Vỡ mộng vì cò lao động

Gài bẫy người lao động
Vỡ mộng vì cò lao động

Lợi dụng sự kém hiểu biết, thiếu thông tin của người dân, những đối tượng cò lao động chui về các huyện miền núi Quảng Ngãi đưa ra những lời mời với mức lương hậu hĩnh. Nhiều người cả tin rơi vào cạm bẫy mới biết đã bị lừa. Sự việc đã diễn ra nhiều năm nhưng sự vào cuộc của các cấp, các ngành còn quá chậm, cò lao động vẫn ngang nhiên hoạt động.

Chị Đinh Thị Rào (bên phải) đã về nhà nhờ sự giúp đỡ của lực lượng biên phòng sau khi bị bán qua Campuchia.

Chị Đinh Thị Rào (bên phải) đã về nhà nhờ sự giúp đỡ của lực lượng biên phòng sau khi bị bán qua Campuchia.

Gài bẫy người lao động

Sáu thanh niên xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) bị lừa phải lao động khổ sai trong các rẫy cà phê. Ba trong số 6 người may mắn trốn thoát. Câu chuyện buồn của 3 thanh niên Đinh Quốc (28 tuổi), Đinh Bài (31 tuổi) và Đinh Văn Ruôn (29 tuổi) vừa trở về từ một cuộc đào thoát may mắn vẫn được người dân xóm Đèo Gió, xã Sơn Hạ bàn tán rôm rả. Ngồi bên hiên nhà nhìn xa xăm về ngọn núi cao sương mù phủ dày, gương mặt Đinh Quốc vẫn còn bàng hoàng sau những gì đã diễn ra.

Giữa tháng 8-2012, bà Lê Thị Mỹ Lệ (43 tuổi), ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đến thôn Đèo Gió tuyển người vào làm rẫy cà phê với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng và khi vào vụ cà phê chính tăng lên 4 triệu đồng/tháng. Tiền xe, tiền đau ốm, thuốc điều trị, chủ rẫy cà phê lo, cuối năm về cho quần áo mới… cho ứng trước mỗi người từ 1 đến 2 triệu đồng. Nghe quá hấp dẫn, 6 thanh niên xã Sơn Hạ không nghĩ ngợi gì, ngay hôm đó theo bà Lệ lên Tây Nguyên mà không biết mình đang bị gài bẫy. Đến Lâm Đồng, họ bị quản thúc trong căn phòng chật chội, ẩm thấp có người canh giữ, mỗi ngày chỉ được ăn 3 gói mì tôm với giá 100.000 đồng/gói và nằm chờ...

Cũng bị lừa bán lên Tây Nguyên lao động, nhưng chị Đinh Thị Rào SN 1984, người dân tộc H’rê, ở thôn Tà Màu, xã Sơn Trung (Sơn Hà), lại rơi vào hoàn cảnh bi đát hơn. Vốn đã có chồng và một đứa con, nhưng gia cảnh vẫn cứ nghèo. Nghe lời 2 đối tượng lạ mặt đến tuyển người làm rẫy cà phê với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, bỏ mặc chồng, con, chị gia nhập đoàn người làm thuê với hy vọng đổi đời. Khi đến Lâm Đồng, công việc chị làm hàng ngày là hái cà phê. Từ tháng 3 đến tháng 11-2010, chị không nhận được một đồng lương.

Nhớ chồng, thương con nhưng không có điều kiện trở về vì chủ rẫy không trả tiền. Biết đã rơi vào cạm bẫy nên chị Rào tìm mọi cách thoát thân nhưng nhiều lần bất thành. Đầu tháng 12-2010, người chủ thuê chị bảo chị đi miền Tây gặt lúa và trả tiền luôn. Cả tin, không biết miền Tây ở đâu, nhưng chủ bảo phải đi. Sau một tuần theo chủ, kết quả, chị bị đưa sang Campuchia.

