(SGGPO). - Sáng nay 13-5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức buổi chia sẻ thông tin và đối thoại về Biển Đông cùng các tổ chức phi Chính phủ cả trong và ngoài nước. Tham dự buổi đối thoại gồm các lãnh đạo, chuyên gia và hơn 300 đại diện đến từ các tổ chức phi Chính phủ quan tâm đến tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay.
3 nhóm vấn đề chính đã được các diễn giả Việt Nam đưa ra thảo luận tại buổi đối thoại. Cụ thể, ông Nguyễn Vũ Tùng, Viện Biển Đông đã trình bày lại những vấn đề lịch sử Biển Đông và những diễn biến gần đây; bà Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao Việt Nam và Luật sư Lê Thanh Sơn đã trình bày về vấn đề Biển Đông nhìn từ khía cạnh pháp lý. PGS-TS Lê Văn Cương, nhà bình luận quan hệ hệ quốc tế tham gia bình luận về phản ứng của dư luận đối với vấn đề Biển Đông trong thời gian qua.
Trung Quốc đã lừa dối cả thế giới
Theo ông Nguyễn Vũ Tùng, tình hình Biển Đông hiện nay có nhiều biến chuyển hết sức phức tạp, đang từ chỗ quan ngại đến mức đặc biệt nguy hiểm, có nhiều dấu hiệu leo thang. Điển hình là trong ngày hôm qua 12-5, lực lượng của Việt Nam đã phải có hành động phản kháng lại trước sự tấn công và thái độ hung hăng của Trung Quốc. “Về mặt lịch sử Biển Đông, đây chỉ là một hành động trong nhiều động thái của Trung Quốc liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trong thời gian qua, nhưng lần này là ở mức độ nguy hiểm nhất. Vì trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt là khu vực 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Thậm chí, Trung Quốc còn đưa ra "luận điệu" về “đường lưỡi bò”, với yêu sách muốn 80% Biển Đông là chủ quyền của Trung Quốc. Cùng với đó, Trung Quốc đã đưa ra những hành động đơn phương như cấm đánh bắt trên vùng "đường lưỡi bò"; cắt cáp tàu thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam... Theo ông Tùng, hành động của Trung Quốc hiện cho thấy những dấu hiệu mang tính "ức hiếp" của một nước lớn đối với các nước nhỏ hơn.
Có mặt tại buổi chia sẻ thông tin về Biển Đông sáng nay, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an khi nhận định, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, điều hàng chục tàu hộ tống và máy bay là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tại tọa độ mà Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981, không có bất cứ tranh chấp gì hết, đó hoàn toàn là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, đây là hành động xâm chiếm”, PGS Lê Văn Cương thẳng thắn tuyên bố. “Đây là nhà của chúng ta, người khác vào và phá nhà của chúng ta thì không thể gọi là tranh chấp được. Đây là hành động xâm lăng về mặt pháp lý cực kỳ nghiêm trọng”, Thiếu tướng Cương khẳng định.
Phân tích rõ hơn, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói, chỉ trong một thời gian ngắn, xét về mặt hành vi học, Trung Quốc có 3 hành vi. Đầu tiên là hành vi kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành vi thứ hai là dùng vũ lực khi cho tàu và máy bay của mình tấn công và uy hiếp các tàu đang làm nhiệm vụ của Việt Nam, hoạt động hợp pháp trong vùng lãnh thổ của Việt Nam. Hành vi thứ ba là lừa dối cả thế giới khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tàu Việt Nam đã bao vây, gây sự với tàu Trung Quốc, nhưng tất cả những hình ảnh được Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố trong thời gian vừa qua lại chứng minh một điều ngược lại, đó là Trung Quốc đang tấn công các tàu của Việt Nam ngay trên vùng biển của Việt Nam. Hành vi của Trung Quốc vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo lý. Trung Quốc đã lừa dối cả thế giới”, Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định.
