Voi Tây Nguyên tuyệt chủng?

Câu chuyện tê giác một sừng ở Cát Tiên bị tuyệt chủng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật quý hiếm khác, trong đó có voi Tây Nguyên. Những con voi nhà cuối cùng của Tây Nguyên ở Đắc Lắc đang chết dần, chết mòn… Trong khi đó, dự án bảo tồn voi còn nhiều trắc trở nên triển khai chưa được bao nhiêu.
Voi Tây Nguyên tuyệt chủng?

Câu chuyện tê giác một sừng ở Cát Tiên bị tuyệt chủng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật quý hiếm khác, trong đó có voi Tây Nguyên. Những con voi nhà cuối cùng của Tây Nguyên ở Đắc Lắc đang chết dần, chết mòn… Trong khi đó, dự án bảo tồn voi còn nhiều trắc trở nên triển khai chưa được bao nhiêu.

Voi vẫn là “những người bạn lớn” của người dân Tây Nguyên, nhưng bây giờ voi không còn được thảnh thơi như ngày xưa. Hàng ngày, voi nhà ở Đắc Lắc phải ra sức lao động nuôi chủ bằng những công việc nặng nhọc như: chở khách du lịch, kéo gỗ, chở hàng hóa… Vì thế, voi bị vắt kiệt sức và không còn thời gian để “yêu nhau” và tự bảo tồn dòng giống nữa.

Bài 1: Voi chết dần, chết mòn…

Chú voi Béc Khăm của Đắc Lắc bị sát hại lấy ngà ở khu du lịch Nam Qua (TP Đà Lạt, Lâm Đồng).

Chú voi Béc Khăm của Đắc Lắc bị sát hại lấy ngà ở khu du lịch Nam Qua (TP Đà Lạt, Lâm Đồng).

Vắt sức voi nhà

Từ đầu năm đến nay, hơn 10 con voi nhà ở Đắc Lắc đã chết, đưa số lượng voi của tỉnh này giảm xuống còn 52 con. Voi nhà chết chủ yếu do bị sát hại lấy ngà (như voi Pắc Kú, Béc Khăm) và lông đuôi, do tuổi cao, do bệnh và bị vắt kiệt sức.

Để sở hữu một con voi, mỗi chủ voi phải bỏ ra số tiền khoảng 350 - 500 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ và con voi buộc phải làm ra tiền để nuôi lại chủ. Có hai cách để voi kiếm tiền nhiều nhất là chở khách du lịch và chở gỗ lậu.

Hiện nay, voi nhà Đắc Lắc tập trung chủ yếu ở huyện Lắc và Buôn Đôn, nơi có khu du lịch cùng truyền thống săn bắt voi. Hầu hết, khách du lịch khắp nơi đến đây đều muốn cưỡi voi một lần để chụp ảnh hay đi dạo. Vì thế, dịch vụ voi chở khách du lịch đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho chủ voi.

Chủ voi kiêm nài voi Y Lư (ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), có một con voi tên Bun Nhăng (58 tuổi) ký hợp đồng vận chuyển khách du lịch cho Trung tâm du lịch Buôn Đôn với tỷ lệ ăn chia 50/50 đã được 5 năm và mỗi tháng cho thu nhập bình quân khoảng 1,5 triệu đồng.

“Một tháng tôi chở khách cho trung tâm 1 tuần, thời gian còn lại thả voi vào rừng. Nương rẫy chả có bao nhiêu, vì thế Bun Nhăng phải làm để nuôi cả gia đình tôi”, Y Lư tâm sự.

Khi tôi hỏi: “Lúc rảnh rỗi có đưa voi vào rừng chở gỗ không?”. Y Lư bối rối trả lời: “Không có đâu! Không dám đâu!”.

Cả năm, Trung tâm du lịch Buôn Đôn chỉ có hai mùa đông khách, đó là vào dịp hè và ra tết. Vào mùa đó, chủ voi đưa voi chở khách du lịch sẽ có thu nhập khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng. Những tháng còn lại, khách du lịch thưa thớt, thu nhập giảm còn khoảng 1,5 triệu đồng/tháng và nhiều chủ voi tìm cách đưa voi vào rừng chở gỗ lậu để kiếm thêm tiền nuôi gia đình.