Chỉ khi vào nhà một Việt kiều xin nước uống và hỏi thăm miền Tây ở chỗ nào, mới hay mình đã bị bán sang bên kia biên giới. “May mắn bà con Việt kiều thấy được quỷ kế của bọn cò lao động nên đã báo Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Từ đó, Bộ đội Biên phòng Việt Nam phối hợp với công an nước bạn truy bắt các đối tượng cò lao động và giải cứu đưa về tỉnh An Giang rồi về nhà” - chị Rào tâm sự.

Vô tình bắt... quả tang

Giữa tháng 2-2012, trong lúc tuần tra kiểm soát trên tuyến quốc lộ 24A, đoạn qua xã Ba Liên (huyện Ba Tơ), lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Ba Tơ phát hiện ô tô 56P-8205, do vợ chồng Lê Văn Tiến (35 tuổi) và Trần Thị Thu Thanh (32 tuổi), trú quận Tân Bình (TPHCM) thuê có dấu hiệu nghi vấn nên ra hiệu dừng xe để kiểm tra thì phát hiện trên xe có các em nhỏ người dân tộc H’rê.

Vợ chồng Tiến khai nhận có móc nối với Phạm Văn Tha (20 tuổi) ở xã Ba Tô, người từng làm công cho Tiến và Thanh để tìm kiếm thêm người làm cho quán ăn tại TPHCM nên Tha đã lôi kéo Phạm Văn Grat (15 tuổi), Phạm Văn Quế (14 tuổi) học sinh lớp 8 Trường THCS Ba Tô và Phạm Văn Hút (18 tuổi) bỏ học vào TPHCM.

Trước đó, vào năm 2004, Phạm Thị Tanh (28 tuổi), trú xã Ba Vì (Ba Tơ) bị lừa sang Trung Quốc để phụ nghề buôn bán tạp hóa cho một người Trung Quốc và trở thành gái mại dâm tại Trung Quốc. Ấm ức vì bị lừa bán, lại vừa muốn có tiền tiêu xài, năm 2008 Tanh cấu kết với một số đối tượng người Việt đang sinh sống tại Trung Quốc trở về Việt Nam móc nối với các đối tượng trong nước lập đường dây dụ dỗ và bán người sang Trung Quốc.

Theo hồ sơ của cơ quan Công an huyện Ba Tơ, từ tháng 8-2008 đến 9-2008, Tanh và đồng bọn đã thực hiện 2 vụ bán người sang Trung Quốc. Sau đó, Tanh tiếp tục về Ba Tơ và Sơn Hà tìm những phụ nữ, trẻ em nhẹ dạ, cả tin để dụ dỗ và bán tiếp. Khi chuẩn bị đưa 2 phụ nữ lên xe sang Trung Quốc thì bị công an phát hiện bắt giữ tại xã Đức Lân (huyện Mộ Đức). Phạm Thị Tanh sau đó bị phạt 18 năm tù giam, Trương Văn Thành 17 năm tù giam, Phạm Văn Thào và Phạm Thị Sô mỗi người 15 năm tù giam về tội buôn bán người.

Hầu hết, người dân 6 huyện miền núi Quảng Ngãi trình độ dân trí còn thấp, việc tiếp cận với các thông tin về lừa đảo, dụ dỗ của các đối tượng buôn người cũng như bóc lột sức lao động còn nhiều hạn chế nên đến khi biết mọi việc đã muộn.

Ông Cao Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Quảng Ngãi, cho rằng, ông có nghe một số vụ việc liên quan đến tuyển dụng lao động gặp “sự cố” thời gian qua. Tuy nhiên, việc giữa người lao động và người tuyển dụng lao động chỉ thỏa thuận bằng miệng ,không hề thông qua cơ quan chức năng có thẩm quyền nào nên rất khó xử lý. Sở đã có nhiều văn bản gửi về các huyện yêu cầu Phòng LĐTB-XH triển khai đến các xã để người dân hiểu rõ và cảnh giác.

Hà Minh

Tin cùng chuyên mục