Vụ 80.000 ống thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng: Có thành phần hóa chất bị cấm dùng

(SGGP).- Ngày 3-12, liên quan tới việc lực lượng chức năng phát hiện hơn 80.000 ống thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng, có in nhãn mác Trung Quốc, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã tiến hành phân tích chất độc hại trong loại thuốc kích tăng trưởng này.

Kết quả phân tích cho thấy thành phần chủ yếu trong các ống thuốc tăng trưởng trên là chất 6-BA (6-Benzylaminopurine) và một lượng nhỏ chất pCPA được pha chế trong môi trường kiềm. Hai chất này là chất kích thích tăng trưởng thực vật, có tác dụng kích, thúc sự nảy mầm và sinh trưởng của cây trồng, đồng thời kìm hãm sự phát triển của rễ, thúc đẩy hình thành mầm hoa và nở hoa, quá trình tạo quả và sinh trưởng của quả. Các chất trên không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Nguy hiểm hơn, trong các lọ thuốc kích thích tăng trưởng trên có chứa hàm lượng kiềm cao nên nếu tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người có thể gây bỏng da, hỏng mắt. Nếu nuốt hay hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp.

Cũng liên quan tới vụ việc này, mới đây, Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội (BCĐ 127) đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật gửi mẫu đến đơn vị được chỉ định của Bộ NN-PTNT để khẩn trương xác định thành phần, độc tính của hóa chất trong lô hóa chất bị bắt giữ.

Trước đó, vào rạng sáng 13-11, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49), Công an Hà Nội phối hợp Đội quản lý thị trường số 11 đã phát hiện và bắt giữ lô thuốc nghi là thuốc kích thích cây trồng tại khu vực ga Yên Viên. Lô thuốc có số lượng lên tới 80.000 ống (2ml/ống), dạng lỏng trong suốt, được in nhãn hiệu ngoài bao bì bằng tiếng Trung Quốc, không có tem nhãn phụ, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Qua khai thác, lái xe vận chuyển số thuốc trên khai nhận định vận chuyển vào các tỉnh thành phía Nam để bán cho các cơ sở sản xuất giá đỗ.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục