Vinh danh người bảo vệ cá hồi

Vinh danh người bảo vệ cá hồi

Hôm nay, tại San Francisco (Mỹ), Goldman Environment Prize, giải thưởng môi trường hàng đầu, được xem là giải Nobel nền tảng cho vấn đề môi trường, được trao cho 6 người. Theo báo giới, trong đó có hãng tin BBC, nổi bật nhất trong 6 người trên là Orri Vigfusson, 64 tuổi, một doanh nhân người Iceland, đã có công hồi sinh loài cá hồi ở Bắc Đại Tây Dương trước nguy cơ chúng bị xóa sổ bởi nạn đánh bắt quá mức.

  • Orri Vigfusson và Quỹ NASF
Vinh danh người bảo vệ cá hồi ảnh 1

Ông Orri Vigfusson

O. Vigfusson là người sáng lập Quỹ Cá hồi Bắc Đại Tây Dương (NASF), một liên minh gồm nhiều nhóm bảo tồn động vật. Bản thân O. Vigfusson từng là một vận động viên câu cá thể thao chuyên nghiệp suốt 20 năm, từng giết rất nhiều cá trong thời gian dài đó. Hơn ai hết, ông tận mắt chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng của cá hồi theo thời gian. Vì vậy, cách đây 17 năm, ông đã lập nên NASF với quyết tâm phải làm điều gì đó cho loài cá này nếu không muốn chúng biến mất.

Vấn đề bắt đầu từ những năm 1950, khi người ta phát hiện cá hồi từ các con sông ở Mỹ, Canada và cả từ châu Âu, đã tụ tập về vùng biển Greenland ở Bắc Mỹ và quần đảo Faroe. Ngay lập tức, ngành công nghiệp đánh bắt cá khổng lồ mọc lên tại những vùng biển này. Kết quả, hàng ngàn dặm lưới đánh cá đã giăng ra đón cá tại tất cả các nẻo đường di trú của chúng. Chỉ sau vài năm đánh bắt, số lượng cá hồi đã sụt giảm mạnh. Nghiêm trọng nhất là giai đoạn từ năm 1979 đến 1990, số lượng cá hồi trong vùng biển trên từ 4 triệu con giảm chỉ còn 700.000 con.

  • Nhiệm vụ vẫn ở phía trước
Vinh danh người bảo vệ cá hồi ảnh 2
Cá hồi lại trở về vẫy vùng ở Bắc Đại Tây Dương

Trước nguy cơ này, NASF quyết định chuyển hướng bảo vệ cá hồi bằng cách mua lại quyền đánh bắt cá của các ngư dân và tất nhiên là NASF không bao giờ đánh bắt cá cả. Các ngư dân sẽ được một khoản bồi thường không nhỏ nếu bán quyền đánh bắt cá cho NASF. Đầu tiên, các thỏa thuận “mua bán” được thực hiện ở Greenland, Iceland và Faroe. Giờ đây, ở đâu có đánh bắt cá hồi, ở đó xuất hiện nhân viên của NASF, những người chuyên đi mua lại quyền đánh bắt cá. Hơn 17 năm qua, NASF có mặt khắp các vùng biển châu Âu, trong đó có Scotland, cái nôi của hơn 80% sản lượng cá hồi của Vương quốc Anh.

Quỹ quyên góp hiện nay của NASF lên đến 35 triệu USD. Cùng với việc đền bù, NASF còn tìm kiếm, thu dụng các ngư dân và những người đang làm việc trong công nghiệp du lịch như đánh bắn cá thể thao... để tạo công ăn việc làm mới cho họ. Những nỗ lực của NASF đã được đánh giá cao vì có kết quả khích lệ không ngờ. Sản lượng cá hồi ở Iceland, Scotland và Canada đã tăng lên đáng kể trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, trọng trách vẫn còn lớn ở phía trước, nói như ông Vigfusson: “Nhiệm vụ của chúng tôi là trả lại cho vùng biển Bắc Đại Tây Dương lượng cá hồi phong phú như cách đây 50 năm”.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục