Năm 2013 khép lại, sản lượng lúa ĐBSCL tiếp tục tăng. Vựa lúa tiếp tục gánh vác vai trò đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra nguồn cung dồi dào cho xuất khẩu. Song, vẫn còn nhiều trăn trở về đầu ra hạt lúa và chính bản thân của các nhà khoa học. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL xung quanh vấn đề này.
Tiến sĩ có thể điểm lại những đóng góp của vựa lúa ĐBSCL?
* Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Vựa lúa ĐBSCL đã đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực của cả nước. Năm 2013 khép lại, sản lượng lúa trong vùng tiếp tục tăng, đạt sản lượng khoảng 25 triệu tấn. So với thời điểm năm 1975 chỉ đạt 4 triệu tấn, thì nay thành tựu tăng sản lượng khoảng 6 lần, rất đáng trân trọng. Tôi còn nhớ năm 1986, tình trạng đói vẫn còn nhiều. Đó là thời điểm nông dân đứng ngồi trên ruộng lúa mà mình phải nhập gạo! Sau đổi mới nông dân tự chủ, từ lúa mùa một vụ chuyển sang lúa ngắn ngày là có công đóng góp rất lớn của các nhà khoa học. Không có sự đóng góp đó, nông dân trong vùng làm sao có được các giống lúa chín sớm trong khung thời gian sản xuất 90 - 100 ngày! Các giống lúa ngắn ngày đã giúp nông dân tăng vụ, tăng vòng xoay đất và tăng sản lượng.
* Năm 2013 khép lại, khi xuất khẩu gạo đối diện với nhiều thách thức, và khó khăn sẽ tiếp tục kéo sang năm 2014, tiến sĩ có đề xuất gì?
* Mỗi năm Việt Nam đóng góp khoảng 7 - 8 triệu tấn gạo xuất khẩu (chiếm khoảng 20% - 25% sản lượng toàn cầu) cho an ninh lương thực thế giới. Hiện nay, Bộ NN-PTNT chỉ đạo sản xuất theo tỷ lệ: 15% - 20% lúa chất lượng thấp, 60% - 70% lúa chất lượng cao, lúa thơm - đặc sản chiếm 10% - 15%.
Vừa qua, một số nông dân bỏ ruộng do thu nhập thấp. Hiện nay, có luồng ý kiến đặt vấn đề tại sao chúng ta không đầu tư trồng lúa để xuất khẩu với giá 500 - 700 USD/tấn gạo như một số nước (thay vì chỉ tập trung ở gạo dạng 400 USD/tấn)? Hiện nay bà con nông dân trồng lúa còn nghèo. Trồng lúa chất lượng giá trị cao nhưng nông dân có được giá trị cao hay không? Giống lúa cho gạo xuất khẩu với giá trị cao chúng ta có nhưng trồng ra ai thu mua, bán cho ai? Thế giới hiện nay có hai loại gạo giá trị cao là Basmati, Khao dawk mali có thể bán giá cao nhưng thị trường tiêu thụ phân khúc này chỉ chiếm 10% - 15%. ĐBSCL có gạo Nàng Thơm chợ Đào, Tài Nguyên…
Tuy nhiên, lúa thơm, lúa đặc sản nằm trong lúa mùa: thời gian dài, mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ, năng suất chỉ 2 - 3 tấn/ha. Chúng ta có dám quy hoạch vùng trồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào, Tài Nguyên? Nếu mở rộng diện tích, thì ai là người bao tiêu sản phẩm này?
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt như hiện nay, nếu sản xuất chỉ tập trung 1 - 2 giống lúa, thì khi xảy ra bão lũ, khô hạn, triều cường… khó có thể đảm bảo an ninh lương thực. Theo tôi, cơ cấu sản xuất cần đi “hai chân”: đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao chất lượng, giá trị, tăng thu nhập cho nông dân.
* Với quy trình nghiên cứu và xuất khẩu gạo hiện nay, các nhà khoa học và doanh nghiệp kinh doanh lương thực đã “gặp nhau”?
* Hiện nay, các nhà khoa học nghiên cứu ra giống lúa, rồi chuyển cho nông dân trồng. Doanh nghiệp ký hợp đồng trúng phân khúc gạo nào rồi về tự thu mua. Ví dụ như vừa qua trúng thầu gạo chất lượng thấp Philippines rồi gom bán khá dễ, đến khi bán không được lại đổ thừa ngành nông nghiệp và nông dân nghiên cứu, trồng giống gì bán không được… Nói như vậy thật tội cho ngành nông nghiệp và nông dân.
Đúng ra là các tham tán, cơ quan xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải khảo sát thị trường trong nước và thế giới. Doanh nghiệp nắm thị trường này mới đặt hàng cho nhà khoa học hoặc đặt hàng cho Bộ NN-PTNT. Từ đó, Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học sản xuất giống lúa phẩm cấp nào, với số lượng cụ thể.
* Các nhà khoa học đã đóng góp rất lớn vào sản xuất nông nghiệp nước ta, theo tiến sĩ chế độ dành cho họ hiện nay ra sao?
* Đây là điều mà chúng tôi rất trăn trở. Các nhà khoa học về công nghiệp khi đưa sáng kiến, sáng chế ra thị trường thì họ đăng ký sở hữu trí tuệ rất tốt. Còn các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được điều này. Có thể nói, từ chế độ, lương chưa tương xứng với đóng góp của họ. Các nhà khoa học rất cực nhọc để nghiên cứu các giống lúa, quy trình sản xuất… để tăng năng suất, tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào xuất khẩu nhưng “giá trị” trong chuỗi lợi nhuận không quay về. Nói nôm na là các nhà khoa học nông nghiệp đang làm “công ích” (!?).
Vấn đề trăn trở của Viện Lúa ĐBSCL hiện nay là viện đào tạo người đã khó nhưng giữ người càng khó hơn. Thực tế, với tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ mà nhận mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng, các nhà khoa học trẻ khó có thể yên tâm công tác khi doanh nghiệp sẵn sàng trả cho họ mức lương một vài ngàn USD, “bèo nhất” cũng là 500 USD/tháng. Câu hỏi đặt ra liệu còn ai là người tâm huyết cho nghiên cứu khoa học trong thời gian tới khi lứa cán bộ đầu đàn về hưu.
Nếu có người tâm huyết tham gia nghiên cứu khoa học, thì phải giải đáp cho họ câu hỏi: họ phải làm gì với trang thiết bị không đồng bộ, cơ sở hạ tầng cũng kém, đề tài nghiên cứu lại thiếu? Tôi nghĩ, đây là những trăn trở cần tháo gỡ kèm theo những chính sách cụ thể để các nhà khoa học tiếp tục sát cánh, ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học phục vụ tốt hơn cho nông dân trồng lúa ở ĐBSCL.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
Trong hàng chục năm qua, hơn 140 giống lúa do các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức (hơn 10.000 giống lúa được viện tập hợp nghiên cứu). Đến nay, có khoảng 70% - 80% giống lúa mà nông dân ĐBSCL đang sử dụng do Viện Lúa nghiên cứu, cung cấp. |
CAO PHONG (thực hiện)