Ông Nguyễn Đức, Trưởng bộ phận Trung tâm du lịch Buôn Đôn, cho rằng: “Lâu nay, ai cũng nghĩ voi Đắc Lắc bị vắt kiệt sức do chở khách du lịch. Nhưng hiện nay, nhiều chủ voi còn đưa voi chở gỗ lậu thay xe máy. Thực ra, công việc này đã vắt kiệt sức voi chứ voi chở khách du lịch có nặng bao nhiêu đâu? Mỗi tháng chúng tôi chỉ thuê voi chở khách du lịch có một tuần, 3 tuần còn lại họ đi chở gỗ cho các đầu nậu nên voi mới nhanh xuống sức”.

Voi rừng hết đất sống?

Trong lúc đó, hoàn cảnh của voi rừng Đắc Lắc cũng không có gì may mắn hơn vì đất sống ngày càng bị thu hẹp. Voi rừng thường xuất hiện ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’leo, nhưng đây là những điểm nóng phá rừng của Đắc Lắc.

Trong đợt khảo sát mới đây của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tây Nguyên, họ dự đoán voi rừng Đắc Lắc còn khoảng 80 - 110 con, sinh sống khá an toàn trên 159.814ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’leo.

PGS-TS Bảo Huy, Phó trưởng Khoa Nông lâm Đại học Tây Nguyên, cảnh báo: “Với diện tích cư trú an toàn cho voi rừng Đắc Lắc như thế có thể xem là tối thiểu và ở huyện Ea Súp voi rừng đã phải di chuyển qua các khu canh tác của dân để tìm kiếm thức ăn từ cây trồng nông nghiệp. Nếu diện tích rừng tiếp tục bị giảm sút thì nguy cơ xung đột giữa voi và người sẽ gia tăng, đồng thời voi rừng Đắc Lắc có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng”.

Đúng như cảnh báo trên và năm nào người ta cũng phát hiện được khoảng trên 5 con voi rừng bị chết ở Đắc Lắc.

“Có một thực tế đáng buồn, nhiều lúc voi rừng phá hoại hoa màu của người dân không chỉ để ăn mà dường như nó muốn “trả thù” con người. Rừng bị thu hẹp, voi thiếu đất sống và tất nhiên nó cũng bị “stress”. Dù ở nước ta chưa có ai nghiên cứu vấn đề này, nhưng khả năng voi tức giận, trả thù con người là có”, PGS-TS Bảo Huy nhận định.

Mới đây, vào rạng sáng 2-9, một đàn voi rừng hơn 30 con xuất hiện tại tiểu khu 418 thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn và húc đổ một số cột mốc chỉ dẫn dọc tỉnh lộ 16 của Đắc Lắc. Rõ ràng, những cột mốc này không ảnh hưởng gì đến con đường di chuyển của voi rừng nhưng tại sao nó vẫn húc đổ?

Theo PGS-TS Bảo Huy, chỉ có hai khả năng xảy ra, đó là voi rừng tức giận khi thấy “vật thể lạ” hoặc nó “trút giận vào cột mốc” khi đất sống bị thu hẹp.

Hai con voi bị kẻ gian chặt đuôi lấy lông.

Hai con voi bị kẻ gian chặt đuôi lấy lông.

Không còn cơ hội sinh sản

Theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Tây Nguyên, trong 30 năm trở lại đây có 7/37 con voi cái được nuôi đã sinh sản. Như vậy, khả năng sinh sản của voi nhà Đắc Lắc tuy có nhưng tỷ lệ rất thấp (0,6%/năm). Tuy nhiên, thời gian gần đây, hầu như không thấy voi nhà sinh sản vì môi trường gặp gỡ giữa voi đực và voi cái rất hạn chế.

TS Cao Thị Lý, Khoa Nông lâm Đại học Tây Nguyên, cho biết: “Chủ của voi đực thường không được hưởng lợi trong việc voi sinh sản, đôi khi phải chịu trách nhiệm khi voi đực giao phối làm voi cái bị thương nên họ quản lý voi độc lập, ít thả cho chúng gần nhau nên đã hạn chế khả năng sinh sản của voi”.

