Viết về anh tôi

Viết về anh tôi

Ngày mùng 5 Tết. Anh Nhi đột ngột gọi điện rồi từ Vũng Tàu đến thăm tôi ở Phước Kiểng, Nhà Bè. Anh phải chống gậy như một ông già. Nằm ghế dựa gần như suốt buổi đến chơi. Nhưng đôi mắt sáng rực trên gương mặt hom hem và giọng nói vẫn còn hào sảng lắm.

Đến mùng 8 Tết, anh nhắn tin cho tôi, cũng là một tin nhắn làm tôi bất ngờ, rất gọn: “Anh đang ở Đà Lạt. Vui lắm”. Tôi ngạc nhiên, anh còn đủ sức vi vu lên xứ lạnh sao? Mừng quá. Tôi lúc đó có chuyến công tác đi Huế, nên nhắn lại: “Còn em đang ở Huế”. Thế rồi thôi, không ai nhắn tin nữa.

Ngày tôi đang ở Huế, vợ tôi thảng thốt gọi điện: “Anh Nhi đang phải cấp cứu”. Rồi sau đó là cú điện thoại khác: “Anh Nhi đang hấp hối”. Tôi tìm cách về dù khó khăn do là thời điểm sau tết.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhi (giữa) cùng gia đình.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhi (giữa) cùng gia đình.

Anh nằm đó như một ông già 90. Cánh tay gầy khẳng khiu dính đầy dây truyền nước biển. Cây gậy đã gác góc nhà. Vợ anh và mấy đứa con trong nhà mắt đỏ bầm. Mẹ tôi năm nay 80 tuổi cũng đang khóc. Mẹ tôi rất ít khóc ngay những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời bà.

Tôi đến bên anh hỏi: “Có nhận ra em không?”. Anh thều thào mấy tiếng mà tôi đoán nhiều hơn là nghe được: “Tại sao không?”. Tôi bảo anh đừng nói nữa. Anh im lặng. Tay quờ quạng, mắt trắng đục cố giương lên tìm kiếm mọi người, có lúc anh giang tay ra như muốn được vợ anh đỡ dậy, rồi anh cố nằm nghiêng để giấu đi hơi thở đứt quãng nặng nhọc của mình. Cứ như vậy. Chậm dần, yếu dần.

Hình như trước khi mất anh linh tính điều gì sâu kín mà trước tết ráng gượng sức đi thăm bà con họ hàng. Anh còn tổ chức kỷ niệm 32 năm ngày cưới là điều mà xưa kia anh coi là hình thức nên tránh. Anh nói đùa với mọi người là anh đang tập lái xe, hỏi ra mới biết là anh tập đi… xe lăn. Anh làm thơ tặng mọi người mỗi khi tỉnh táo mạnh khỏe. Và bức thư cuối cùng của anh trên mạng là bức thư cho bác sĩ Hà, người đã trực tiếp chữa bệnh cho anh ở Vũng Tàu. Trong thư anh còn nhờ bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống sao cho hợp lý. Rõ ràng anh còn tự tin và khao khát sống.

Lúc ngồi lặng bên anh và lúc đưa tiễn anh đi, tôi đều khóc rất ít. Có điều gì đó nặng trĩu và cứ nhói trong tim. Thật khó đứng vững trước cơn đau này. Tôi tranh thủ những lúc ít người đến bên linh cữu đậy nắp kính nhìn lại gương mặt anh, người được coi là sáng sủa nhất nhà. Anh như đang ngủ, cố gắng ngủ sau một quãng đời thường xuyên khó ngủ…

Anh Nhi hơn tôi 3 tuổi. Hồi nhỏ, tôi ít có điều kiện ở gần anh. Lúc do đi sơ tán mỗi đứa một trường, lúc do anh đi học nước ngoài. Lúc anh về nước, tôi lại đi học ở Hà Nội; lúc anh ở Vũng Tàu, tôi lại ở Sài Gòn. Thời gian được ở chung một mái nhà với anh có lẽ không quá 10 năm. Thế nhưng hai anh em thương nhau lắm. Hồi nhỏ, tôi học mỹ thuật nên anh thích tôi vẽ đủ thứ cho anh xem. Anh cũng hay làm thơ dù chỉ làm thơ cho riêng mình như tôi.

Anh tôi sống không đủ lâu để trở thành bậc cao niên hiền triết. Anh sống không khôn ngoan để có thể có những toan tính quyền lực. Anh không đủ điều kiện này kia để làm được nhiều việc lớn cho riêng mình. Anh không vụ lợi, không cơ hội, thậm chí nhìn cuộc đời hơi đơn giản. Anh coi trọng nghĩa tình gia đình và bè bạn. Anh đã sống xứng đáng với một gia đình có truyền thống cách mạng của quê hương Đồng Khởi có ông bà nội là liệt sĩ. Anh đã sống xứng đáng với cây bút của một nhà báo trong một gia đình có 9 người từng làm báo. Và hơn hết, anh đã sống xứng đáng là một chủ gia đình.

Đưa anh đi, xe tang đi theo lộ trình qua những nơi anh từng công tác, qua nơi anh đã từng “ăn cơm tập thể ngủ giường cá nhân”; đi qua những con đường anh đã từng đi, qua những cái quán anh từng ngồi thù tạc với bạn bè.

Vũng Tàu bây giờ mùa gió chướng. Gió lồng lộng trên những con đường từng được công nhận là đường đẹp nhất Việt Nam, một bờ biển đang xanh ngắt mà nhiều năm nay anh không còn được ra ngắm. Một khơi xa có những mỏ dầu mà anh từng vinh dự là một trong những nhà báo đầu tiên đặt chân lên giàn khoan viết bài khi tìm thấy dòng dầu khí đầu tiên…

Con trai tôi mới 6 tuổi không thể nào hiểu nổi sao bác Hai lại biến mất? Biến mất hoàn toàn. Bác Hai mới đến thăm nhà nó, nhà cuối cùng trong số họ hàng bà con mà anh đến và lì xì cho nó? Con tôi chớp chớp mắt hỏi: “Bác Hai đang ở trên trời hả ba?”.

Đưa tiễn anh tôi xong, tôi về Sài Gòn. Bật máy vi tính lên, tôi thấy khá nhiều thư chia buồn và đủ thứ thông tin của các công dân mạng. Đang buồn đến héo lòng, tôi chợt nhìn thấy một dòng địa chỉ mời kết bạn trên Facebook có một cái tên rất đỗi quen thuộc: Huỳnh Dũng Nhi.

Hóa ra mấy ngày trước tết, anh tôi đã lên mạng tìm tôi…

Huỳnh Dũng Nhân