Vụ “ém” 1.441 tỷ đồng của doanh nghiệp: Chi cục thuế có “sờ” được tiền?

Gần đây nhiều bạn đọc gọi đến Trang Chống hàng gian hàng giả Báo SGGP bức xúc trước thông tin Chi cục thuế quận 1 “ém” 1.441 tỷ đồng của doanh nghiệp trong suốt 5 năm qua. Để mở rộng đường dư luận, chúng tôi đã tìm hiểu cụ thể sự việc như sau:
Vụ “ém” 1.441 tỷ đồng của doanh nghiệp: Chi cục thuế có “sờ” được tiền?

Gần đây nhiều bạn đọc gọi đến Trang Chống hàng gian hàng giả Báo SGGP bức xúc trước thông tin Chi cục thuế quận 1 “ém” 1.441 tỷ đồng của doanh nghiệp trong suốt 5 năm qua. Để mở rộng đường dư luận, chúng tôi đã tìm hiểu cụ thể sự việc như sau:

Tài khoản kho bạc: không lãi!

Nhiều người bức xúc rằng, số tiền thuế được doanh nghiệp nộp vào tài khoản và cộng dồn qua 5 năm (2007- 2011) lên đến 1.441 tỷ đồng, nếu số tiền này đem gởi ngân hàng, lấy lãi thì cán bộ thuế… giàu to. Thế nhưng, sau khi kiểm tra sự việc, lãnh đạo Cục thuế TPHCM giải thích rằng, trong hoạt động nghiệp vụ, cơ quan thuế cung cấp cho doanh nghiệp 2 số tài khoản để doanh nghiệp nộp thuế.

Với cơ chế doanh nghiệp “tự tính, tự khai, tự nộp thuế”, nếu doanh nghiệp tự tính chính xác thì nộp thẳng vào tài khoản nộp thuế - gọi là tài khoản 741; nếu số tiền doanh nghiệp tính chưa chính xác, cần thời gian chỉnh sửa, nhưng tránh bị trễ hạn nộp thuế (ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính, tạm nộp hàng quý), doanh nghiệp thường chuyển thuế tạm tính của mình vào tài khoản tạm nộp - gọi là tài khoản 921. Cũng có một số ít trường hợp doanh nghiệp nộp nhầm tài khoản 741 sang 921 hoặc nhiều khoản tiền doanh nghiệp không xác định được nộp cho khoản mục nào thì kê khai nộp vào tài khoản tạm giữ, chờ xác định lại cho đúng; một số khoản tiền mà doanh nghiệp nộp nhưng không ghi đầy đủ thông tin thì kho bạc cũng hoạch toán vào tài khoản 921.

Đại diện doanh nghiệp nộp hồ sơ thuế tại Chi cục thuế quận 1. Ảnh: CAO THĂNG

Đại diện doanh nghiệp nộp hồ sơ thuế tại Chi cục thuế quận 1. Ảnh: CAO THĂNG

Vấn đề quan trọng là cả hai tài khoản 921 và 741 đều của kho bạc Nhà nước quản lý, chứ không phải tài khoản ở ngân hàng. Đã là tài khoản kho bạc Nhà nước thì không có chuyện phát sinh tiền lãi, cũng như không có cán bộ hay nhân viên thuế nào “sờ” được vào số tiền này. Cán bộ thuế chỉ quản lý trên hồ sơ giấy tờ do doanh nghiệp khê khai, cung cấp.

Thực chất, số tiền doanh nghiệp nộp vào 2 tài khoản này đều đã được nhà nước sử dụng, việc phân loại 2 tài khoản chỉ có ý nghĩa về mặt thủ tục hồ sơ giấy tờ. Có nghĩa, số tiền doanh nghiệp nộp vào tài khoản tạm nộp (921), sau đó doanh nghiệp có quyền điều chỉnh và nếu có dôi dư sẽ làm thủ tục chuyển sang kỳ tính thuế sau, còn số tiền nộp vào tài khoản thuế (741) được coi như số thuế chính thức doanh nghiệp nộp, thủ tục xác định lại số thuế gần như không thể hoặc rất phức tạp.

Cuối năm, chậm 1 ngày = trễ 1 năm

Khi dư luận xầm xì chuyện cơ quan thuế “ém” đến 1.441 tỷ đồng với thời gian 5 năm, càng khiến người trong cuộc lẫn doanh nghiệp bức xúc. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng yêu cầu ngành thuế phải tách con số của từng năm, thời gian trễ hạn của từng số thu để làm rõ. Kết quả do Kho bạc Nhà nước sao kê thật bất ngờ: thủ tục chậm 1 ngày (từ ngày 31-12 của năm này sang ngày 1-1 của năm sau) sẽ bị xem trễ 1 năm!

Chi tiết của tài khoản 921 ở kho bạc Nhà nước quận 1 như sau: số dư cuối năm 2007 ở tài khoản tạm nộp là 44 tỷ đồng nhưng chỉ vừa bước sang năm mới, Chi cục thuế đã xác định lại số tiền thuế chính thức với doanh nghiệp và thực hiện chuyển từ tài khoản tạm nộp sang tài khoản nộp thuế (741), nên chỉ trong vòng vài chục ngày sau đó, kết dư ở tài khoản 921 bằng 0 đồng.

Tương tự như vậy, số dư cuối năm 2008 là 98 tỷ đồng, sang tháng 1-2009, Chi cục thuế đã hoàn tất thủ tục chuyển tiền sang tài khoản 741, số dư tài khoản 921 bằng 0 đồng; số dư cuối năm 2009 là 176 tỷ đồng đã được kết sổ ngay sau đó vài ngày, số dư cuối năm 2010 là 566 tỷ đồng cũng đã được kết sổ bằng 0 đồng ngay sau đó, riêng số dư mấy tháng đầu năm 2011 là 444 tỷ đồng (do Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 28/2011/TT-BTC quy định ngành thuế không còn sử dụng tài khoản 921 từ tháng 7-2011), nên đến ngày 7-7-2011, Chi cục thuế đã kết sổ, số dư tài khoản 921 bằng 0 đồng.

Có nghĩa, vào thời điểm cuối năm, cơ quan quản lý nhà nước đều bận rộn, nếu làm hồ sơ thủ tục không kịp, chỉ cần bước sang năm mới 1 ngày thì về mặt lý thuyết, số tiền sẽ bị trễ 1 năm, nhưng thực chất chỉ trễ vài ngày. Theo giải thích của lãnh đạo Cục thuế TP, một nguyên nhân khác, khiến tài khoản 921 phải tồn số dư là những khoản tiền truy thu, các khoản tiền phạt được nộp vào tài khoản tạm nộp, chờ đến khi hết thời hiệu khiếu nại (chẳng hạn 15 ngày, ghi trong quyết định xử phạt) thì cơ quan thuế mới tất toán hồ sơ, chuyển tiền từ tài khoản tạm nộp sang tài khoản nộp chính thức.

Rõ ràng, ở vụ việc này, không có chuyện cán bộ cơ quan thuế cố tình làm chậm trễ hồ sơ để bảo lưu tiền doanh nghiệp tạm nộp vào kho bạc, bởi số tiền trong tài khoản tạm nộp (921) do Kho bạc Nhà nước quản lý, không phát sinh lãi. Mà ở một đơn vị có số thu lớn nhất cả nước như Chi cục thuế quận 1, mỗi năm thu đến hàng ngàn tỷ đồng thì chậm trễ một vài hồ sơ vào thời điểm nóng bỏng cuối năm, nếu ai là dân trong ngành tài chính sẽ dễ thông cảm hơn.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục