Đây là nhận định của nhà báo Karim Rahemtulla trong bài báo viết về nền kinh tế Việt Nam những năm đổi mới sau chiến tranh, đăng trên tờ Daily Reckoning Australia số ra gần đây. Mở đầu bài viết, tác giả cho rằng với vị trí nằm gần biên giới nhộn nhịp Thái Lan, bên cạnh là đất nước đang phát triển Campuchia, Việt Nam đã trở thành một vị trí có nhiều ưu thế. Thuận lợi của Việt Nam là đường bờ biển dài hơn 2.000km, đất đai màu mỡ, giao thông thuận lợi đến các nước láng giềng, người dân cần cù, chịu học hỏi.
Trong thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng từ 6% đến 7% mỗi năm. Sự tăng trưởng này đến từ xuất khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 60% GDP, dòng hàng hóa của nước này đang được tiêu thụ mạnh tại thị trường lớn là Mỹ, tiếp theo là Nhật Bản và sau đó Trung Quốc. Tuy gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia đang phát triển trong khu vực nhưng tương lai cho đất nước xã hội chủ nghĩa này vẫn còn rất tươi sáng nếu có các chính sách điều chỉnh kinh tế và quan trọng là kiềm chế lạm phát đúng hướng.
Theo nhận định của Viện McKinsey Global trong bản báo cáo “Đưa kinh tế Việt Nam lên tầm cao hơn”, Việt Nam cần phải nỗ lực nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ nếu muốn duy trì thành quả tăng trưởng vừa qua. Từng bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, chỉ sau một phần tư thế kỷ, Việt Nam đã viết nên một trong những câu chuyện kinh tế thành công nhất tại châu Á. Kể từ khi chính sách đổi mới được đưa vào thực hiện năm 1986, Việt Nam đã phá bỏ nhiều rào cản thương mại và dòng vốn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Kết quả thăm dò do Bộ Thương mại và đầu tư Anh quốc cho thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất trong những thị trường đang lên đối với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chỉ sau 4 nước trong khối BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài trực tiếp đổ vào Việt Nam đã tăng từ 3,2 tỷ USD năm 2003 lên đến 71,7 tỷ USD vào năm 2008 trước khi bị giảm xuống 21,5 tỷ USD trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu 2009.
Tại Việt Nam, đa phần lượng đầu tư còn lại được chú trọng vào khai thác mỏ, dầu và khí đốt (40%) và bất động sản (15%-20%), phản ánh sức tăng trưởng nhanh chóng của ngành kỹ nghệ du lịch tại Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam cân bằng giữa sản xuất và dịch vụ, với mỗi lĩnh vực chiếm khoảng 40% GDP. Tăng trưởng của Việt Nam có nền tảng rộng hơn với những lợi thế cạnh tranh trên khắp khu vực kinh tế.
Trong 5 năm qua, sản lượng công nghiệp và lĩnh vực dịch vụ đã tăng trưởng ở mức 8% hàng năm. Việt Nam có rất nhiều sức mạnh tiềm ẩn, bên cạnh đó là sự ổn định chính trị. Nếu có một chính sách đúng đắn khi điều chỉnh tăng trưởng ở mức hợp lý, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng.
THANH HẰNG
Cựu quân nhân Mỹ: Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực
Hôm nay, 30-4, Việt Nam tưng bừng chào đón Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng trong những ngày này, một số tờ báo Mỹ đã đăng tải những chia sẻ của các cựu chiến binh Mỹ về Việt Nam ngày nay.
Trẻ trung, năng động
Từ ngày nước ta mở của và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, rất nhiều công dân Mỹ, trong đó không ít các cựu chiến binh, đã trở lại thăm và tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Trong số đó có ông Steve Ingraham, người từng tham gia tour du lịch Vietnambattlefield.
Theo ông S.Ingraham, ông cảm thấy nỗi đau mất mát bạn bè, đồng đội vẫn chưa thể nguôi ngoai và đó là nguyên nhân thúc đẩy ông trở lại Việt Nam để nhắc nhở cho các thế hệ mai sau của Mỹ rằng chiến tranh đã cướp đi quá nhiều sinh mạng vô tội và chỉ mang lại khổ đau. Ngay từ lúc mới đặt chân đến Hà Nội, ông đã quá ngạc nhiên về sự phát triển của thủ đô Việt Nam. TP nhộn nhịp, người xe đi lại tấp nập, không còn dấu vết của một TP đã từng bị bom Mỹ cày xới.
