Vụ phá mạng lưới rửa tiền toàn cầu Liberty Reserve - Chưa đủ cơ sở nói ngân hàng Việt Nam có tham gia

Cơ quan chức năng của Mỹ vừa công bố phá mạng lưới rửa tiền có quy mô lớn với chân rết tỏa ra toàn cầu. Tâm điểm của đường dây này là Liberty Reserve, một công ty chuyên chuyển ngoại hối và thanh toán trực tuyến đặt trụ sở tại Costa Rica. Điều đáng quan tâm là Việt Nam có một số ngân hàng được mạng Liberty Reserve (LR) nhắc tới như ACB, DongABank, Vietcombank…

Cơ quan chức năng của Mỹ vừa công bố phá mạng lưới rửa tiền có quy mô lớn với chân rết tỏa ra toàn cầu. Tâm điểm của đường dây này là Liberty Reserve, một công ty chuyên chuyển ngoại hối và thanh toán trực tuyến đặt trụ sở tại Costa Rica. Điều đáng quan tâm là Việt Nam có một số ngân hàng được mạng Liberty Reserve (LR) nhắc tới như ACB, DongABank, Vietcombank…

Hôm qua 31-5, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, chưa có cơ sở để nói các ngân hàng Việt Nam có tham gia trực tiếp vào mạng lưới này.

* Phóng viên: Thưa ông, việc LR nhắc tới một số ngân hàng của Việt Nam có đồng nghĩa với việc các ngân hàng có giao dịch “mờ ám” với tổ chức này?

* TS VŨ VIẾT NGOẠN:
Đến thời điểm này chưa có cơ sở để nói các ngân hàng Việt Nam tham gia trực tiếp vào hoạt động chuyển tiền hay không. Trên trang web của LR, có thể họ đưa vào tên tất cả các ngân hàng đã từng có người chuyển tiền. Theo nhận định của tôi, chủ yếu là cá nhân, nếu có chăng nữa ở đâu cũng có thể phát sinh ra chuyện đó. Nhưng qua đây cũng cho thấy, chúng ta cần tăng cường theo dõi giám sát giao dịch thanh toán chặt chẽ, để đảm bảo an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính. Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền. Điều này thể hiện cam kết rất tốt của Việt Nam khi chúng ta hội nhập quốc tế. Nhất là trong điều kiện tài chính toàn cầu hết sức phức tạp.

* Qua vụ việc này có thể thấy Việt Nam rất bị động trong việc kiểm soát dòng tiền?

* Điều đó cũng dễ hiểu. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, ngay cả ở Mỹ cũng tồn tại hoạt động rửa tiền. Các ngân hàng lớn như HSBC, Standard Chartered Bank và các ngân hàng toàn cầu khác, trước đây cũng đã bị phạt hàng tỷ USD vì liên quan đến rửa tiền. Các giao dịch trực tiếp với ngân hàng còn xảy ra những chuyện như vậy. Qua vụ việc này, chúng ta biết để tăng cường phòng tránh, phối hợp với các cơ quan an ninh tài chính trên thế giới. Chúng ta có ý thức, trách nhiệm quản lý mới là quan trọng.

* Các ngân hàng đều khẳng định mình không liên quan đến LR, nhưng có phải là quá khó để tìm chứng cứ khẳng định điều này?

* Trước hết, phải xác định các cá nhân này có mở tài khoản ở ngân hàng hay không và có giao dịch mờ ám qua mạng hay không? Nhưng cuối cùng phải xảy ra chuyện rút tiền, lấy tiền, hai bên thanh toán với nhau. Ở đây chưa nói tới hoạt động cuối cùng bù trừ như thế nào. Các thông tin về hệ thống vừa rồi nói chưa rõ, nhưng tôi hiểu rằng, có thanh toán cuối cùng. Trong những trường hợp này, bao giờ cũng phải có trung gian đứng ra làm chuyện đó. Từ người gửi tiền, qua trung gian đến hệ thống điện tử ảo của LR…, vậy ngân hàng tham gia vào chỗ nào của chuỗi đó? Nếu ngân hàng tham gia với tư cách là một trung gian, người môi giới thì phải có trách nhiệm.

* Như vậy có thể khẳng định việc một cá nhân mở tài khoản ở ngân hàng thì không thể nói là ngân hàng liên quan đến vụ việc này?

* Đúng thế. Có thể hình dung, mình có tài khoản ở ngân hàng Việt Nam, một người có tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc. Người này ăn cắp hàng bên Trung Quốc sau đó bán hàng lấy tiền nộp vào tài khoản bên kia, rồi qua đấy chuyển về Việt Nam mua hàng hóa của bạn bằng việc ký hợp đồng chính thức. Các bạn nhận tiền của tên trộm này có sai phạm không, nếu các bạn không biết rằng đó là tiền ăn cắp? Nhưng nếu các bạn biết đó là tiền ăn cắp, chuyển cho các bạn để thanh toán tiền hàng thì bạn sẽ gặp vấn đề.

