Vietnam Airlines - Những hy sinh thầm lặng…

Nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận, đến kinh doanh thuần thúy và nếu sợ nguy hiểm khi xông pha vào nơi đang diễn ra chiến sự, hay lo ngại bị nhiễm phóng xạ ở nơi vừa xảy ra sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân… thì chắc chắn VNA đã không làm và không thể làm tốt những sự kiện mang đậm ý nghĩa nhân văn như thế.
Vietnam Airlines - Những hy sinh thầm lặng…

Nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận, đến kinh doanh thuần thúy và nếu sợ nguy hiểm khi xông pha vào nơi đang diễn ra chiến sự, hay lo ngại bị nhiễm phóng xạ ở nơi vừa xảy ra sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân… thì chắc chắn VNA đã không làm và không thể làm tốt những sự kiện mang đậm ý nghĩa nhân văn như thế.

Trong dịp ra công tác Hà Nội mới đây, tôi tình cờ gặp lại người bạn thời thơ ấu. Anh bây giờ là một doanh nhân, một Việt kiều yêu nước, đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế của nước nhà thông qua nhiều dự án mang đậm tính nhân văn. Mới đây, anh tuyển dụng một lúc 17 lao động VN từ Libi vào công ty làm việc. Họ chính là những người đã được Vietnam Airlines (VNA) giải cứu đưa về nước hồi tháng 3-2011 vừa qua.

Nói về chương trình giải cứu người VN từ Libi về nước mà đối tượng được hưởng lợi là những người lao động nghèo, trong đó có các công nhân mới tuyển của anh, anh bảo: “Chính phủ Việt Nam thật nhân văn và hãng HK quốc gia VNA đã hy sinh hết mình cho chương trình đó”. Thấy tôi trầm ngâm trước lời nhận xét, đánh giá của anh dành cho VNA, anh nói tiếp: “Thời gian gần đây, tôi thấy từ một vài việc sơ suất nhỏ nhặt, VNA đã bị không ít báo chí lên án, công kích bằng những lời lẽ hết sức nặng nề, thế nhưng những việc làm tốt đẹp, những cống hiến, hy sinh của họ thì lại ít đươc báo chí quan tâm đề cập đến”.

Nói rồi anh liệt kê ra hàng loạt những đóng góp, những hy sinh của VNA cho sự nghiệp phát triển kinh tế chính trị xã hội của nước nhà, những hy sinh thầm lặng mà nhiều người vẫn còn chưa hiểu hết…

Chuyến bay cuối cùng chở lao động Việt Nam từ Libi về nước đáp xuống sân bay Nội Bài.

Chuyến bay cuối cùng chở lao động Việt Nam từ Libi về nước đáp xuống sân bay Nội Bài.

Không chỉ chương trình giải cứu lao động từ Libi về nước, chương trình hỗ trợ người VN trong cơn động đất sóng thần và sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản vừa qua cũng vậy. Có thể nói, khi thực hiện những việc làm đó, VNA đã hoàn toàn loại bỏ yếu tố lợi nhuận trong hoạt động chuyên môn của mình. Hay như việc mở những đường bay nội địa đến những nơi xa xôi với hiệu quả kinh doanh không đáng kể thì liệu có hãng HK nào dám làm nếu như không phải đó là VNA với sứ mệnh thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các vùng miền, địa phương trong cả nước? Rồi việc tăng cường hàng ngàn chuyến bay vào dip Tết Nguyên đán mỗi năm nữa.

Những chuyến bay “lệch đầu”, nặng trĩu bay ra trống rỗng bay vào ấy liệu có thu được lợi nhuận nhiều không? Và liệu các hãng HK khác có mặn mà với chuyện tăng chuyến hay không nếu như đó không phải là VNA với sứ mệnh hết lòng vì cộng đồng xã hội? 