Giữa những năm 1960, ông S.Ingraham tham gia quân đội Mỹ sang Việt Nam, phục vụ trong ngành truyền tin của lực lượng thủy quân lục chiến và đồn trú tại Chu Lai gần Đà Nẵng. Trong lần trở lại Việt Nam lần này, ông S.Ingraham đã quay trở lại nơi mà ông từng tham chiến trước đây. Đến Đà Nẵng, ông không thể tưởng tượng nổi về sự thay da đổi thịt chóng mặt.
“Thật phấn khởi khi thấy Việt Nam phát triển. Các TP ở Việt Nam không khác bất cứ TP nào trên thế giới. Hoàn toàn không thể nhận ra Đà Nẵng nữa. Khi tôi ở đây, chỉ có chừng 1 triệu dân. Bây giờ là 10 triệu. Đà Nẵng giờ giàu gấp 10 so với thời điểm đó. Đường sá rộng lớn, tấp nập, các tòa nhà đồ sộ mọc lên khắp nơi. Đây là một thế giới khác, vượt ra khỏi những gì mà người ta có thể tưởng tượng so với xưa kia”, ông S.Ingraham nói.
Kết lại cảm nghĩ về Việt Nam ngày nay, ông S.Ingraham cho biết: “Việt Nam là một quốc gia trẻ trung, năng động, người dân thật dễ mến, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ. Một nơi rất thích thú. Trong khi đó, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, người dân làm ăn tấn tới. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đà này trong một thời gian nữa, nhất là khi Việt Nam có một dân số trẻ đến như vậy”.
Một hiện tượng
Người sáng lập tour du lịch Vietnambattlefieldtours.com, ông Bob Burke, cho biết năm 2001 ông trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên và từ đó ông bắt đầu cùng với 4 đối tác người Mỹ đứng ra tổ chức các tour du lịch theo nhu cầu của khách tham gia, thường là những cựu quân nhân Mỹ muốn trở lại thăm những nơi mà họ từng ở trước đây để hồi tưởng lại ký ức cũ và tìm hiểu về Việt Nam ngày nay. Những người tham gia các tour có khi là giáo sư hay các nhóm sinh viên của các trường đại học muốn tổ chức du khảo Việt Nam để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử.
Khi được hỏi những suy nghĩ về Việt Nam hiện tại, ông Burke trả lời: “Sự thay đổi ở Việt Nam là một hiện tượng. Mỗi lần trở lại, Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn, nhiều công trình mới, đường sá được xây cất. Đời sống người dân tốt hơn. Tuy vẫn chưa được như các quốc gia phát triển nhưng nói chung, mỗi lần trở lại, tôi đều chứng kiến nhiều thay đổi tích cực”.
Người Việt Nam thân thiện
Bác sĩ quân y Robert Brown, 86 tuổi, đã nghỉ hưu được 17 năm. Ông từng phục vụ trong bệnh viên quân y của quân đội Mỹ tại Phú Bài, Huế. Ông Brown cho biết ông đã từng chỉ huy tiểu đoàn quân y chăm sóc sức khỏe cho các quân nhân và cứu chữa cho các thương binh, trong đó có cả những thương binh của Việt Nam. Ông Brown đã có mặt vào thời điểm nổ ra cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân và trận Khe Sanh. Vào lúc trận chiến thật ác liệt, mỗi tuần trung bình, bác sĩ Brown phải đến Khe Sanh ít nhất 2 lần để cứu chữa và chỉ huy việc tải thương.
Bác sĩ Brown tự nhận là một người phi chính trị. Ông phục vụ trong quân đội vì lương tâm của một thầy thuốc và tận tâm cứu chữa cho tất cả những ai cần đến ông. 3 năm trước, ông trở lại thăm Phú Bài. Ông cho biết ông hết sức ngạc nhiên khi không còn mảy may dấu tích gì nhắc nhở đến chiến tranh, ngoại trừ khi ông ở TPHCM thăm Viện Bảo tàng chứng tích chiến tranh.
Điều Brown và vợ của ông đặc biệt ấn tượng đó là sự thân thiện, mến khách của người dân Việt Nam đối với những người từng gây biết bao đau khổ cho đất nước của mình.
Nhân kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt, ông Len Aldis, đã gửi thư chúc mừng. Trong đó, ông Len Aldis nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ luôn ghi nhớ những hy sinh to lớn của bao thế hệ người Việt Nam để giành được tự do và độc lập, để làm nên một ngày đặc biệt 30-4-1975. Chúng ta cũng sẽ không bao giờ quên những con người vẫn ngày đêm phải chịu đựng đau đớn do chiến tranh để lại (nạn nhân chất độc da cam) và nguyện sẽ tiếp tục đấu tranh giành công lý cho họ. |
Đỗ Văn (tổng hợp)