Vụ việc phóng viên Trần Thế Dũng, Báo Người Lao Động bị hành hung khi điều tra thực tế để viết bài, nhưng những kẻ buôn lậu đánh anh vẫn nhởn nhơ, không hề bị cơ quan điều tra khởi tố đã khiến dư luận rất bức xúc trong thời gian qua. Với những người dân quan tâm đến sự việc này, có rất nhiều câu hỏi khó trả lời về thông báo của cơ quan điều tra vụ án…
Nhẹ tội
Theo thông báo kết quả điều tra số 132, ngày 22-3-2010 của Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện Cao Lộc, thì cơ quan này “Đã làm rõ đối tượng Phan Bình An, sinh năm 1975, trú tại số 12, ngõ 13, đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn là người thực hiện hành vi dùng chân, tay đánh phóng viên Trần Thế Dũng vào buổi tối ngày 6-1-2010 tại khu Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn (ngoài ra không làm rõ được đối tượng nào khác). Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 53/2010/TTPY ngày 8-2-2010 của Trung tâm pháp y tỉnh Lạng Sơn kết luận mức độ tổn hại cho sức khỏe của phóng viên Trần Thế Dũng với tổng tỷ lệ là 2%”.
Từ những “điều tra xác minh” trên, trong thông báo này, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Cao Lộc đã căn cứ vào một số điều luật hiện hành, quyết định không khởi tố vụ án hình sự với vụ cố ý gây thương tích nêu trên mà xử phạt vi phạm hành chính đối với Phan Bình An.
Theo Báo Người Lao Động, ngay sau khi bị hành hung khoảng 40 phút, phóng viên Trần Thế Dũng đã được đưa đến hiện trường với hàng chục nhân chứng. Tiếp đó, anh đã trình báo toàn bộ sự việc (có biên bản) và nhận mặt một số người (qua ảnh) trong số những kẻ tham gia vụ tổ chức hành hung anh. Thậm chí, phóng viên Trần Thế Dũng còn cung cấp tên, số điện thoại, vị trí ngôi nhà của một người tham gia vụ đánh anh.
Chưa hết, trong buổi đối chất giữa Thế Dũng và Phan Bình An (ngày 4-3) tại Công an huyện Cao Lộc, chính An đã thừa nhận có nhiều người tham gia vụ tấn công… Trong khi đó, cơ quan điều tra lại “không làm rõ được đối tượng nào khác”?
Một câu hỏi lớn khác cũng được đặt ra, thậm chí, đã được nhiều luật sư đưa ra đủ luận cứ để chứng minh cơ quan điều tra cần phải xem lại, là việc tại sao hơn 1 tháng sau khi anh Trần Thế Dũng bị đánh, anh mới được giám định tỷ lệ thương tật (?!).
Đừng để con sâu làm rầu nồi canh
Nhiều ý kiến cho rằng trong vụ việc này đã có “bàn tay che mặt trời” và những bức xúc của người dân đều hướng đến việc cần có một cơ quan điều tra cấp cao hơn vào cuộc.
Lần lại vụ việc, sau khi vụ hành hung xảy ra, ngày 12-1, Báo Người Lao Động đã có bài viết trong đó nêu rõ Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Phùng Thanh Kiểm khẳng định lãnh đạo tỉnh và Bộ Công an rất quan tâm đến sự việc phóng viên Trần Thế Dũng bị nhóm buôn lậu hành hung khi đang tác nghiệp.
Cũng theo bài báo này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng rất quan tâm đến việc các phóng viên Báo Người Lao Động và Tiền Phong vừa bị hành hung trong khi tác nghiệp và có ý kiến cần làm rõ, nghiêm trị kẻ hành hung nhà báo. Hiện Văn phòng Chính phủ đang theo dõi sát sao việc xử lý của các cơ quan chức năng.
Về phía những người làm báo, sau khi biết được diễn tiến mới nhất của vụ việc, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo VN đã rất bất ngờ với kết luận điều tra cũng như việc xử lý của Công an huyện Cao Lộc.
“Kết quả này đã đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng cũng như mong muốn của Hội Nhà báo VN là nghiêm trị những kẻ hành hung nhà báo. Trong khi chúng ta đang tìm nhiều cách xây dựng thể chế, cơ chế để bảo vệ người chống tiêu cực thì kết quả này cho thấy, nhà báo, những người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh với cái xấu lại không được bảo vệ. Nói thật cứ kiểu thế này, chúng tôi thấy rất lo cho những người làm báo” - ông Trung nhấn mạnh.
Không thể để một con sâu làm rầu nồi canh. Không thể để vì một vụ việc phóng viên bị đánh, mà khiến cho nhiều người dân mất lòng tin vào một cơ quan cảnh sát.
Minh Tú
Thông tin liên quan |
- Đã xác định được 2 đối tượng hành hung nhà báo ở Lạng Sơn - Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu xử lý thích đáng những kẻ côn đồ hành hung nhà báo |