* Nhưng trong trường hợp này, ngân hàng có phải chịu trách nhiệm kiểm soát dòng tiền đó không khi biết khách hàng có quan hệ với LR?

* Làm sao mà kiểm soát được. Chỉ biết rằng tiền từ đâu chuyển về, nhưng trong trường hợp này đã chắc gì đã là chuyển tiền từ ngân hàng, mà là một người A nào đó giao tiền cho người giao dịch, còn tất cả tiền LR đều nằm ngoài ngân hàng.

HÀM YÊN (thực hiện)

Ngày 31-5, Vietcombank, ACB, DongABank đều ra thông báo khẳng định không có bất kỳ quan hệ nào với LR. Theo lãnh đạo Vietcombank, ngân hàng này không có bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào với LR. Để đáp ứng nhu cầu chuyển tiền quốc tế của các khách hàng cá nhân, Vietcombank đã mở rộng ký kết hợp đồng hợp tác với các công ty chuyển tiền quốc tế có uy tín bao gồm Money Gram, TNMonex và Uniteller. Đây là những công ty chuyển tiền có uy tín đã được các cơ quan quản lý của Mỹ cấp phép và hoạt động dưới sự kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan này, đảm bảo tuân thủ các quy định về chống rửa tiền của Mỹ.

Lãnh đạo DongA Bank khẳng định không có quan hệ hợp tác với LR. DongA Bank hiện chỉ có quan hệ hợp tác với các đối tác chuyển tiền và ngân hàng đại lý có uy tín trên thế giới. Các đối tác của DongA Bank chịu trách nhiệm tuân thủ và chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan giám sát trong việc tuân theo các quy định về Phòng chống rửa tiền của nước sở tại. Riêng với ACB, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, cho biết sau khi rà soát lại phát hiện có khách hàng liên quan đến LR mở tài khoản tại ACB chi nhánh Hải Dương. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Toại khẳng định: “ACB không hề ký hợp đồng hợp tác với công ty chuyển tiền LR”.

MINH GIANG - HẠNH NHUNG

*****

Bắt nhiều đối tượng mua bán thông tin tín dụng bất hợp pháp

Ngày 31-5, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã phối hợp với Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra bắt khẩn cấp nhiều đối tượng trong đường dây mua bán thông tin thẻ tín dụng bất hợp pháp và tổ chức đánh bạc, lô đề trên mạng. Qua điều tra, cơ quan công an làm rõ thủ đoạn của nhóm tội phạm này là ăn cắp thông tin của các chủ thẻ tín dụng, của các công ty kinh doanh thương mại điện tử và thông tin về các hoạt động giao dịch qua mạng của nhiều công ty trên thế giới, sau đó, bọn chúng bán thông tin về thẻ tín dụng cho các đối tượng sử dụng tại nước ngoài để các đối tượng này rút tiền bất hợp pháp. Bước đầu, công an xác định số tiền của nhóm tội phạm tại Việt Nam có được từ bán thông tin thẻ tín dụng ra nước ngoài lên tới vài chục tỷ đồng, còn số tiền mà nhóm tội phạm nước ngoài có được bất hợp pháp lên tới hơn 200 triệu bảng Anh.

Đáng chú ý, nhóm tội phạm tại Việt Nam sau khi có tiền đã thành lập các trang web đánh bạc và lô đề trên mạng và tổ chức đánh bạc với quy mô hàng trăm tỷ đồng. Sau khi bị bắt giữ, nhóm tội phạm này đã tự động giao nộp nhiều ô tô hạng sang. Hiện nay, vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Trong khi đó, liên quan tới vụ kinh doanh trái phép tiền điện tử Liberty Reserve (LR) lần đầu bị phát hiện tại Việt Nam, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết đã quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc này xuống Công an Hải Phòng để truy tố đối tượng Vũ Văn Lăng (30 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Thịnh Vũ) về tội kinh doanh trái phép. Qua điều tra, Lăng đứng ra thành lập Công ty cổ phần Thịnh Vũ có trụ sở quận Dương Kinh, Hải Phòng để làm đại lý cho một ngân hàng chi nhánh Hải Phòng nhằm chi trả kiều hối thông qua hệ thống Western Union. Tuy nhiên, cơ quan chức năng tình nghi việc mở Công ty Thịnh Vũ của Lăng nhằm phục vụ việc kinh doanh tiền điện tử LR.

Bằng thủ đoạn sau khi thu mua tiền điện tử từ nguồn trong và ngoài nước, Lăng bán cho người khác để thu lợi. Toàn bộ giao dịch thực hiện thông qua internet. Những người mua tiền ảo thanh toán cho Lăng bằng cách gửi USD về Công ty Thịnh Vũ thông qua đại lý Western Union. Công an xác định, Lăng đã lấy tên của khoảng 1.000 người để thực hiện gần 60.000 giao dịch với tổng số tiền hơn 24,5 triệu USD. Về phía đối tượng Lăng cũng khai nhận đã thu lợi bất chính gần 5 tỷ đồng từ phí hoa hồng mà ngân hàng chi trả và từ lợi nhuận của việc mua bán tiền điện tử LR.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục