Vụ án trẻ em Libya bị lây nhiễm HIV: Các thầy thuốc thoát án tử hình

Vụ án trẻ em Libya bị lây nhiễm HIV: Các thầy thuốc thoát án tử hình

Hội đồng Tư pháp tối cao Libya ngày 17-7 đã quyết định dỡ bỏ án tử hình với 6 người nước ngoài (1 bác sĩ người Palestine và 5 y tá người Bulgaria) về tội sai sót trong việc truyền máu, gây lây nhiễm HIV cho 426 trẻ em Libya. Quyết định được đưa ra sau khi các gia đình đồng ý với khoản bồi thường 1 triệu USD cho mỗi trẻ, theo một thỏa thuận “lịch sử” với Chính phủ Bulgaria.

Mỗi gia đình nạn nhân: 1 triệu USD

Vụ án trẻ em Libya bị lây nhiễm HIV: Các thầy thuốc thoát án tử hình ảnh 1

Các bị cáo tại phiên tòa

Theo phán quyết của Hội đồng Tư pháp tối cao Libya, 6 nhân viên y tế sẽ được giảm án tử hình xuống tù chung thân. Theo luật pháp Libya, Hội đồng Tư pháp tối cao có quyền giữ nguyên, sửa đổi hoặc lật ngược phán quyết của Tòa án Tối cao. Trước đó, ngày 11-7, Tòa án tối cao Libya đã phán quyết y án tử hình với 6 nhân viên y tế trên. Tuy nhiên, đến ngày 16-7, Hội đồng Tư pháp tối cao đã hoãn phán quyết bản án tử hình sau khi các gia đình nạn nhân chấp nhận khoản bồi thường tổng cộng 460 triệu USD. Cho tới nay đã có 56 trẻ em tử vong và số nạn nhân liên quan vụ bê bối này đã tăng lên gần 460, do một số bà mẹ bị lây nhiễm HIV từ con mình.

Quyết định này có thể sẽ dọn đường cho một thỏa thuận khác (có thể trong ngày hôm nay), theo đó Chính phủ Libya sẽ chuyển giao các bị cáo trên về Bulgaria, nơi họ có thể sẽ được trả tự do. Cho đến nay, Bulgaria vẫn khẳng định các nhân viên y tế của họ vô tội. Phát biểu với các phóng viên sau sự kiện trên, Ngoại trưởng Bulgaria Ivailo Kalfin nói: “Phán quyết này là một bước đi lớn... Đối với chúng tôi, vụ việc này sẽ kết thúc một khi họ (những người bị kết án) trở về Bulgaria”.

Những tranh cãi còn lại

Một số nguồn tin cho rằng, Libya cứng rắn trong vụ này nhằm gây sức ép buộc Bulgaria phải xóa khoản nợ 300 triệu USD của nước này. Nhật báo Le Figaro của Pháp đưa tin, trước đó, một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố có thể xóa nợ cho Libya để hỗ trợ giải quyết vụ việc.

Sáu nhân viên y tế nước ngoài, bị giam giữ trong nhà tù Libya từ năm 1999 tới nay, luôn phản đối cáo buộc về tội gây nhiễm HIV cho 426 trẻ em Libya. Sau khi họ bị tuyên án tử hình tháng 12-2006, có 114 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel cùng ký vào một bức thư gửi tới nhà lãnh đạo Libya kêu gọi một phiên tòa công bằng. Hiệp hội Dược thế giới (WMA) và Hội đồng Y tá quốc tế (ICN) đều cho rằng phán quyết này đi ngược lại các bằng chứng khoa học.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 1999 cũng cho rằng: “Tình trạng lây nhiễm HIV tại Bệnh viện El Fath là do từ nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau”. Chuyên gia của WHO lưu ý, việc thiếu các trang thiết bị như tủ lưu giữ tiêm, máy khử trùng, lò đốt rác, găng bảo vệ..., đặc biệt là việc sử dụng kim truyền tĩnh mạch hay sử dụng ống tiêm chung mà không có biện pháp khử trùng thích hợp, có thể chính là nguyên nhân gây lây nhiễm.

HẠNH CHI
(theo Reuters, AP, BBC)

Thông tin liên quan:

Libya: Hơn 400 trẻ em nhiễm HIV sang châu Âu điều trị

Tin cùng chuyên mục