Trong đợt Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú vừa qua có một người được vinh danh giữa… biển khơi Trường Sa. Đó là nhạc sĩ - ca sĩ Thế Hiển khi anh đang cùng đoàn công tác TPHCM ra thăm và phục vụ quân dân quần đảo Trường Sa. Đây là dấu ấn đẹp không thể phai mờ trong cuộc đời một nghệ sĩ…
Hành trình của đoàn “Thành phố Hồ Chí Minh đến với Trường Sa thân yêu” có nhiều văn nghệ sĩ quen thuộc tham gia như: Tạ Minh Tâm, Thế Hiển, Hoàng Đình Quang, Lê Tú Lệ, Thập Nhất, Phan Hoàng, Võ Trọng Nam, Nguyễn Thị Phi Yến, Lê Vinh Phúc, Bích Ngân, Phạm Hoàng Long… Ngay sau khi lên tàu họ đã nhanh chóng hòa nhập vào nhau, tiếng hát lời thơ được cất lên.
Từ cảng Cát Lái đến điểm đầu tiên của cuộc hành trình là đảo Song Tử Tây mất 3 ngày 2 đêm, nhưng nhờ sự hiện diện của các văn nghệ sĩ mà đoàn bớt “nóng ruột”. Dù tuổi không còn trẻ nữa, song Thế Hiển là một trong những thành viên “xung kích” văn nghệ đầy nhiệt thành, từ trên tàu đến tất cả đảo chìm, đảo nổi anh đều có tiết mục biểu diễn. Cây đàn guitar luôn kề anh. Và trên suốt cuộc hải trình, nơi nào có Thế Hiển, nơi ấy sôi động hẳn lên.
Đoàn công tác đến thăm đảo Sơn Ca vào sáng ngày 30-4-2012. Nhạc sĩ Thế Hiển cùng với các ca sĩ Tạ Minh Tâm, Võ Hạ Trâm, Ngọc Khánh, Ngọc Anh, Giang Hồng Ngọc, Điền Trung, Lê Thanh Thảo… biểu diễn phục vụ các chiến sĩ hải quân. Trong lúc ca sĩ Quỳnh Nhi đang hát bài Vùng trời bình yên chợt vang lên tiếng còi báo động. Các chiến sĩ nhanh chóng ôm súng chạy ra công sự chiến đấu.
Các văn nghệ sĩ thoáng ngơ ngác, rồi cùng toàn thể thành viên của đoàn bình tĩnh trở lại, chờ lệnh chỉ huy. Nhạc sĩ Thế Hiển vốn “dày dạn chiến trường” nên đề nghị các ca sĩ cứ ngồi yên vị trí. Anh cùng đạo diễn Võ Trọng Nam, nhà thơ Phan Hoàng và một vài người khác ra cầu tàu với một số chiến sĩ hải quân để xem tình hình. Đó là lúc có một chiếc “máy bay lạ” xuất hiện trên bầu trời.
Hơn 15 phút sau tiếng còi báo động, đảo Sơn Ca bình yên trở lại. Ai về vị trí nấy. MC Tạ Minh Tâm tiếp tục chương trình. Ca sĩ Quỳnh Nhi lại cất tiếng hát Vùng trời bình yên. Nhà thơ Phan Hoàng nói với nhạc sĩ Thế Hiển rằng mình đã có một tứ thơ, mà sau đó bài thơ Tiếng hát trên đảo Sơn Ca đã ra đời, với đoạn mở đầu:
“Em hát về vùng trời bình yên
đảo bỗng nhiên báo động
tiếng sơn ca ngơ ngác giữa trùng khơi
sau lớp sóng dịu êm âm ỉ bao trận bão
dưới tán lá bàng vuông rễ bám san hô máu em ơi!”
Trường Sa là thế, phía sau “lớp sóng dịu êm” luôn rình rập những nguy cơ đe dọa con người lẫn chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nhạc sĩ Thế Hiển nghe bài thơ Tiếng hát trên đảo Sơn Ca tỏ ra hết sức đồng cảm và hẹn sớm hoàn thành ca khúc này…
Vào tối hôm ấy, đoàn rời đảo Sơn Ca lên đường đến thăm đảo Sinh Tồn Đông. Ngay trên tàu HQ 936 đã diễn ra lễ kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Và thành viên xúc động nhất tối hôm ấy chính là Thế Hiển. Ngay sau lễ kỷ niệm, tác giả của Nhánh lan rừng được mời lên nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do Nhà nước phong tặng. Trong đồng phục xanh rêu, nón tai bèo, anh nhanh nhẹn bước lên phía trước trong tiếng vỗ tay tán thưởng và ánh đèn máy hình chụp liên tục.
Trưởng đoàn Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đã thay mặt lãnh đạo TPHCM tặng hoa và cụng ly rượu chúc mừng tân Nghệ sĩ ưu tú Thế Hiển. Trong cơn nghẹn ngào, anh cảm ơn mọi người và nói rằng: “Đây là giờ phút sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời tôi, nhất là khi cùng mọi người ở giữa biển khơi quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi hứa sẽ cố gắng lao động sáng tạo, cống hiến hết sức mình để không phụ lòng tất cả mọi người”!
Tiếng vỗ tay hòa trong tiếng sóng vang rền...
Vâng, chắc chắn Nghệ sĩ ưu tú Thế Hiển không bao giờ quên dấu ấn đẹp hiếm có này. Hy vọng rồi đây, nhiều tác phẩm hay của Thế Hiển viết về biển đảo Trường Sa sẽ ra đời như lời hứa của anh…
Hiệu Văn