…Càng nghe anh nói, tôi càng thấm thía và bất chợt cảm thấy giật mình khi nhận ra rằng, thời gian qua chính tôi cũng đã quá vô tâm, ít để ý đến những điều tưởng chừng như bình thường, đơn giản, nhưng lại mang ý nghĩa hết sức lớn lao đó của VNA…

Một người bạn của tôi - anh Đinh Văn Tuấn làm việc tại Trung tâm Điều hành bay cho biết, trong quá trình tham gia chiến dịch giải cứu lao động từ Libi về nước, anh mới thực sự thấy hết được những vẻ đẹp đáng quý thấm đẫm tính nhân văn của ban lãnh đạo VNA. Mặc dù đây chỉ là một chương trình nhân đạo, không mang ý nghĩa kinh doanh, lợi nhuận, thế nhưng toàn bộ ban lãnh đạo của VNA đã vào cuộc và Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Minh trực tiếp tham gia điều hành chiến dịch với vai trò là tổng chỉ huy.

“Nhiều đêm thức trắng, đắn đo cân nhắc để đưa ra những quyết định cứu người sáng suốt, Phạm Ngọc Minh như truyền cho chúng tôi thêm sức mạnh, thêm niềm tin vào sự thành công của chiến dịch, bởi chúng tôi đang thực hiện chiến dịch bằng cả tấm lòng và trái tim nhân ái” - anh Đinh Văn Tuấn tâm sự và cho tôi xem tấm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho tập thể VNA  hồi cuối tháng 3-2011, vì đã hoàn thành xuất sắc chiến dịch giải cứu người lao động  nêu trên.

Cũng theo anh Tuấn, khi quyết định lập cầu hàng không và dùng máy bay Boeing 777 để thực hiện giải cứu đưa lao động VN từ Libi về nước là Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Minh đã chấp nhận hy sinh lợi ích cục bộ của doanh nghiệp mình. Bởi ai cũng biết việc lập cầu hàng không rất tốn kém, và việc sử dụng dùng tàu bay lớn như Boeing 777 sẽ khiến chi phí tăng cao hơn rất nhiều so với việc dùng các tàu bay nhỏ.

Thế nhưng, cùng một chuyến bay, cùng một thời gian nếu sử dụng máy bay lớn thì sẽ có nhiều lao động được giải cứu nhanh hơn. “Vấn đề là hiệu quả, là số lượng lao động được giải cứu đưa về nước nhanh chóng, chứ không phải là thành tích, là số lượt chuyến bay mà chúng ta đạt được”- Câu nói này của Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Minh đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn quyết định của ông, cảm động hơn khi nhìn thấy nét đẹp nhân văn toát ra từ tấm lòng, trái tim nhân ái của ông và chúng tôi đã học được ở ông điều cao quý đó - anh Đinh Văn Tuấn bày tỏ.

Chiến dịch giải cứu lao động từ Libi về nước vừa xong, VNA lại lao vào thực hiện một chương trình nhân đạo khác, đó là nỗ lực hỗ trợ giúp người VN từ Nhật Bản bay về. Ngoài chính sách giảm ½ giá vé, hỗ trợ cho hành khách được mua vé ngay tại VN cho thân nhân đang ở Nhật Bản về nước, VNA còn thực hiện tăng tải trên đường bay từ Tokyo về Hà Nội bằng việc sử dụng tàu bay lớn là Boeing 777 (khoảng 309-324 chỗ) thay cho máy bay A330 với 282 chỗ đang sử dụng.

“Nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận, đến kinh doanh thuần túy và nếu sợ nguy hiểm khi xông pha vào nơi đang diễn ra chiến sự ở Libi, hay lo ngại bị nhiễm phóng xạ ở nơi vừa xảy ra sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân là Nhật Bản thì chắc chắn VNA đã không làm và không thể làm tốt những sự kiện mang đậm ý nghĩa nhân văn như thế. Điều đáng quý đó liệu có được nhiều người nhìn nhận hay chưa?” - anh bạn doanh nhân Việt kiều lại chất vấn tôi lần nữa, dù rằng tôi đã hiểu rất rõ những điều anh muốn nói…

Tôi nhớ, dạo cuối năm 2009, tại lễ khai trương Hãng HK Quốc gia Campuchia - Angkor Air, tôi cũng đã được nghe nhiều quan chức Chính phủ của  2 nước khen ngợi VNA. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ VN, chỉ trong thời gian ngắn hơn 2 tháng, VNA đã hoàn thành được dự án “khủng” đó là cho ra mắt Angkor Air với niềm vui phấn khởi của Chính phủ và nhân dân 2 nước.

