100 khu, cụm công nghiệp

“Vô tư” xả nước thải ra sông Hậu!

Hầu hết nước thải chưa qua xử lý của các nhà máy sản xuất ở 100 khu - cụm công nghiệp tại ĐBSCL được tuồn thẳng ra sông rạch và chảy về sông Hậu khiến môi trường ô nhiễm đến mức báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của rất nhiều hộ dân…

Hầu hết nước thải chưa qua xử lý của các nhà máy sản xuất ở 100 khu - cụm công nghiệp tại ĐBSCL được tuồn thẳng ra sông rạch và chảy về sông Hậu khiến môi trường ô nhiễm đến mức báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của rất nhiều hộ dân…  

Vượt mức cho phép 2.200 lần

Tỉnh An Giang hiện có 13 nhà máy chế biến thủy sản hoạt động, trong đó chỉ có 8 nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Kết quả quan trắc mới nhất của Sở Tài nguyên và môi trường An Giang cho thấy: Mặc dù các nhà máy có hệ thống xử lý nước thải nhưng chất lượng nước thải đầu ra vẫn không đảm bảo chất lượng TCVN 5945 (tiêu chuẩn chất thải đối với nước thải công nghiệp).

Riêng chỉ tiêu vi sinh Coliforms, trong 4 nhà máy được giám sát thì có 2 nhà máy vượt TCVN từ 920 đến 2.200 lần, cao nhất là nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nam Việt. Nguyên nhân là dù các đơn vị này đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng lại không đảm bảo kỹ thuật vận hành (không vận hành liên tục làm các vi sinh vật trong bể xử lý suy yếu và chết) hoặc hệ thống xử lý hiện tại không đáp ứng nhu cầu.

Đáng quan ngại nhất là trong cụm công nghiệp Mỹ Quý -TP Long Xuyên, 6 nhà máy sản xuất thủy sản hoạt động, thải ra khoảng 5.000 m3 nước thải/ngày đêm nhưng chỉ có 1.700m3 qua hệ thống xử lý. Số còn lại được tuồn thẳng ra sông, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Tại cụm công nghiệp mới ở huyện Thốt Nốt (Cần Thơ), dù mới đi vào hoạt động nhưng Công ty TNHH Đại Tây Dương đã gặp sự phản ứng dữ dội từ phía người dân và chính quyền địa phương vì gây ô nhiễm môi trường. Công ty này thải ra sông Hậu từ 5m3 đến 7m3 nước thải (không qua xử lý)/tấn nguyên liệu. Đây là doanh nghiệp chế biến cá tra, basa xuất khẩu với công suất 200-300 tấn/ngày.

 10 năm vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải

Dù đã ra đời 10 năm nhưng hầu hết các khu công nghiệp tập trung ở ĐBSCL hiện nay đều chưa có hoặc chưa đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ông Phạm Đình Đôn - Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ cảnh báo: “Mỗi năm có gần 50 triệu m3 nước thải công nghiệp chủ yếu từ các khu công nghiệp chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra môi trường. ĐBSCL còn 30% hộ gia đình chưa có nước sạch sinh hoạt, phải dùng nước kênh rạch trong khi nguồn tài nguyên nước mặt ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng”.

TP Cần Thơ có 4 KCN và tất cả vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong số 73 dự án đang hoạt động trong các KCN, có 52 đơn vị sản xuất các ngành chế biến nông thủy sản, lương thực thực phẩm, thức ăn gia súc… có “vấn đề” về môi trường.

Suốt thời gian dài, hàng ngàn cư dân khu vực phường Trà Nóc (quận Bình Thủy) và phường Phước Thới (quận Ô Môn) gần KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 phải sống chung với ô nhiễm, sử dụng nguồn nước bẩn trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

Chúng tôi đến rạch Sang Trắng chứng kiến cảnh dòng nước đen ngòm, đặc quánh, kèm theo mùi hôi nồng nặc… Trạm y tế phường Trà Nóc hàng tháng tiếp nhận và điều trị gần 1.000 trường hợp bệnh viêm đường hô hấp và các bệnh do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Các ngành chức năng của thành phố Cần Thơ đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc Luật Môi trường. Nhưng khi đoàn kiểm tra rút lui thì nhiều doanh nghiệp vẫn phớt lờ và nước thải chưa qua xử lý tiếp tục đổ ra sông… Trong khi đó, Ban quản lý các KCX-KCN Cần Thơ cho biết: Cần khoảng 2 triệu USD để xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 12.000 m3/ngày đêm cho khu công nghiệp Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2. Cần Thơ đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vốn xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì....


Bình Đại

Tin cùng chuyên mục