Cũng theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, trong cuộc đấu tranh này, Trung Quốc có thể mạnh hơn về vũ khí, quân sự, kinh tế, nhưng dân tộc Việt Nam có hai thứ mà Trung Quốc không bao giờ có, đó là pháp lý, đạo lý luôn thuộc về Việt Nam. Việt Nam có đạo lý, đó chính là sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Những điều này cộng hưởng tạo thành sức mạnh bất khuất, chiến thắng trong mọi trường hợp. Chúng ta không phải lo sợ, Trung Quốc nhiều điểm yếu vì họ không có pháp lý, sẽ bị dư luận thế giới lên án” – Thiếu tướng Lê Văn Cương một lần nữa khẳng định.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng nhấn mạnh, Việt Nam không bao giờ kích động chủ nghĩa dân tộc để chống Trung Quốc. Việt Nam cũng không liên kết với nước nào để chống Trung Quốc. Việt Nam luôn coi 1,3 tỷ người Trung Quốc là bạn của Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
Bình luận về phản ứng liên quan đến diễn biến Biển Đông lần này, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cũng bày tỏ, trong những lần trước, Việt Nam phản ứng chưa tương xứng với hành động gây hấn của Trung Quốc, còn lần này thì lại khác. “Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu rõ ràng, kiên quyết. Lần đầu tiên trong 3 thập kỷ nay, chưa bao giờ về phía Việt Nam, từ phía cấp cao đến người dân có phản ứng kiên quyết, kịp thời như vậy. Đây là điều cần thiết, điều này đã tạo điều kiện cho cộng đồng quốc tế phản ứng nhanh và kiên quyết về hành vi ngang ngược của Trung Quốc”- PGS Lê Văn Cương nhận định.
Việt Nam sẽ không bao giờ là nước sử dụng biện pháp quân sự trước
Về khía cạnh pháp lý, luật sư Lê Thanh Sơn cho rằng, chúng ta còn chưa sử dụng hết các biện pháp có trong tay, giải pháp cuối cùng mới là chiến tranh. “Hiện nay mới chỉ có phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao ASEAN là ở mức cao nhất, sau đó là các biện pháp đấu tranh ngoại giao. Nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể gửi thư lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc và gửi đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra Nghị quyết về vấn đề Biển Đông. Có thể không có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng sẽ khiến cả thế giới sẽ phải quan tâm, vì đây là vấn đề không riêng Việt Nam mà liên quan đến lợi ích của tất cả các quốc gia trên Biển Đông. Ngoài ra, có thể khởi kiện Trung Quốc, việc kiện một quốc gia cần được coi là hoạt động bình thường”, Luật sư Lê Thanh Sơn nói.
Ông Nguyễn Vũ Tùng nói thêm, các biện pháp khác cũng có thể được huy động như pháp lý, quân sự. “Nhưng chừng nào còn có thể sử dụng biện pháp hòa bình thì Việt Nam sẽ sử dụng nó, vì dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu hòa bình. Còn khi mọi sự kiềm chế đã vượt quá giới hạn thì chúng ta phải sử dụng biện pháp mạnh hơn. Nhưng chắc chắn, Việt Nam sẽ không bao giờ là nước sử dụng biện pháp quân sự trước, vì chúng ta yêu chuộng hòa bình”, ông Tùng khẳng định.
Hầu hết các chuyên gia đến từ các tổ chức phi Chính phủ cả trong và ngoài nước đều tỏ ra quan ngại với những diễn biến ngày càng phức tạp và căng thẳng đang diễn ra trên biển Đông. Nhiều tổ chức phi Chính phủ cũng bày tỏ quan điểm đồng thuận và ủng hộ Việt Nam trong tiến trình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế đang bị Trung Quốc xâm phạm trái phép.
Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam hy vọng buổi chia sẻ đã cung cấp cái nhìn trung thực, khách quan, phản ánh đúng tình hình thực tế. Việt Nam cũng hy vọng các bạn bè quốc tế sẽ lên tiếng, chuyển tải trung thực về vụ việc này, lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong vấn đề này.
PHAN THẢO
>> Vạch rõ âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc