- Đưa vào hoạt động thiết bị mô phỏng buồng lái máy bay A320/321
- Trao bằng tốt nghiệp cho các học viên phi công cơ bản
Nhằm phát huy tối đa nội lực, lấy phát triển nguồn nhân lực làm trọng tâm, bảo đảm phát triển bền vững thông qua chính sách đầu tư có trọng điểm vào hạ tầng cơ sở kỹ thuật, cơ sở huấn luyện đào tạo chuyên ngành, sáng ngày 20-6-2012, Vietnam Airlines (VNA) đã tiếp nhận và đưa vào hoạt động thiết bị buồng lái mô phỏng của máy bay Airbus A320/321 nhằm phục vụ công tác đào tạo phi công tại Việt Nam.
Theo mục tiêu phát triển đến năm 2020, VNA phấn đấu trở thành hãng hàng không đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Sản lượng vận chuyển hành khách của VNA sẽ đạt mức sản lượng 35 triệu hành khách/năm, tức là gấp 3,5 lần con số hiện tại. Mục tiêu phát triển này đặt ra cho VNA nhu cầu đầu tư rất lớn cho việc phát triển đội máy bay nhằm đáp ứng sản lượng vận chuyển nêu trên. Kế hoạch phát triển đội máy bay của Hãng đến năm 2020 sẽ là một đội máy bay hiện đại tiên tiến với số lượng lên đến 165 máy bay đa chủng loại phục vụ đa dạng các mạng đường bay khác nhau.
Để đáp ứng nhu cầu khai thác nói trên và đồng thời thực hiện hiệu quả chủ trương tiết giảm chi phí khai thác, việc từng bước đầu tư, vận hành an toàn và khai thác hiệu quả những trang thiết bị huấn luyện đặc thù và chiếm tỷ trọng chi phí cao trong tổng chi phí huấn luyện đội ngũ nhân lực người lái là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và hết sức cấp thiết. Phát biểu tại buổi lễ, Ông Lê Hồng Tiến, Trưởng Trung tâm huấn luyện bay, cho biết: “Thiết bị mô phỏng buồng lái động (Full Flight Simulator) của dòng máy bay Airbus 320 và 321 là loại thiết bị huấn luyện hiện đại, đặc thù không thể thiếu trong quá trình huấn luyện chuyển loại sau khi học viên kết thúc thành công giai đoạn huấn luyện phi công cơ bản và được tuyển chọn huấn luyện khai thác một loại máy bay thương mại chuyên biệt. Và đồng thời đây cũng là thiết bị được sử dụng huấn luyện định kỳ theo quy định mỗi sáu tháng để huấn luyện, kiểm tra và gia hạn phê chuẩn năng lực khai thác của phi công thương mại”.
Đội ngũ nhân sự người lái hiện nay của hãng là 727 phi công, trong đó số lượng phi công đang khai thác dòng máy bay Airbus 320 và Airbus 321 chiếm tỷ trọng hơn 48% với 351 phi công, trong đó bao gồm 178 phi công nước ngoài, 173 phi công Việt Nam. Hàng năm, chi phí huấn luyện định kỳ và huấn luyện chuyển loại bổ sung phi công mới trên thiết bị mô phỏng buồng lái động thuê tại các trung tâm huấn luyện nước ngoài cho toàn bộ đội ngũ nhân sự người lái nói chung và lực lượng phi công thương mại khai thác dòng máy bay Airbus 320 và Airbus 321 nói riêng là một khoản chi phí đáng kể trong tổng chi phí khai thác bay. Trung tâm Huấn luyện bay, Tổng Công ty HKVN, được Cục HKVN phê chuẩn trở thành Cơ sở huấn luyện năng định loại (TRTO) từ năm 2003, thực hiện hoạt động huấn luyện chuyển loại đối với các loại máy bay Boeing 777, Airbus 320/321/330, ATR 72 và Fokker 70. Nay với việc đầu tư, lắp đặt, nghiệm thu thành công thiết bị mô phỏng buồng lái động của máy bay Airbus 320 và 321 và được nhà chức trách hàng không phê chuẩn, Trung tâm Huấn luyện bay, Tổng Công ty HKVN chính thức có điều kiện về mặt trang thiết bị để thực hiện toàn bộ quá trình huấn luyện chuyển loại phi công khai thác máy bay Airbus 320 và Airbus 321 và một phần công tác huấn luyện định kỳ phi công khai thác dòng máy bay này tại Việt Nam. Quá trình huấn luyện trên thiết bị ngay tại Việt Nam sẽ là một bước đột phá trong việc tiết giảm các loại chi phí phát sinh khi thực hiện huấn luyện tại nước ngoài, chủ động kế hoạch khai thác thiết bị, sử dụng hiệu quả nhân sự khai thác bay. Hơn nữa, đây còn là cơ hội tiếp nhận kinh nghiệm khai thác, vận hành và khai thác thiết bị, là bước đi đầu tiên trong kế hoạch đầu tư huấn luyện dài hạn của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.
Nhân dịp này, Trung tâm Huấn luyện bay (thành viên VNA) đã trao bằng tốt nghiệp cho đại diện các học viên phi công cơ bản tốt nghiệp trong năm 2012. Tính đến thời điểm này của năm 2012, VNA đã tiếp nhận 87 học viên phi công cơ bản tốt nghiệp về nước sau khi đào tạo tại các Trung tâm huấn luyện tại Mỹ và Pháp. Và theo kế hoạch trong năm 2012, Trung tâm sẽ huấn luyện chuyển loại 50 học viên trở thành phi công của dòng máy bay Airbus 320/321. Đặc biệt, nhiều học viên phi công thuộc nhóm chuyển loại này sẽ là thế hệ phi công đầu tiên có cơ hội tham gia huấn luyện chuyển loại ngay tại Việt Nam trên chính thiết bị mô phỏng buồng lái nêu trên để trở thành những phi công khai thác dòng máy bay Airbus 320 và 321 của Hãng Hàng không quốc Gia Việt Nam.
S.Nâu - Thái Đăng