
Trung tuần tháng 9-2010 vừa qua, tại TP Đà Nẵng, lần đầu tiên Vietnam Airlines (VNA) tổ chức hội nghị khách hàng toàn cầu quy mô lớn với sự tham gia hơn 300 đại biểu là những khách hàng thân thiết, các đối tác lớn, các đại lý hàng đầu của VNA trên toàn thế giới. Hội nghị này được kỳ vọng mở ra một cơ hội lớn để VNA cùng miền Trung cất cánh…

Máy bay Boeing 777 của Vietnam Airlines-Cùng non sông cất cánh. Ảnh: Bùi Tuấn Khiêm
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh cho rằng, hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó diễn ra trong bối cảnh VNA vừa hoàn tất quá trình hội nhập quốc tế thông qua việc chính thức gia nhập liên minh HK toàn cầu SkyTeam. Bên cạnh đó, những thành tựu của VNA sau khi vượt nhiều gian nan, thử thách của khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh… đã chứng tỏ sức mạnh của VNA và điều đó cho phép VNA tiếp tục tự tin bắt tay cùng với các đại lý, khách hàng của mình bước vào một giai đoạn phát triển mới - giai đoạn hội nhập và phát triển trên quy mô toàn cầu, nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu đưa VNA trở thành hãng HK có bản sắc, có uy tín, có quy mô đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Tại hội nghị VNA đã vinh danh và tri ân các cá nhân, tổ chức là đối tác, khách hàng, bạn hàng đến từ nhiều nước trên thế giới có những đóng góp xuất sắc trong quá trình tăng trưởng và phát triển của VNA thời gian qua. Với đội ngũ đông đảo các chuyên gia quốc tế về phát động và bán sản phẩm du lịch tham dự hội nghị, VNA mong muốn tận dụng cơ hội hiếm có này để cùng các tỉnh, thành phố miền Trung đặc biệt là Đà Nẵng giới thiệu, quảng bá một cách trực tiếp và hiệu quả nhất điểm đến Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, VNA đã phối hợp với nhiều công ty du lịch nước ngoài thực hiện các chuyến bay thuê chuyến quốc tế đến miền Trung để đáp ứng nhu cầu khách quốc tế đến miền Trung ngày càng tăng. Trong năm 2009, VNA cũng đã thực hiện được 15 chuyến bay từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Công, Campuchia đến Đà Nẵng. Các chuyến bay đều có hệ số ghế vận chuyển cao đồng thời tạo ra sự hài lòng cho khách do không phải bay vòng qua Hà Nội và TPHCM.
Nhu cầu bay thuê chuyến đến miền Trung ngày càng tăng, dự kiến trong năm 2010, VNA sẽ tiếp tục thực hiện 20 - 25 chuyến bay thuê chuyến quốc tế đến khu vực du lịch đầy tiềm năng này với mong muốn xây dựng lịch bay thường lệ và đưa các điểm đến miền Trung trở thành những điểm đến lớn trong khu vực. Ngoài ra, hiện nay, mỗi ngày, VNA thực hiện 50 chuyến bay trên 24 đường bay giữa Hà Nội/ TPHCM và khu vực miền Trung – Tây Nguyên, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng, miền trên cả nước. Mạng đường bay của VNA tại miền Trung hiện đang được tổ chức theo mô hình trục – nan, từ Đà Nẵng tỏa đi các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng) và duyên hải Nam Trung bộ (Khánh Hòa) với tần suất 25 chuyến/tuần đã tạo ra sự kết nối vô cùng thuận tiện giữa các địa phương với trung tâm kinh tế lớn nhất tại miền Trung.
Có thể nói, với những bãi biển cát trắng, khí hậu ôn hòa trong sạch, cơ sở hạ tầng khách sạn, resort và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận như cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An cùng rất nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiếng khác, miền Trung thực sự là điểm đến hấp dẫn và còn nhiều tiềm năng đối với du khách và các nhà tổ chức MICE trên khắp thế giới. Việc phát triển mạng đường bay, đặc biệt là các đường bay quốc tế đi/đến Đà Nẵng – trái tim của miền Trung là một nhiệm vụ lớn, là chính sách ưu tiên của VNA. Thay mặt ban lãnh đạo VNA, ông Phạm Ngọc Minh khẳng định VNA sẽ tiếp tục cùng phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lãnh đạo TP.Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung để góp sức xây dựng nơi đây thực sự trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng và có tầm cỡ lớn hơn nữa trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới.
Ông Phạm Ngọc Minh cũng đồng thời mong muốn TP.Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch, hàng không phát triển, có chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa vào miền Trung. Đại diện lãnh đạo miền Trung, ông Phùng Tấn Viết-Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong những năm qua, TP.Đà Nẵng có những bước phát triển ấn tượng về hạ tầng cơ sở, trong đó đặc biệt là hạ tầng phục vụ sự phát triển của ngành du lịch với 55 dự án đầu tư du lịch, có tổng số vốn đầu tư là 2.835,7 triệu USD, trong đó có 10 dự án đầu tư nước ngoài và 45 dự án đầu tư trong nước, 175 khách sạn (trong đó có 16 khách sạn 3-5 sao), có 93 đơn vị lữ hành, trong đó có 27 công ty lữ hành nội địa và 66 công ty, văn phòng đại diện lữ hành quốc tế, với 400 hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, không dừng lại đó, thời gian tới Đà Nẵng sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để miền Trung ngày càng trở thành điểm đến quen thuộc, hấp dẫn của du khách gần xa.
“Những năm qua, mặc dù đối mặt với điều kiện môi trường cạnh tranh khốc liệt, tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế toàn cầu... VNA đã xây dựng được chiến lược phát triển lâu dài và kiên trì thực hiện các mục tiêu dài hạn, các chương trình đầu tư, đổi mới công nghệ, vừa hiện đại hóa đội máy bay, chuyển giao và làm chủ công nghệ khai thác bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, vừa đáp ứng tốc độ tăng trưởng, và hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm. Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, VNA có thể tự hào vì những bước tiến vững chắc của mình với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt từ 13-15%, quy mô sản xuất kinh doanh không ngừng được mở rộng: từ 5 chiếc máy bay cánh quạt của Trung đoàn Không quân vận tải 919, VNA từng bước nâng lên 43 chiếc vào năm 2005, rồi 70 chiếc vào năm 2010; từ quy mô khai thác 20-30 chuyến/ngày, vận chuyển vài trăm nghìn khách/năm đến nay VNA đã khai thác 300 chuyến bay mỗi ngày, vận chuyển trên mười triệu lượt khách/năm” (trích phát biểu của ông Nguyễn Sỹ Hưng-Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNA tại Hội nghị khách hàng toàn cầu lần thứ I-2010). |
NGUYỄN THU TUYẾT