Vụ trả “lương khủng” 2,6 tỷ đồng: Cần xử lý nghiêm

Vụ trả “lương khủng” 2,6 tỷ đồng: Cần xử lý nghiêm

Liên quan đến sự việc nhiều lãnh đạo của một số công ty dịch vụ công ích của TPHCM nhận lương cao ngất ngưởng, trả lời các cơ quan báo chí ngày 29-8, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn (ảnh) cho biết Ban Nội chính Trung ương đang theo dõi vụ việc.

* Đây có phải là vụ việc thuộc thẩm quyền của Ban Nội chính không, thưa ông?

* Ông PHẠM ANH TUẤN: Theo tôi, nó không thuộc vấn đề nội chính và ở đây cũng chưa đặt vấn đề là có tham nhũng hay không. Vụ việc mới chỉ ở hiện tượng nhưng chúng tôi theo dõi sát. Nếu thật sự người ta được hưởng xứng đáng, hợp lý thì chúng ta ủng hộ, khuyến khích. Việc lương “khủng” hay không “khủng” chỉ là cách nhìn nhận thôi chứ so với mặt bằng thế giới thì mức thu nhập đó chưa là lớn. Do vậy, chúng ta cần phải xem cơ chế phân phối lợi nhuận như thế nào; lợi nhuận đó phát sinh từ đâu, nguồn gốc gia tăng, phát sinh lợi nhuận đó ra sao? Nếu sự phân chia lợi nhuận hợp lý, hợp pháp thì chúng ta thừa nhận, công nhận, thậm chí là cao hơn chúng ta cũng thừa nhận. Nhưng nếu nó không hợp lý, hợp pháp thì cần xử lý nghiêm.

* Nếu nói hợp lý thì quả rất khó chấp nhận bởi sự chênh lệch giữa người quản lý và công nhân lao động là quá lớn?

* Sự chênh lệch như vậy rất khó chấp nhận. Tôi nói nếu trường hợp này kết luận cuối cùng là hợp lý thì cũng cần được nghiên cứu, tác động để điều chỉnh, khắc phục. Còn nếu kết luận là sai thì giá nào cũng phải xử lý kiên quyết. Những bất hợp lý như trên không nên tiếp tục được tồn tại ở nơi này, nơi khác.

* Đây có thể không phải là vụ việc cá biệt, theo ông, cơ quan chức năng có nên qua đó tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các đơn vị công ích để chấn chỉnh kịp thời?

* Tôi nghĩ qua vụ việc này chắc chắn cơ quan chức năng cũng sẽ làm động tác đó. Không phải riêng những đơn vị đang bị dư luận bức xúc mà tôi nghĩ vẫn có thể có một số doanh nghiệp khác hoặc một số tổ chức khác nhưng chưa bị phát hiện mà thôi. Qua vụ việc lần này cần xử lý đến nơi đến chốn, xem lại những quy định còn “kẽ hở” hay không để chấn chỉnh kịp thời. Trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, bản thân các cơ quan, đơn vị cần tự kiểm tra trong nội bộ để chấn chỉnh kịp thời nếu thấy bất hợp lý.

HỒNG HIỆP (thực hiện)

Lương giám đốc không thể gấp 10 lần công nhân

Về vụ chi “lương khủng” phát sinh tại 4 đơn vị ở TPHCM, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân cho biết bộ sẽ báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương kiểm soát tình hình tính toán lương trong các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định, đến thời điểm hiện tại, các quy định về tiền lương, trong đó có tiền lương chi cho lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đều đã được quy định đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, vụ chi 2,6 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của TPHCM nên sẽ để TPHCM kiểm tra. Bộ LĐTB-XH cũng sẽ phối hợp thanh tra, kiểm tra toàn diện đối với trường hợp 4 doanh nghiệp được phát hiện có sai phạm về tiền lương.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, không thể có việc lương giám đốc trong doanh nghiệp nhà nước lại cao gấp 10 lần công nhân. Mức trần lương chỉ 36 triệu đồng, nếu doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thì được chi thêm 50%. Đại diện chủ sở hữu phải gắn tiền lương với hiệu quả, gắn với lợi nhuận. Nếu việc chi 2,6 tỷ đồng tiền lương cho giám đốc doanh nghiệp nhà nước là chính xác thì như vậy là sai so với quy định và sai phạm thì sẽ phải xử lý.

PHÚC VĂN


Tăng cường “kiểm toán” cán bộ quản lý DNNN

(SGGP). – Đây là một kiến nghị quan trọng được đưa ra tại cuộc tọa đàm do Ban Kinh tế Trung ương và Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội tổ chức ngày 29-8 về chủ đề “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Tại buổi tọa đàm, các nội dung về đổi mới mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN); luật hóa việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các DNNN; tái cấu trúc DNNN; vấn đề phân phối trong DNNN; mô hình tổ chức đảng trong các DNNN… đã được đưa ra phân tích, rút kinh nghiệm.

Đáng lưu ý, nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề cán bộ quản lý DNNN, nhất là sau vụ việc mức lương “khủng” của lãnh đạo một số DNNN ở TPHCM vừa được tiết lộ. Bên cạnh đề nghị xây dựng bộ tiêu chuẩn khung về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý DNNN; đại diện Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng, cần sớm cải tiến công tác tuyển dụng, đánh giá và đề bạt cán bộ; hoàn thiện các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ quản lý DNNN. Công tác kiểm tra, giám sát và “kiểm toán” cán bộ quản lý DNNN cũng phải được tăng cường.

BÌNH AN

- Thông tin liên quan:

>> Vụ sai phạm tiền tỷ tại các doanh nghiệp công ích ở TPHCM: Đền bù thiệt hại cho người lao động

Tin cùng chuyên mục