Trong cuộc sống thường ngày, có rất nhiều cán bộ hội phụ nữ cơ sở làm công tác hội với tất cả tấm lòng, trách nhiệm và cái tâm vốn có của người phụ nữ Việt Nam. Họ đã gieo vào cuộc sống niềm tin, sự khát vọng, giúp cho những chị em khác có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Khi cán bộ hội đi đầu
Ở tuổi 89, má Nguyễn Thị Cẩm (sống ở khu phố 2, phường 2, quận 3, TPHCM) vẫn miệt mài với các hoạt động của hội phụ nữ khu phố và hội khuyến học phường.
Nhìn cách má Cẩm đến với chị em gặp hoàn cảnh khó khăn trong khu phố mới thấy hết cái tâm của người cán bộ hội lão thành ấy. Chính sự gần gũi, chân tình của má mà hầu hết người dân trong khu phố đều gọi với cái tên thân thương: má Cẩm. Mấy tháng trước, khi nghe tin chồng cô Kiều mất, biết cô Kiều sẽ buồn, hụt hẫng, ủ rũ, vậy là má Cẩm thường xuyên qua lại nhà cô Kiều để trò chuyện, rủ cô Kiều qua nhà mình để nấu ăn, xách qua cho cô vài trái chuối, bó rau sạch… Rồi khi thấy có chị em nào đau bệnh, sinh đẻ mà thiếu thốn tiền bạc là má Cẩm lại có mặt để thăm hỏi và gửi ít quà động viên. Với má Cẩm, làm cán bộ hội thì phải nhiệt tình, đi đầu trong các phong trào và nhất là có ý thức tự hào mình là phụ nữ. “Để mỗi phong trào khi vận động chị em đều hưởng ứng thì trước hết mình phải làm gương. Dù là việc nhỏ nhất cũng phải đặt cái tâm vào đó mà làm. Có như vậy mới làm tốt và được chị em tin tưởng, làm theo”, má Cẩm chia sẻ.
Để vận động chị em thực hiện phong trào 5 không, 3 sạch thì trong gia đình mình, má Cẩm thực hiện rất nghiêm túc. Đến nhà má, ai cũng thấy được một không gian xanh thoáng mát và rất sạch sẽ, gọn gàng. Theo má Cẩm, để thu hút chị em, đưa các phong trào đi vào thực tiễn thì rất đơn giản. Cán bộ hội hãy cứ gần gũi, làm bằng chính cái tâm, việc làm cụ thể, giản đơn thì tất chị em sẽ theo.
Má Cẩm với bằng khen danh hiệu Phụ nữ xuất sắc
Giúp nhau cùng tiến bộ
Làm công tác hội phụ nữ hơn 6 năm, chị Nguyễn Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 24, quận Bình Thạnh (TPHCM), luôn trăn trở với những hoàn cảnh của chị em trên địa bàn, nhất là đối với những chị em vừa tái hòa nhập cộng đồng. Với suy nghĩ đây là những người phụ nữ vừa vượt qua cuộc sống khó khăn để làm lại cuộc đời, họ rất cần được hỗ trợ, nên tại địa phương, khi biết tin có chị em nào tái hòa nhập là chị tìm đến. Lần đầu đến để làm quen, có khi bị đuổi thẳng, chị không nản lòng mà hôm sau lại đến để mang một câu chuyện khác kể cho chị em nghe. Cứ thế, bên cạnh các hoạt động chăm lo cho hội viên, chị em phụ nữ thì khi rảnh, chị lại dành thời gian gần gũi các chị vừa tái hòa nhập. Rồi khi đã thân quen, nhận được sự tin tưởng, chị Kim Lan bắt đầu vận động chị em đi sinh hoạt hội, giúp họ vượt qua mặc cảm, hòa cùng cuộc sống mới và hỗ trợ họ có cái nghề để buôn bán, làm ăn. “Với mỗi hoàn cảnh phải dùng cách khác nhau. Quan trọng nhất là sự đồng cảm và kiên nhẫn để giúp chị em nhận ra dù thế nào họ vẫn còn có hội phụ nữ để tìm đến chia sẻ”, chị Kim Lan bày tỏ.
Với cô công nhân trẻ hoạt động rất tích cực trong phong trào nữ công của Công ty TNHH Sanofi Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Phương, thì chính hoạt động phong trào đã giúp Phương trưởng thành hơn. Bản thân là công nhân trực tiếp sản xuất, Phương tích cực học hỏi để đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong các phong trào, Phương nhiệt tình, sáng tạo để thu hút chị em. Phương chia sẻ rằng làm việc, sinh hoạt cùng mọi người cũng chính là cách giúp em học hỏi thêm từ các anh chị đồng nghiệp. “Để được bình đẳng giới, trước hết phụ nữ phải tích cực học tập, lao động để khẳng định bản thân. Là phụ nữ trẻ thì càng phải phấn đấu nhiều hơn để làm sao có thể hài hòa giữa công việc, cuộc sống gia đình và phấn đấu đến mục tiêu chung vì sự phát triển, hạnh phúc của phụ nữ. Và em tin, em cũng như các chị em khác, nếu có phấn đấu thì sẽ làm được”, Ngọc Phương cho biết.
| |
HỒNG HẢI