Vợ bộ đội Trường Sa

Vợ bộ đội Trường Sa

Câu nói “Phía sau sự thành đạt của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng của người phụ nữ” không chỉ dành cho các đấng nam nhi trong thời kinh tế thị trường mà còn rất đúng với những anh “Bộ đội Cụ Hồ” hôm nay…

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Điệp và anh Nguyễn Văn Linh, bộ đội Hải quân trong ngày sum họp hạnh phúc. Ảnh: M.Y.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Điệp và anh Nguyễn Văn Linh, bộ đội Hải quân trong ngày sum họp hạnh phúc. Ảnh: M.Y.

1. Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày chị Nguyễn Thị Kim Giang sinh con, ấy vậy mà chồng chị là anh Nguyễn Huy Bắc, bộ đội Hải quân lại nhận nhiệm vụ ra đảo Trường Sa. “Quân lệnh như sơn”, có lệnh cấp trên là bộ đội phải tuyệt đối chấp hành. Tuy nhiên, anh vẫn không khỏi lo lắng cho hoàn cảnh khắc nghiệt của vợ. Thấy thế, chị Giang liền động viên chồng: “Anh cứ yên tâm đi công tác, ráng hoàn thành tốt nhiệm vụ, ở nhà đã có bà con họ hàng và bạn bè giúp đỡ…”.

Sau ngày bịn rịn tiễn chồng ra đảo, ở nhà đến ngày sinh đẻ, chị Giang một mình bắt xe đến trạm y tế. Thấy chị vượt cạn một mình, mọi người hỏi: “Chồng chị đâu?”. Chị khẽ đáp: “Chồng em là bộ đội, đang làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa…”. Nghe vậy, từ bác sĩ, y tá đến bà con xung quanh đều thông cảm và dành tình thương đặc biệt cho chị.

Sau hơn 2 tháng ra đảo làm nhiệm vụ, anh Nguyễn Huy Bắc nhận được tin vui: Vợ sinh con trai, cả hai đều mẹ tròn con vuông. Niềm vui ở hậu phương đã tiếp cho anh thêm sức mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Suốt 6 năm trời làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Trường Sa, anh có mặt ở hầu hết các đảo từ Trường Sa Lớn đến các đảo Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử Tây, Đá Đông, Đá Tây… và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hiện nay, Thượng tá Nguyễn Huy Bắc, Chủ nhiệm Chính trị Lữ 957 Hải quân Việt Nam đã vào đất liền (Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) và có điều kiện gần gũi gia đình hơn, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn ra đảo Trường Sa công tác, mỗi chuyến đi biển anh đều mang theo lời dặn dò yêu thương của vợ và lời mong ước dễ thương của con…

2. Chị Nguyễn Thị Kim Chi, bác sĩ khoa Tim mạch Bệnh viện Nhân dân 115 là vợ Thượng tá Trần Hoàng Phong, bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Quân đội 7A vui vẻ nhận gánh nặng gia đình để chồng yên tâm ra đảo Trường Sa khám chữa bệnh cho bộ đội và cứu giúp ngư dân đánh bắt xa bờ. Hàng ngày, công việc cứu người của chị ở Bệnh viện Nhân dân 115 cũng hết sức nặng nề vất vả vì bệnh viện luôn quá tải, nhưng chị vẫn động viên chồng hoàn thành nhiệm vụ.

Hơn 2 năm công tác ngoài đảo Trường Sa, bác sĩ Phong vừa làm nhiệm vụ của người lính, vừa cứu sống nhiều bộ đội và ngư dân. Anh khoe: “Sở dĩ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ là nhờ công sức và sự động viên của vợ con đấy…”.

Hàng năm, Bệnh viện Quân đội 7A có nhiều y bác sĩ xung phong ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ, trong đó có Thiếu úy Dương Văn Hải, y sĩ Khoa Tim mạch. Vợ anh cũng là bác sĩ nên đã động viên chồng yên tâm ra đảo công tác dẫu chị biết rằng có rất nhiều khó khăn đang ở phía trước...

