(SGGP).- Chiều 6-5, trao đổi với báo chí, ông Lý Thanh Sang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển du lịch An Giang (đơn vị được UBND tỉnh An Giang cho phép khai thác tuyến đường dẫn lên núi Cấm phục vụ du lịch) cho biết: “Sau khi vụ tai nạn xảy ra, toàn bộ các hoạt động của công ty trên núi Cấm đều phải tạm ngưng để tập trung khắc phục hậu quả, giải phóng tuyến đường. Đến hôm nay, việc hỗ trợ hậu sự, thăm viếng các nạn nhân xấu số đã được lo chu đáo”.
Về nguyên nhân của vụ tai nạn, theo ông Sang, bước đầu xác định là do những tảng đá bị long chân từ trước bởi vị trí cũ của tảng đá lớn là nơi nguồn nước thấm nhiều năm nay. Đáng lưu ý là trước vụ tai nạn khoảng hai tuần, khu vực núi Cấm xuất hiện những cơn mưa lớn kèm theo gió giật mạnh góp phần làm các tảng đá dần tuột khỏi vị trí và gây ra tai nạn.
Cho đến chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ tiếp tục dùng khoan để xẻ đá và mở thông một phần đường dành cho người đi bộ và xe máy qua lại. Riêng tảng đá lớn nhất đè lên chiếc xe gặp nạn rất khó xử lý và đang chờ cơ quan chuyên môn tỉnh An Giang vào cuộc. “Sự cố đáng tiếc này quá bất ngờ và ngoài tầm kiểm soát của công ty bởi tảng đá nằm khuất bên trong ở độ cao khoảng 600m. Tuy nhiên sau tai nạn khủng khiếp này cần phải rút kinh nghiệm và chú trọng hơn đến việc đảm bảo an toàn cho du khách” - ông Lý Thanh Sang cho biết.
Dự kiến, hôm nay 7-5, UBND tỉnh An Giang sẽ cử cơ quan chức năng đến để tiến hành khảo sát toàn bộ vách núi dọc tuyến đường dài gần 7km dẫn lên núi Cấm. Sau khi khảo sát, cơ quan chức năng sẽ đưa ra các biện pháp xử lý triệt để những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.
Với phong cảnh kỳ vĩ, khí hậu mát mẻ, nhiều danh lam thắng cảnh, chùa miếu đẹp, những năm gần đây núi Cấm luôn là điểm tham quan thu hút khách hành hương bậc nhất ĐBSCL. Tuy nhiên, vụ lở đá kinh hoàng đè chết 6 người vừa qua là hồi chuông cảnh báo về những hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đ.TUYỂN - KH.HƯNG
- Thông tin liên quan:
>> An Giang: Lở đá núi Cấm, đè chết 6 người đi hành hương