
Mới đây, đoàn làm phim của Đài truyền hình quốc tế Pháp TV5 Monde đã đến Việt Nam làm một loạt phóng sự về Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn – là các địa danh nằm trong số 100 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Xin giới thiệu với bạn đọc một trong số những bài viết đó…
…Vịnh Hạ Long tặng cho du khách một cảnh quan không gì sánh được. Nằm về phía Đông – Bắc Việt Nam, khu thắng cảnh này trải ra trên một diện tích rộng 1.500km² với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ. Những vách đá thẳng đứng, đôi khi cao tới 200m trên mặt nước biển, làm thành một thiên đường tuyệt vời trên biển đối với những ai muốn dạo chơi nơi đây bằng du thuyền.
Năm 1994, nhờ vẻ đẹp lộng lẫy và nhờ ở tính đa dạng sinh học phong phú của nó, lần đầu tiên Vịnh Hạ Long được Tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là một trong những di sản của thế giới. Năm 2000, danh hiệu ấy một lần nữa được khẳng định, lần này do những đặc tính địa lý, địa chất của Hạ Long…
- Những tác phẩm bậc thầy của thiên nhiên

Biểu tượng của UNESCO hiện diện khắp nơi trên Vịnh Hạ Long.
Chúng tôi quyết định thả thuyền trên vịnh trong 2 ngày, nghỉ đêm tại hòn đảo chính và là một trong số rất ít hòn đảo có cư dân sinh sống. Chúng tôi đã rất may mắn có thể ngắm nhìn cảnh vịnh trong tiết trời quang đãng, vì vào mùa này (mùa đông), Hạ Long thường bị bao phủ bởi một lớp sương mù. Ngoài quần thể động vật (đặc biệt là động vật dưới nước) và thực vật, các đặc trưng địa chất của vịnh cũng là điểm thu hút đặc biệt đối với các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về địa khí hậu và quá trình tạo hình của các khối đá vôi. Với những người tới đây không phải vì công việc mà để chiêm ngưỡng cảnh đẹp thì thăm viếng các hang động trong Vịnh Hạ Long là một trong những hoạt động hấp dẫn nhất.
Chúng tôi có diễm phúc được vào thăm 2 hang rất rộng của động Sửng Sốt. Vẻ đẹp của các khối đá vôi được tạo hình bởi những dòng nước chảy khiến chúng tôi đứng lặng. Nhưng ngược lại, chúng tôi không biết nghĩ sao về cách bài trí trong động. Việc sử dụng những cây đèn nê-ông đủ màu sắc xanh, đỏ, lơ, thậm chí tím… khiến cho người ta có cảm giác đang đi vào một vũ trường(!?). Dù sao cũng phải ghi nhận tính độc đáo và sự cố gắng giới thiệu cảnh động của những người thực hiện.
Trong 2 ngày chúng tôi đã bơi thuyền qua những vách đá dựng đứng, qua những vòm đá, những khe đá chật hẹp… Biển nơi này đã tạo nên những kỳ quan có thể gọi là những tác phẩm bậc thầy của thiên nhiên. Chính điều đó đã lôi kéo ngày càng đông khách du lịch tới đây, như lời xác nhận của cậu hướng dẫn viên của chúng tôi. Cậu cho hay cậu cũng chỉ mới làm công việc này (dù sao cậu cũng đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin cơ bản cần thiết) và chính sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch đã lôi kéo cậu vào nghề.
- Lo lắng... vì sự xâm hại

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến đây là sự lo lắng. Mỗi ngày có khoảng một chục chiếc tàu chở khách đi thăm Vịnh xuất phát từ thành phố Hạ Long. Chúng tôi gặp một anh bạn Pháp, người thường xuyên lui tới Việt Nam từ nhiều năm nay. Anh chia sẻ với chúng tôi sự ngạc nhiên của mình trước tốc độ đổi thay đến chóng mặt của thành phố. Để đáp ứng nhu cầu du lịch đang ngày một tăng lên, các khu vực hạ tầng ngày càng trải rộng, người ta không ngừng lấn mặt nước để có thêm diện tích đất xây dựng các công trình mới. Liệu những hòn đảo nổi tiếng kia có còn đủ xa bờ (khoảng vài km) để không phải hứng chịu những hậu quả xấu của một sự phát triển như thế?...
Chúng tôi sẽ còn nhớ mãi tấm pa-nô khổng lồ dựng lên trên hòn đảo đầu tiên mà du khách có thể nhìn thấy khi bắt đầu tiến vào thăm Vịnh. Tấm biển không chỉ là lời chào mừng đón khách mà còn là lời nhắc nhở, rằng: các bạn đang ở đây trên một vùng lãnh thổ được bảo vệ, UNESCO rất vui mừng vì sự hiện diện của các bạn và UNESCO cũng không quên để mắt tới mọi chuyện! |
Trước “cơn lũ tràn” của dòng khách du lịch, các cơ quan chức năng của Việt Nam hẳn có rất nhiều việc phải làm. Liệu họ có cưỡng lại được xu hướng “sinh sôi nảy nở” của các cơ sở hạ tầng du lịch trên đảo, thậm chí cả trên những đảo khác mà cho tới giờ vẫn còn giữ được nguyên vẹn? Liệu họ có thể thành công trong việc hạn chế được số tàu thuyền đi lại trên vịnh nhằm bảo đảm tầm nhìn và quang cảnh yên bình của chốn thần tiên này? Họ có ngăn cản được những “tiệm nổi” bán hàng lưu động trên mặt nước, biến nơi đây thành một điểm hẹn giữa khách du lịch và người buôn bán địa phương (việc đánh bắt hải sản quá mức ở đây cũng rất đáng lo ngại)? Cuối cùng, liệu họ sẽ có biện pháp để khiến cho sự phát triển của thành phố Hạ Long không “chồm” ra tận ngoài Vịnh?...
Sẽ phải quay lại đây trong vài năm nữa để có được câu trả lời cho các câu hỏi trên. Hiện tại, chúng tôi tin vào sự quản lý có ý thức và có tầm nhìn của người Việt Nam. Dù thế nào, có một điều chắc chắn là, sự hiện diện của UNESCO trong Vịnh là thường trực! Tại tất cả những địa điểm di sản thế giới mà chúng tôi từng đi qua, chưa ở đâu chúng tôi lại thấy có nhiều biểu tượng của UNESCO đến thế. Có thể thấy chúng ở khắp nơi, ví dụ như trên các bậc thang dẫn tới các hang động chẳng hạn.
Minh Quốc (theo TV5 Monde)