Nài voi Y Lư tâm sự: “Voi cũng có tình cảm như con người, vì thế phải có nơi kín đáo cho voi đực, voi cái gặp gỡ. Bây giờ rừng còn ít quá, lấy đâu chỗ cho voi “yêu nhau” mà sinh sản”. Trong số 52 con voi nhà hiện nay, chỉ có khoảng 30 con thuộc sở hữu của người dân địa phương, còn lại thuộc các công ty du lịch và vườn quốc gia. Việc nuôi dưỡng voi tốn kém và giá trị sử dụng đối với người dân lại thấp, do đó họ sẽ tiếp tục bán cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh du lịch. Lúc đó, voi trở thành “món hàng kinh doanh” đem lại lợi nhuận cho chủ và không còn thời gian gần nhau để sinh sản.Voi nhà đã thế, khả năng sinh sản của voi rừng cũng không mấy khả quan.

Theo TS Cao Thị Lý, trong khoảng 80 - 110 con voi rừng Đắc Lắc, nhóm nghiên cứu Đại học Tây Nguyên cũng chỉ phát hiện khoảng 7 - 10 chú voi con. Như vậy, khả năng sinh sản của voi rừng cũng đã ít đi. Voi không sinh sản nữa nên không có thế hệ mới để thay thế, còn thế hệ này đang chết dần, chết mòn. Vì thế, nguy cơ voi Tây Nguyên tuyệt chủng đang đến rất gần.

Công Hoan


Bài 2: Bảo tồn voi trên… giấy!

Số lượng voi nhà và voi rừng Đắc Lắc đang suy giảm từng ngày, trong khi dự án bảo tồn voi chỉ mới hình thành được “bộ khung hành chính” và chưa triển khai được công việc gì cả. Bao giờ mới lập được trung tâm bảo tồn voi cho Đắc Lắc? Đó vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Dự án: Chậm trễ

Tháng 11-2010, UBND tỉnh Đắc Lắc phê duyệt dự án bảo tồn voi với kinh phí 61 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 13,988 tỷ đồng, của trung ương 40,252 tỷ đồng và vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế 6,77 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là bảo tồn nguồn gien voi đang có tại địa phương để phục vụ yêu cầu dự trữ nghiên cứu khoa học, xây dựng các khu rừng bảo tồn voi, quản lý bền vững quần thể đàn voi hoang dã và phát triển đàn voi nhà.

Dự án cũng xây dựng một trung tâm bảo tồn gồm: cơ sở chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu khả năng sinh sản cho voi; bảo tồn, ổn định vùng cư trú đàn voi rừng; giám sát, hạn chế mâu thuẫn giữa voi với con người; duy trì các hoạt động liên quan đến truyền thống lịch sử cộng đồng dân tộc ít người gắn với voi, lễ hội voi... Ngoài ra, dự án sẽ thành lập 2 trạm bảo tồn voi ở huyện Ea Súp (nơi voi rừng xuất hiện) và huyện Lắc (nơi có voi nhà khá nhiều).

Nhưng sau gần một năm triển khai, đến nay Đắc Lắc mới chỉ thành lập được bộ khung hành chính của trung tâm bảo tồn voi và thuê tạm 2 phòng khách của nhà khách Vườn quốc gia Yok Đôn (đường Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột) để làm việc.

Lý giải nguyên nhân chậm trễ, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc, cho biết: “Trong thời gian qua, Nhà nước cắt giảm đầu tư công nên hiện nay trung tâm chưa có được nguồn vốn đầu tư từ trung ương. Bộ máy chỉ có 5 nhân viên từ các ban ngành trong tỉnh chuyển về và hoạt động bằng ngân sách địa phương. Vì chờ vốn nên trung tâm chưa triển khai được công việc gì cả”.

Nếu không được bảo tồn kịp thời, Hội đua voi Đắc Lắc sẽ chỉ còn là truyền thuyết.

Nếu không được bảo tồn kịp thời, Hội đua voi Đắc Lắc sẽ chỉ còn là truyền thuyết.

Dự án bảo tồn voi được thực hiện trong thời gian 2010-2014, nhưng hiện nay đã bước sang cuối năm 2011, nếu không triển khai ngay thì chưa biết đến bao giờ Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc mới hoạt động. “Voi Đắc Lắc đang giảm dần, nếu chúng ta không đầu tư cho trung tâm hoạt động ngay thì có khi voi tuyệt chủng rồi mới bảo tồn. Vụ tê giác một sừng ở Cát Tiên tuyệt chủng đã báo động cho chúng ta điều đó” - ông Luân trăn trở.

