Vĩnh Thịnh, Bạc Liêu: Lại “nóng” chuyện đất

Người nghèo... không được cấp đất!
Vĩnh Thịnh, Bạc Liêu: Lại “nóng” chuyện đất

Sau khi chuyện cán bộ “giành đất” với dân nghèo ở Bạc Liêu bị báo chí phanh phui, UBND tỉnh này đã chỉ đạo ngành chức năng thu hồi đất cấp sai đối tượng. Trở lại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) lần này, chúng tôi lại nghe người dân tố cáo nhiều cán bộ xã tiếp tục dính líu đến đất.

Người nghèo... không được cấp đất!

Vĩnh Thịnh, Bạc Liêu: Lại “nóng” chuyện đất ảnh 1

Trong khi nhiều dân nghèo không có đất sản xuất thì ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Bí thư xã Vĩnh Thịnh lại có khu đất rộng trên 6ha nằm dọc tuyến kênh thủy lợi này

Trong danh sách những người được duyệt cấp đất nuôi trồng thủy sản do xã Vĩnh Thịnh lập, chúng tôi nhận ra những cái tên rất quen thuộc mà theo người dân thì đây không phải hộ nghèo mà là rất khá giả, có quan hệ họ hàng với cán bộ lãnh đạo xã Vĩnh Thịnh.

Cụ thể là ông Trần Thanh Tân (anh ruột của ông Trần Văn Huy – bí thư xã) được cấp 10.000m²; bà Nguyễn Thị Thể được cấp 10.000m² diện hộ nghèo nhưng thực tế gia đình bà Thể rất giàu, bà Thể trước đây là vợ của ông Trần Công Định (trưởng ban địa chính xã). Ông Lâm Văn Thắng cũng được liệt vào… hộ nghèo với diện tích đất được cấp 10.000m².

Nhưng, người dân địa phương cho biết, gia đình ông Thắng rất khá giả, ông Thắng lại là con rể của ông Trần Văn Thắng – nguyên bí thư xã Vĩnh Thịnh, nay đã chuyển công tác về huyện Hòa Bình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do không có nhu cầu sản xuất hoặc có đất quá nhiều nên những thửa đất vừa được cấp đã nhanh chóng được “sang tay”, hưởng lợi hàng chục triệu đồng.

Cũng danh sách trên, có một hộ được cấp 10.000m² đất tên Trần Văn Việt. Ông Việt thật sự là hộ nghèo (là bộ đội xuất ngũ), được cấp sổ đỏ nhưng nhiều năm qua UBND xã Vĩnh Thịnh lại không… giao đất cho ông.

Ông Việt bức xúc: “Tôi làm đơn xin đất sản xuất và đã được cấp sổ đỏ nhưng chờ mãi vẫn không được giao đất. Nhiều cán bộ xã kinh tế khá giả lại sở hữu rất nhiều đất”.

Đúng như lời ông Việt, danh sách hợp thức hóa đất cho 20 hộ đang hợp đồng sản xuất có 1,5ha đất nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Bí thư xã Vĩnh Thịnh. Nói là vậy, nhưng sau trại cá sấu ông Hùng hiện có không dưới 6ha đất nuôi trồng thủy sản. Ông Lâm Hoàng Dũng, nguyên trưởng ban tài chính xã, được 1,5ha nhưng thực tế ông này đang sở hữu trên 10ha.

Lật lại hồ sơ, chúng tôi còn phát hiện một danh sách 10 cán bộ làm đơn xin được cấp nền thổ cư nằm cặp theo kênh xáng Cái Cùng đã được ông Trần Văn Huy (khi đó là chủ tịch xã Vĩnh Thịnh) và ông Chung Tấn Kiệt (chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu) ký tên, đóng dấu xác nhận.

Trong số này, có ông Trần Việt Quân (con trai ông Trần Văn Huy), Trần Quốc Tính (con trai ông Trần Văn Thắng, nguyên bí thư xã), Hứa Văn Quang, Phó chủ tịch HĐND xã, Cổ Tân Xuyên (nguyên chủ tịch xã, nay là trưởng công an xã), Trần Kim Loan (con ông Trần Công Định, trưởng ban nông nghiệp địa chính xã)… Lý do nêu ra là phụ thuộc gia đình, không có đất cất nhà nhưng thực tế những người này đã có nhà tường, đời sống rất sung túc.

