Vun đắp đạo đức xã hội

Có thể nói, từ nhiều năm nay, vấn đề đạo đức xã hội luôn là một vấn đề nóng được hết thảy mọi người quan tâm sâu sắc. Tình trạng suy thoái về đạo đức trong một bộ phận ở xã hội đã và đang là điều lo lắng bức xúc của người dân. Không lo sao được khi còn có những quan chức tham nhũng, bất chấp thủ đoạn, bất chấp đạo lý tìm mọi cách để tranh quyền đoạt lợi. Không lo sao được khi có những thiếu niên, vị thành niên mang dao lê vào lớp học, sẵn sàng đâm chém nhau. Không lo sao được khi lối sống ích kỷ vụ lợi tôn sùng đời sống vật chất coi “vũ trường là trường đại học, siêu thị là giáo đường” như là một thứ mốt thời thượng tồn tại đâu đó trong nhân gian. Không lo sao được khi số vụ ly hôn, gia đình tan vỡ tăng lên.

Có thể khẳng định, tình trạng suy thoái đạo đức trong xã hội đã có tác động xấu đến sự phát triển kinh tế và chất lượng đời sống xã hội. Trên hệ thống truyền thông đã có rất nhiều những bài viết, công trình nghiên cứu về nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Nguyên nhân chính vẫn nằm ở hai vấn đề “nội tại” và “ngoại lai”, trong đó vấn đề “nội tại” là quan trọng nhất. Thực tế cho thấy các chuẩn đạo đức xã hội chưa phải là người bạn đồng hành, một thành phần gắn bó mật thiết với tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu về đời sống vật chất vẫn lấn át nhu cầu đời sống tinh thần có giá trị văn hóa cao. Sức đề kháng của văn hóa, đạo đức truyền thống dân tộc bị tụt giảm. Chính vì đạo đức, văn hóa nội tại của chúng ta còn có những lỗ hổng, kẽ hở, còn có những yếu kém nên yếu tố ngoại lai xấu dễ dàng xâm nhập vào xã hội.

Do vậy, để thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị và toàn xã hội nhất thiết phải chung tay vun đắp đạo đức xã hội. Trước hết các chuẩn giá trị về đạo đức truyền thống của dân tộc như tinh thần yêu nước, hiếu kính cha mẹ, lòng nhân ái, ý chí tự lực tự cường cần phải được tôn vinh và giáo dục có hiệu quả trong hệ thống giáo dục và các hoạt động văn hóa. Văn hóa cộng đồng là một thành tố quan trọng để bảo đảm sự vững chắc của đạo đức xã hội. Phải tuyên truyền sâu rộng để mọi người dân sống và làm việc theo pháp luật.

Còn một vấn đề quan trọng nữa góp phần tạo nên sự vững chắc của đạo đức xã hội là văn hóa gia đình. Ai cũng biết, gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào mạnh khỏe, xã hội mới mạnh khỏe. Văn hóa gia đình có bền chặt đạo đức xã hội mới bền chặt. Trong gia đình, người cha là trụ cột, người mẹ là nền tảng. Do vậy, trong văn hóa gia đình, người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng, có tính quyết định.

Nhân ngày 8-3, xin tri ân những người phụ nữ đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Mong các mẹ, các chị xây dựng nền tảng gia đình vững chắc để góp phần vun đắp đạo đức xã hội.

TRẦN VĂN

Tin cùng chuyên mục