Bảo tồn: Không dễ

Theo dự án, Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc sẽ được xây dựng trên diện tích 200ha tại tiểu khu 501 của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ông Huỳnh Trung Luân cho biết: “Tỉnh vừa thỏa thuận với Vườn Quốc gia Yok Đôn trình Bộ NN-PTNT phê duyệt chuyển đổi 200ha của vườn, cho nên nhanh nhất cũng phải đến năm 2012 mới có đất để xây dựng trung tâm”. Về nhân sự điều hành, ngay cả Giám đốc Huỳnh Trung Luân cũng chỉ mới trải qua công việc bảo tồn cây chứ chưa một ngày làm công việc bảo tồn động vật, nhất là bảo tồn voi.

PGS-TS Bảo Huy, Phó khoa Nông lâm Đại học Tây Nguyên, cho rằng: “Chỉ có 200ha đất rừng để bảo tồn voi nhà, nhưng mất 100ha xây dựng bệnh viện voi và các công trình làm việc khác. Còn lại 100ha để chăn thả voi thì chắc chắn không đủ không gian cho voi sinh sống và gặp gỡ để sinh sản”. Trong khi đó, đất xây dựng trung tâm và đội ngũ chuyên môn được đào tạo bài bản cũng chưa có.

Nhưng cái khó không chỉ ở đó, cái khó chính là việc thuyết phục được chủ voi đưa vào trung tâm để bảo tồn. Hiện nay, một con voi nhà nuôi sống gia đình chủ voi với thu nhập 1,5 - 5 triệu đồng/tháng. Bởi thế, muốn người dân đưa voi vào trung tâm thì nhà nước phải hỗ trợ thu nhập cho họ trong khoảng đó.

Chủ voi Yo Mút (ở xã Đắc Liêng, huyện Lắc) nói: “Mình cũng muốn Bặc Nang (tên con voi cái của Yo Mút - PV) vào trung tâm cho nó sinh sản để duy trì nòi giống. Nhưng để xem đã, nếu nhà nước không hỗ trợ tiền thì mình không cho nó vào đâu”.

Còn với các công ty du lịch, chắc chắn họ cũng không mặn mà khi đưa voi vào trung tâm vì đó là sản phẩm du lịch để họ thu hút du khách. Ông Huỳnh Trung Luân cũng thừa nhận: Việc thuyết phục đưa voi vào trung tâm để bảo tồn không dễ và nhà nước phải hỗ trợ thu nhập cho chủ voi. Nhưng hỗ trợ thế nào, đến nay trung tâm cũng chưa nghe nhắc đến.

Còn để bảo tồn voi rừng, cái khó chính là việc duy trì sinh cảnh cho chúng. Trong vùng đất voi thường xuất hiện ở huyện Ea Súp, hiện nay đang là nơi các công ty lâm nghiệp Ya Lốp, Ya Mơ và Cư M’lanh quản lý, khai thác. PGS-TS Bảo Huy cho rằng: “Muốn duy trì được sinh cảnh cho voi rừng, chúng ta phải dừng việc khai thác gỗ tại các công ty này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nên hạn chế việc chuyển đổi rừng khộp để trồng cao su vì rừng khộp là sinh cảnh của voi rừng”.

Để làm được việc này cũng không dễ vì các công ty lâm nghiệp cũng phải khai thác, cũng phải chuyển đổi rừng làm kinh tế nộp ngân sách Nhà nước. Vì thế, chắc chắn cũng phải bỏ ngân sách hỗ trợ họ khi bắt họ “đóng cửa rừng” cho voi sinh sống. Còn 20 dự án chuyển đổi rừng khộp trồng cao su ở huyện Ea Súp, chắc chắn tỉnh cũng không thu hồi được vì đã giao cho các doanh nghiệp cả rồi! Bởi thế, có thành lập được trung tâm để theo dõi hay giám sát, voi rừng cũng không còn đất sống nữa!

Như vậy, công việc bảo tồn voi Đắc Lắc (nơi có voi nhiều nhất Tây Nguyên và cả nước) vẫn đang còn ở trên giấy và chưa thấy triển vọng thực hiện nào đáng kể. Vì thế, nguy cơ voi nhà Đắc Lắc nối bước tê giác một sừng Cát Tiên tuyệt chủng đã rất gần. Nếu tiếp tục bảo tồn theo kiểu tà tà như thế này, voi Đắc Lắc đến lúc chỉ còn là truyền thuyết. 

Công Hoan

Tin cùng chuyên mục