

Bobby Fischer
Các hãng tin thế giới sáng nay đưa tin, huyền thoại cờ vua người Mỹ, Bobby Fischer, đã qua đời tối qua tại Iceland, thọ 64 tuổi.
Fischer qua đời sau thời gian chống chọi với căn bệnh suy thận tại Reykjavik (Iceland). Cựu Chủ tịch Hiệp hội Cờ vua thế giới, Fridrik Olafsson, nuối tiếc: “Một thiên tài cờ vua thế giới đã qua đời”.
Chuyên gia Oliver Tridon nói: “Fischer chết khi 64 tuổi, giống 64 ô vuông trên bàn cờ”. Chỉ số IQ của Fischer hơn 180 nhưng ông lại không thấy hứng thú với việc cắp sách đến trường.
Thiên tài bẩm sinh Fischer phát hiện mình say mê bàn cờ từ năm 8 tuổi và đến năm 15 tuổi, ông trở thành kỳ thủ trẻ nhất trong lịch sử Mỹ. Ông say mê nghiên cứu từng ván cờ cả khi thua cũng như thắng và nổi tiếng thế giới khi 30 tuổi.
Năm 1972, Fischer trở thành người Mỹ đầu tiên và duy nhất cho đến lúc đó đoạt chức vô địch cờ vua thế giới sau khi vượt qua chính kỳ thủ Liên Xô, Boris Spassky, vào thời điểm cuộc chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn đỉnh điểm.

Fischer (phải) và Spassky trong trận tái đấu tại Nam Tư năm 1992
Năm 1992, Fischer bất chấp lệnh cấm của Mỹ và Liên Hợp Quốc để đến Nam Tư đấu cờ, ôn lại quá khứ hào hùng với cựu đối thủ Spassky. Cuộc tái đấu sau 20 năm trở nên vô cùng quyến rũ với Fischer, tất nhiên một phần cũng vì khoản tiền thưởng khổng lồ 5 triệu USD. Thế nhưng sau khi hạ Spassky một lần nữa và có được tiền thưởng mong muốn, Fischer bắt đầu gặp nhiều rắc rối.
Ở Mỹ, người ta đã phát lệnh truy nã nhà cựu vô địch vì ông vi phạm luật cấm đến Nam Tư. Đến năm 2001, Fischer chính thức trở thành “kẻ thù” của Mỹ khi lên tiếng ca ngợi vụ khủng bố 11-9 và tuyên bố muốn nước Mỹ bị xóa sổ. Từ đó, chẳng ai biết nhà cựu vô địch cờ vua ở đâu cho đến tháng 7-2004, khi Fischer bị Hải quan Nhật Bản bắt tại sân bay Narita vì sử dụng hộ chiếu giả khi đang làm thủ tục bay sang Philippines. Sau đó, Fischer bị quản thúc tại trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép ở ngoại ô Tokyo và đích thân Bộ trưởng Tư pháp Nhật ra lệnh trục xuất ông.
Trong khi bị Mỹ truy nã, Nhật trục xuất thì Fischer đã được Chính phủ Iceland giang tay đón chào vào năm 2005. Chẳng những cấp hộ chiếu cho Fischer, Iceland còn đưa máy bay tới tận Copenhagen (Đan Mạch) để đón nhà cựu vô địch. Từ đó, ông trải qua cuộc sống bình yên tại Iceland, tránh được sự “ruồng rẫy” của Mỹ và dưỡng bệnh đến lúc qua đời.
Phương Nam (theo AP, BBC)