Sự ra đời và đi vào hoạt động của Angkor Air không chỉ mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho cả 2 bên mà còn thắt chặt thêm tình cảm keo sơn gắn bó giữa 2 quốc gia. Ý nghĩa về tính chính trị và tính nhân văn cũng chính là ở đó. Và đó cũng là lý do vì sao mà hiện nay VNA vẫn phải duy trì nhiều đường bay chưa đông khách.

Ngoài nhiệm vụ khai thác kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường như các hãng HK khác, VNA còn có nhiệm vụ tổ chức, phục vụ chu đáo các chuyến chuyên cơ đưa lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Nhà nước đi công tác, tham gia phục vụ vận chuyển khi có thiên tai, hỗ trợ, kích thích phát triển kinh tế chính trị xã hội ở các vùng miền, địa phương trong cả nước, tăng cường quan hệ giao thương và hợp tác phát triển nhiều mặt giữa VN với bạn bè thế giới...

Trong bài phát biểu nhân sự kiện mở đường bay Hà Nội – Ô-sa-ka, Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh: “Việc VNA quyết định trực tiếp mở đường bay Hà Nội – Ô-sa-ka ngay sau khi Japan Airlines ngừng khai thác thể hiện trách nhiệm và sứ mệnh của Hãng HK quốc gia. Chúng tôi mong muốn góp phần tích cực vào việc phát triển và thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư, và du lịch giữa khu vực Kansai và Hà Nội nói riêng và giữa hai nước Nhật Bản và VN nói chung”.

Đúng vậy, với các hãng HK khác nếu đường bay nào không có lợi nhuận, hiệu quả không cao thì có thể họ sẽ không duy trì, không mở. Nhưng với VNA thì khác, sứ mệnh của VNA là phải thúc đẩy, phát triển kinh tế chính trị xã hội ở các vùng miền trong cả nước. Và sứ mệnh đó không chỉ gói gọn ở những đường bay nội địa, các đường bay quốc tế cũng phải được mở ra để thúc đẩy giao thương, tăng cường quan hệ hợp tác, giao lưu giữa VN với bạn bè quốc tế…

“Những việc làm đó của VNA  khó nhìn thấy ngay được những lợi ích hiện hữu, thế nhưng những lợi ích tiềm ẩn của nó thì lại vô cùng to lớn” - một chuyên gia kinh tế nhận định. Chuyên gia này cũng  chỉ ra hàng loạt các minh chứng cho sự tăng tốc mạnh mẽ về nhiều mặt của các địa phương như Cà Mau (với dự án Khí điện đạm), như Quảng Ngãi (với dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất)… Những nơi mà VNA đang duy trì đường bay đến dù lợi nhuân thu về từ những đường bay này chưa cao…

…Từ cuộc chuyện trò với người bạn ngày xưa nay tình cờ gặp lại, tôi bất chợt cảm thấy lòng mình day dứt... Quả là thời gian gần đây, báo chí VN khi viết về các doanh nghiệp thường rất ít viết về những mặt tích cực, ít thấy biểu dương những điển hình tiên tiến, biểu dương người tốt, việc tốt, biểu dương những doanh nghiệp biết hy sinh vì cộng đồng hay những doanh nhân tâm huyết với nghề nghiệp, với quê hương, đất nước… Phải chăng các nhà báo chưa thấy được những mặt tích cực, những mặt mạnh, những điều tốt đẹp mà các doanh nghiệp đã và đang đóng góp?

Nguyễn Thu Tuyết

Tin cùng chuyên mục