Bán cả đất xây đài tưởng niệm

Nghe tin khu đất xây đài tưởng niệm bị bán, chúng tôi về ấp Vĩnh Tiến để tìm hiểu sự thật. Sáng sớm, vừa vào khu đài tưởng niệm, chúng tôi bị ông Nguyễn Đông Ngô (Hai Ngô) ngăn cản. Ông Ngô hét: “Đây là đất của tôi, không ai được vô đây quay phim, chụp hình, UBND xã Vĩnh Thịnh đã bán toàn bộ khu đất này cho tôi với giá 300 giạ lúa”.

Ông Ngô cho biết, không chỉ cất nhà ở nhiều năm nay mà thửa đất rộng trên 3.500m² này ông còn được cấp sổ đỏ hẳn hoi. Chúng tôi phải viện cớ cần ghi tên các anh hùng liệt sĩ được khắc trên bia đá, ông Ngô mới cho vào. Theo ông Ngô, chỉ có bia đá và đài tưởng niệm là của Nhà nước, còn đất thì thuộc sở hữu của gia đình ông (!?).

Theo biên bản thống kê hiện trạng đất do UBND huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) cung cấp, đến thời điểm này đất công do UBND xã Vĩnh Thịnh quản lý rộng 199,16ha. Trừ diện tích kênh thủy lợi, khu dân cư, rừng phòng hộ, trại giống…, diện tích đất sản xuất còn lại 62,5ha. Trong đó, xã Vĩnh Thịnh đã lập danh sách cấp lại cho 20 hộ trực tiếp sản xuất với diện tích 28,5ha, cấp mới cho 14 hộ nghèo (14,5ha). Ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho biết, diện tích đất cấp sai đối tượng đã được thu hồi nhưng do nằm rải rác ở nhiều nơi, nên chưa cấp cho hộ nghèo. Với chủ trương không để đất trống nên chính quyền tạm giao cho chủ cũ sản xuất.

Theo hồ sơ chúng tôi có được, khu đất ông Ngô đang sử dụng trước là trụ sở cũ của UBND xã Vĩnh Thịnh. Sau khi di dời ra điểm mới, UBND huyện Vĩnh Lợi (cũ) đã giao đất cho UBND xã Vĩnh Thịnh xây trường cấp 2.

Theo đó, khu đất này có chiều dài 120m, ngang 30m (3.600m²) có bốn bề giáp kinh Cô Tư, kinh Trường Tiến, ruộng muối và đài tưởng niệm xã Vĩnh Thịnh. Thấy chúng tôi cầm trong tay quyết định, Chủ tịch huyện Hòa Bình Trần Thanh Tâm giật mình nói: “Cho chúng tôi xin photo quyết định này đi. Thật tình mà nói khi đoàn thanh tra vào làm việc với xã Vĩnh Thịnh, chúng tôi tìm không được bao nhiêu giấy tờ để xác minh, chủ yếu hỏi thăm người dân”. 

Không riêng khu đất cạnh đài tưởng niệm, hơn mười năm trước, khu đất rộng 1.375m² (trước chợ Cái Cùng) cũng được huyện Vĩnh Lợi giao cho xã Vĩnh Thịnh xây trường học. Thế nhưng, khi Trường Tiểu học Vĩnh Thịnh dời đi nơi khác thì dãy đất công đã trở thành đất của 5 hộ dân với đầy đủ sổ đỏ.

Ông Trần Thanh Tâm cho biết: “Huyện đã lập đoàn thanh tra làm việc với xã Vĩnh Thịnh, lần này sẽ rà soát lại tình hình sử dụng đất công và thanh tra tài chính. Khu đất trước chợ Cái Cùng sẽ được kiểm tra kỹ, coi xã quản lý đất công thế nào mà để người dân lấn chiếm. Nếu phát hiện có tiêu cực, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, dứt khoát không bao che dung túng”.

Hồng Dân

Tin cùng chuyên mục