Đánh giá đúng mức và tôn vinh xứng đáng cống hiến của đội ngũ trí thức - nghệ sĩ là một trong những biểu hiện văn minh của đời sống xã hội. Dân tộc Việt có truyền thống trọng vọng nhân tài, coi hiền tài là tài sản quý quốc gia. Đảng, Nhà nước ta từ lâu đã đánh giá đúng đắn và có chính sách phù hợp đối với lực lượng ưu tú này.
Nối tiếp sáu đợt trước, lần này Nhà nước đã công bố kết quả xem xét trao tặng 143 Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các công trình, tác phẩm xuất sắc về khoa học kỹ thuật cũng như văn học nghệ thuật; đồng thời phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho 430 nghệ sĩ nổi bật đã và đang hoạt động trong các ngành nghệ thuật cả nước.
Kết quả trên thổi mạnh luồng gió phấn chấn, khơi động tiềm năng sáng tạo và nhiệt huyết cống hiến của đội ngũ những người làm khoa học kỹ thuật và văn hóa văn nghệ; thôi thúc giới trí thức mạnh mẽ vươn lên, góp phần quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển trong thời kỳ hội nhập toàn cầu; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Đất nước ta đang không ngừng đổi mới theo quy luật phát triển khách quan của cuộc sống. Và phần quan trọng của động lực đổi mới là dựa vào trách nhiệm, nhiệt huyết, trí tuệ, tài năng nghiên cứu khoa học và sáng tạo hình tượng của đội ngũ trí thức được Đảng ta rèn luyện.
Trong tình hình hiện nay, các chuyên gia khoa học cần được hội tụ triệt để nhằm tạo lập sức mạnh trí tuệ quốc gia; sáng tạo, tư vấn, phản biện hiệu quả góp phần xây dựng nhanh và vững nền kinh tế - xã hội trí thức. Các văn nghệ sĩ cần được tập hợp nhằm gây dựng lực lượng hùng hậu, đua nở sáng tạo trên cơ sở đề cao chân - thiện - mỹ, đè bẹp giả - ác - xấu, làm hưng thịnh quốc hồn quốc túy dân tộc.
Vậy nhưng, đến nay chúng ta vẫn chưa khắc phục tình trạng lãng phí, phân tán chất xám ở nhiều phạm vi khác nhau. Đội ngũ cán bộ khoa học và sáng tạo văn nghệ còn bị chia tách, phân tán về tổ chức cũng như hành nghề. Hiệu quả sáng chế, phát minh, ứng dụng công nghệ do đó chưa thể đáp ứng nhu cầu vô cùng to lớn và đa dạng của tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Sản phẩm văn hóa văn nghệ, một mặt chưa đáp ứng số lượng, mặt khác chưa xứng với tầm vóc của lịch sử dân tộc cũng như với quy mô, sự phong phú của cuộc sống đương đại. Đáng tiếc, còn xuất hiện những công trình, tác phẩm xa rời đời sống, gây lãng phí, thậm chí bất cập.
Tập hợp lực lượng, đào tạo nâng cao trình độ và bồi đắp nhiệt huyết đội ngũ, có lẽ là việc hàng đầu cần được chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng. Song song đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, tạo đủ điều kiện thuận lợi cần thiết cho các chuyên gia và nghệ sĩ hết mình sáng tạo, cống hiến. Cùng đó, cần tiến hành tổ chức, quản lý chặt chẽ kết quả nghiên cứu và sáng tác trên phạm vi quốc gia cũng như ở từng địa phương, nhằm nhanh chóng đưa vào ứng dụng hoặc quảng bá rộng rãi, đem lại lợi ích cập nhật thiết thực cho xã hội. Lại cần quan tâm phát triển cân đối, có trọng tâm hoạt động chuyên nghiệp - đỉnh cao với hoạt động phong trào - quần chúng rộng rãi. Đặc biệt, cần chú trọng thực hiện chủ trương quan trọng của Đảng, làm cân bằng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển khoa học kỹ thuật và văn hóa xã hội. Từ đó tạo ra những “quả đấm” thích đáng, đủ lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển hài hòa, nhanh chóng, bền vững.
Các nhà khoa học, văn nghệ sĩ được trao giải thưởng và được phong danh hiệu lần này cảm nhận sâu sắc niềm vinh quang, đồng thời nhận rõ trách nhiệm lớn lao của mình trước xã hội và công chúng. Hẳn nhiên đây là động thái thuận lợi tạo tiền đề sống động thúc đẩy cao trào sáng tạo, cống hiến không mệt mỏi cho đất nước của giới trí thức - đông đảo những người nghiên cứu khoa học và sáng tạo các giá trị tinh thần, đạo đức trong cả nước.
PGS-TS Trần Luân Kim