Giải thưởng KOVA dành cho những sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, sinh viên có những công trình nghiên cứu triển vọng; những người “sống đẹp”, những nhà khoa học, những người âm thầm, nỗ lực và đam mê nghiên cứu trong các lĩnh vực và những công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng đã và đang phát huy tác dụng, có nhiều cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Giải thưởng KOVA năm nay trao cho 3 công trình khoa học ứng dụng (hạng mục kiến tạo); 9 việc làm tử tế trao cho tập thể và cá nhân tiêu biểu có các hành động đẹp, thực hiện các nhiệm vụ thiêng liêng, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (hạng mục sống đẹp) cùng 12 sinh viên xuất sắc có thành tích nghiên cứu khoa học (hạng mục triển vọng), với giá trị từ 10 - 50 triệu đồng/giải.
Đáng chú ý, ở hạng mục kiến tạo năm nay, hội đồng giải thưởng chọn 3 sáng kiến khoa học đã được ứng dụng xuất sắc. Thứ nhất là đề tài khoa học “Chẩn đoán sớm bệnh nhân suy thận tiến triển nhanh” của PGS-TS Trần Thị Bích Hương (khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM). Đây là đề tài đòi hỏi tính chất chuyên môn cao khi bệnh nhân ở tình trạng rất khó can thiệp do cơ thể dễ bị tổn thương. Với nghiên cứu này đã giúp 60% bệnh nhân có thể ngưng chạy thận nhân tạo và hồi phục chức năng thận, giảm chi phí điều trị tới 10 lần, tăng tuổi thọ cho bệnh nhân. Thứ hai là đề tài nghiên cứu “Phẫu thuật bảo tồn chi trong điều trị ung thư xương” của PGS-TS Lê Trí Dũng, nguyên Trưởng khoa bệnh học Cơ - Xương - Khớp (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện ITO - Saigon). PGS-TS Dũng và đồng nghiệp tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM là những người đầu tiên ở Việt Nam xác định thành công phương pháp điều trị giữ toàn vẹn tay chân bị ung thư xương của bệnh nhân từ những năm 90. Trước đây, ung thư xương là án tử, phải đoạn chi, tháo bỏ khớp nhưng kết quả điều trị rất thấp. Nhưng với đề tài nghiên cứu của mình, PGS-TS Lê Trí Dũng cùng các cộng sự đã giúp cho hàng ngàn bệnh nhân bảo tồn đươc chi ung thư xương và giảm chi phí điều trị. Nghiên cứu giúp phát triển kỹ thuật mổ phù hợp với người Việt, làm cho giá thành giảm xuống ít nhất 10 lần so với các nước trong khu vực.
Giải kiến tạo thứ ba được trao cho TS Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dược liệu miền Trung. Bà là người đã triển khai trồng và phát triển nguồn dược liệu an toàn tại vùng đất Phú Yên. Đây là nơi đầu tiên của Việt Nam trồng cây diệp hạ châu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, góp phần tạo ra sản phẩm điều trị bệnh viêm gan B, men gan cao thay thế thuốc nhập khẩu đắt tiền.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự trân trọng, cảm động trước nỗ lực của rất nhiều nhà khoa học, các bạn sinh viên và những con người bình dị đã vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn để sống ý nghĩa hơn, cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội.
Tối 24-11, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM đã diễn ra lễ kỷ niệm 20 năm và tổng kết, trao giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 20, năm 2018. Đây là giải thưởng tôn vinh các tập thể, cá nhân có những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Đến dự có đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng gần 500 thí sinh tham gia Giải thưởng Euréka năm 2018.
Năm 2018, có 903 đề tài của 2.263 sinh viên của 106 trường đại học, cao đẳng, học viện từ 24 tỉnh, thành trên cả nước đăng ký tham gia giải thưởng. 65 đề tài đã xuất sắc vượt qua vòng sơ loại cấp trường và vòng bán kết toàn quốc để có mặt ở vòng chung kết. Kết quả, ban tổ chức đã trao 100 giải thưởng gồm 11 giải nhất, 11 giải nhì, 15 giải ba và 63 giải khuyến khích. Đặc biệt, có 16 đề tài được chuyển giao cho các cơ quan, doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện và triển khai ứng dụng. Điển hình như đề tài: Ứng dụng mô hình bike sharing tại phố Tây Bùi Viện của Trường Đại học Kiến trúc TPHCM; cải tạo chiếc ghe chài truyền thống của người dân miền Tây Nam bộ để phục vụ du lịch đường sông do Đại học Văn Lang TPHCM thực hiện được chuyển giao cho Đoàn Thanh niên Sở Du lịch TPHCM...
Dịp này, ban tổ chức cũng đã trao biểu trưng kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Euréka cho 24 cá nhân đồng hành với giải thưởng trong 20 năm qua. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” cho 9 cá nhân, tặng bằng khen cho 15 tập thể và cá nhân. UBND TPHCM tặng bằng khen cho 26 tập thể và cá nhân, trao Huy hiệu TPHCM cho 6 cá nhân.
Ngày 24-11, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM đã diễn ra Lễ tuyên dương Bí thư Chi đoàn giỏi cụm miền Đông Nam bộ. Đây là hoạt động trọng tâm nằm trong Liên hoan Bí thư Chi đoàn giỏi cụm miền Đông Nam bộ 2018 do TPHCM đăng cai tổ chức.
Ảnh: VIỆT DŨNG
Dịp này, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trao bằng khen cho 45 Bí thư Chi đoàn giỏi tiêu biểu.
Sáng cùng ngày, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM đã diễn ra Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TPHCM lần 9 năm 2018. Đây là hoạt động do Thành đoàn TNCS TPHCM phối hợp Sở Khoa học - Công nghệ TP tổ chức. Với 36 gian hàng của 47 đơn vị, liên hoan dự kiến thu hút 15.000 lượt người đến tham gia các hoạt động trong 2 ngày 24 và 25-11.