
Hơn 8 năm sau thảm họa tràn dầu tàu Erika tồi tệ nhất lịch sử Pháp, Tập đoàn dầu khí Total SA của Pháp và 3 bị đơn liên quan vừa bị Tòa án Paris tuyên án phải nộp khoản tiền bồi thường thiệt hại tới 192 triệu euro.
Phán quyết lịch sử

Trong 192 triệu euro (khoảng 285 triệu USD) tiền phạt, riêng Total SA phải nộp 375.000 euro. Ba bị đơn khác cùng bị phạt với Total SA là Công ty Registro Italiano Navale (RINA) của Italia (công ty chịu trách nhiệm kiểm tra Erika trước khi tàu gặp nạn), ông Giuseppe Savarese (chủ tàu Erika) và ông Antonio Pollara, người đứng đầu Công ty Panship của Italia (công ty quản lý và điều hành tàu Erika). Riêng Công ty RINA phải nộp phạt thêm 375.000 euro và ông Savarese nộp thêm 75.000 euro vì tội gây ô nhiễm đường biển.
Hiến chương Môi trường thông qua năm 2005 và phụ lục của Hiến pháp Pháp nêu rõ, tất cả các bên liên quan đều phải đóng góp vào việc khắc phục những thiệt hại họ gây ra cho môi trường. Khoản tiền phạt Tòa án Paris vừa tuyên được đánh giá là kỷ lục và phán quyết này cũng được đánh giá là phán quyết lịch sử vì đây là lần đầu tiên ở Pháp có vụ kiện sinh thái đầu tiên được thừa nhận và đưa ra xét xử. Phán quyết của tòa được đông đảo người dân, nhất là các nhà hoạt động môi trường, hoan nghênh. Theo họ, từ nay, không một tàu vận tải nào dám thực hiện những chuyến đi biển trong các điều kiện cẩu thả như tàu Erika.
Kháng án hay không kháng án?
Tuy nhiên, ngay sau khi tòa phán quyết, luật sư của Total SA là Daniel Soulez-Larivìere đã tư vấn tập đoàn này nên “chống lại một bản án bất công” vì hãng có 10 ngày để kháng án. Bản thân Total cũng khẳng định có nhiều lý do để kháng án vì bản án có nguy cơ “kéo theo nhiều trách nhiệm lẫn lộn và làm ảnh hưởng đến an ninh vận tải biển”. Theo Total SA, tập đoàn đã luôn hợp tác trong quá trình xét xử với mục đích cải thiện an ninh vận tải biển. Hơn nữa, Total SA đã phải chi hơn 200 triệu euro để khắc phục nhanh nhất các hậu quả sau vụ tràn dầu.
Thực tế cho đến nay, các hãng vẫn cho rằng hiệp ước quốc tế quy định chủ tàu là bên chịu trách nhiệm chính về sự an toàn của tàu. Dù luật sư có yêu cầu kháng án nhưng Total SA vẫn đang băn khoăn chọn phương án sau khi bị tuyên án. Một là kháng án để bác bỏ việc các công ty dầu mỏ phải có trách nhiệm với tình trạng của tàu. Hai là chấp hành án để không làm xấu thêm hình ảnh tập đoàn và tránh những thiệt hại lớn hơn vì nếu kháng án, Total SA có thể mất thêm tới 400 euro tiền đền bù vì những vùng bị ảnh hưởng tràn dầu sẽ trình thêm các hồ sơ chứng minh các địa điểm thiên nhiên của họ bị hệ luỵ và cần được đền bù vì môi trường bị thiệt hại.
Ngày 12-12-1999, tàu dầu Erika thuộc sở hữu của Total SA đã gãy làm đôi và chìm tại vùng biển phía Tây Pháp, làm tràn hơn 20.000 tấn dầu ra Đại Tây Dương, khiến 75.000 con chim chết và gây ô nhiễm vùng bờ biển dài gần 400km của Pháp. Ước tính thiệt hại do vụ tràn dầu này lên tới 320 triệu euro (475 triệu USD). Theo kết quả điều tra, Erika gặp nạn do tàu đã quá cũ và xuống cấp nghiêm trọng. Sau vụ này, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quyết định tăng cường các biện pháp kiểm soát an toàn hàng hải. |
VIỆT KHUÊ
(theo AFP, Libération)