Trước đây ngoài đảo Trường Sa còn chưa có điện thoại, ti vi như bây giờ nên 5-6 tháng bộ đội mới nhận được thư nhà. Thậm chí có lúc thư vừa đến đảo này thì bộ đội đã sang đảo khác rồi, vì vậy có khi cả năm mới nhận được thư nhà. Bây giờ thì chỉ cần “alô” một tiếng là biết tin tức quê nhà nên đỡ nhớ hơn.

Hỏi vì sao các chị chấp nhận làm vợ bộ đội nhiều gian khổ và cả hy sinh như vậy? Các chị đều có chung câu trả lời: “Các anh đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cao cả thiêng liêng và phải chịu nhiều gian khổ hy sinh, mình phải yêu thương để bù đắp chứ…”.

3. Chị Nguyễn Thị Gương, vợ đại tá Tạ Trung Đức, Chính ủy Lữ đoàn 957 Hải Quân Việt Nam, suốt 6 năm trời anh Đức công tác ngoài đảo Trường Sa, chị ở nhà một mình nuôi dạy các con. Chị vừa phải làm mẹ, vừa phải làm cha, vượt qua bao khó khăn gian khổ để động viên chồng hoàn thành nhiệm vụ và nuôi dạy các con nên người. Giờ đây, con chị đã thi vào đại học, chồng chị yên tâm làm nhiệm vụ, gia đình chị lúc nào cũng tràn đầy hạnh phúc.

Đại tá Nguyễn Viết Hoan, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 957 Hải quân có thâm niên gần 20 năm làm nhiệm vụ ngoài đảo Trường Sa. Cưới nhau mấy chục năm, thời gian sống chung chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, nhưng nhờ có tình yêu vô bờ mà gia đình anh luôn hạnh phúc.

Trong thời bình nhưng chị Giang Thị Tân, Thiếu tá Bộ đội Phòng không Sư đoàn 367 có hoàn cảnh đặc biệt hơn những người vợ lính khác khi chồng chị ra đi mãi không về... Anh là Thiếu tá phi công Hoàng Bá Tâm, Biên đội trưởng Biên đội phi công của Sư đoàn 367 chuyên lái máy bay ra đảo Trường Sa công tác. Anh đã hy sinh trong một chuyến bay ra đảo, đến nay vẫn chưa tìm thấy xác…

“Ngày anh hy sinh mới ngoài 30 tuổi, lâu không thấy cha về, con nhỏ cứ bập bẹ hỏi cha hoài khiến tôi không thể cầm lòng…”, chị Tân rưng rưng nước mắt. Từ ngày anh hy sinh, chị Tân vẫn ở vậy thờ chồng nuôi con. Tình yêu của chị đã dành trọn cho anh...

4. Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Điệp, trung tá Cục Kỹ thuật Hải quân và anh Nguyễn Văn Linh, trung tá Phòng Hậu cần Lữ 125 Hải quân đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM biểu dương là gia đình quân nhân hạnh phúc vì họ luôn hoàn thành tốt cả việc nước lẫn việc nhà.

Để có được niềm hạnh phúc ấy, theo chị Điệp: “Những người vợ lính chúng tôi đã phải tự vượt lên chính mình rất nhiều, nhất là khi chồng thường xuyên đi công tác ngoài đảo Trường Sa mỗi chuyến kéo dài suốt 3 - 4 tháng trời. Càng những lúc sóng to gió lớn các anh càng phải lao ra biển để cứu nạn ngư dân, chỉ đến khi các anh trở về bình an thì vợ con mới yên tâm…”.

Các anh bộ đội hải quân khác như: đại úy Đoàn Anh Kỳ, Thuyền trưởng tàu 956; đại úy Trần Anh Khoa, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 19 và đại úy Nguyễn Tiến Dũng, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 21… đều nhắc về người vợ yêu thương của mình với niềm tự hào xen lẫn biết ơn, bởi nhờ tình yêu và sự động viên của những người vợ mà các anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biển đảo.

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục