nam thực sự trở thành đối tác trọng điểm trong hợp tác phát triển kinh tế và chính trị của Đức và trong tương lai chúng tôi muốn hướng đến mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa bền chặt hơn nữa.

* Các lĩnh vực trọng yếu nào theo ông sẽ mang tính ưu tiên hàng đầu trong việc hợp tác phát triển giữa hai nước trong năm nay và những năm kế tiếp?

* Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển các lĩnh vực trọng yếu như đào tạo nghề, bảo vệ môi trường và phát triển xanh. Bằng chứng là các cuộc đàm phán giữa hai nước đã được diễn ra trong tháng 5 vừa qua. Trong đó, biến đổi khí hậu là vấn đề quan tâm đặc biệt của Đức vì thế Đức sẵn sàng góp phần cho việc thành công của chiến lực phát triển xanh ở Việt Nam. Chúng tôi luôn coi đây là một trong những vấn đề ưu tiên song song với việc phát triển kinh tế.

Từ năm 1990, Đức đã cung cấp cho Việt Nam hơn 1,8 tỷ euro để hỗ trợ các dự án phát triển. Đức luôn sát cánh với Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách thắt chặt mối quan hệ về tài chính và nguồn nhân lực. Đức cam kết trở thành đối tác chiến lược trong quan hệ hợp tác, phát triển đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nghề và phát triển xanh.

Đơn cử như việc hợp tác đào tạo nghề với Trường Cao đẳng LILAMA2 ở Đồng Nai, phát triển kinh doanh cho người nghèo ở Bến Tre và cùng tham gia các dự án về biến đổi khí hậu ở các khu vực cao nguyên và giải quyết tình trạng ngập lụt cho vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Bên cạnh phát triển xanh, Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều thách thức về việc mở rộng hạ tầng, cải cách giáo dục và những bất bình đẳng về kinh tế - xã hội, tuy nhiên chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ hoàn toàn vượt qua được trong thời gian tới và Đức luôn sẵn sàng là đối tác đáng tin cậy của Việt Nam. 

* Các hoạt động văn hóa, xã hội của Tổng lãnh sự quán Đức tại TPHCM nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong hiện tại và tương lai thế nào, thưa ông?

* Ngoài các dự án Ngôi nhà Đức tại TPHCM và tuyến Metro 2, Tổng lãnh sự quán Đức tại TPHCM cũng thực hiện các dự án khác nhằm hỗ trợ người dân Việt Nam như xây dựng trung tâm chăm sóc sức khỏe tại tỉnh Quảng Ngãi hoặc dự án trồng cây mít ở trung tâm trẻ khuyết tật ở Hóc Môn, TPHCM…

Hiện có 100.000 người dân Việt Nam nói tiếng Đức và đây chính là cầu nối quan trọng giữa hai nước. Trong thời gian qua, nhiều sinh viên Việt Nam được cử sang các trường, viện đào tạo của Đức để học tập và nghiên cứu từ các quỹ hỗ trợ giáo dục của Đức như Tổ chức Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD); Quỹ Alexabder von Humboldt và Quỹ Nghiên cứu Đức (DFG).

Năm 2003, Viện Goethe (GI) đã hoạt động tại TPHCM và cung cấp các chương trình giảng dạy ngôn ngữ cũng như tổ chức các sự kiện trao đổi văn hóa giữa hai nước. Sự kiện quan trọng nhất phải kể đến trong năm nay là Liên hoan phim Đức, đã mang đến nhiều nét văn hóa đặc sắc của Đức đến với công chúng Việt Nam.

Trường Đại học Việt Đức được thành lập vào năm 2008, hiện đã có 1.000 cử nhân và thạc sĩ đã tốt nghiệp cũng là một thành công lớn trong việc hợp tác giáo dục. Trong vài năm tới, Đức sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình mới tại Trường Đại học Việt Đức với mong muốn đây sẽ là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam dành cho việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học.

Riêng với Báo Sài Gòn Giải Phóng, nhiều năm trước Tổng lãnh sự quán Đức và báo đã hợp tác thực hiện nhiều dự án dân sinh như xây cầu ở Cần Giờ; xây nhà tình thương cho người nghèo… Và để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai bên, vào ngày 19-9-2015, giải bóng đá với tên gọi “Cúp Khoai Tây - Gạo” (khoai tây là thực phẩm được yêu thích của người Đức và gạo là thực phẩm thiết yếu của người Việt Nam) lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM giữa các đội bóng đá nam của Báo Sài Gòn Giải Phóng và Tổng lãnh sự quán Đức. Tôi tin rằng sau giải bóng đá giao hữu này, việc hợp tác giữa hai đơn vị sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới với nhiều dự án xã hội, cộng đồng khác. 


* Xin cảm ơn ông!

GIA LYNH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục