Những bài học lý thuyết khô khan trên giảng đường khiến sinh viên nhàm chán; môi trường làm việc tại công ty khác xa so với bài vở được học... Những băn khoăn đó thôi thúc giảng viên một số trường đại học, cao đẳng nghiên cứu và cho ra đời những dụng cụ dạy học trực quan sinh động.
Thiết thực cho sinh viên
Trong thực tế, một số nhà máy lớn về lọc dầu, sản xuất bia… sử dụng mạng để kết nối và điều khiển các dây chuyền. Nhiều sinh viên sau khi thực tập trở về làm vẫn bỡ ngỡ khi tham gia điều khiển, dù đã được học kỹ càng trên sách vở. Sau nhiều trăn trở, Th.S Nguyễn Xuân Quang, giảng viên Khoa Cơ khí-Chế tạo máy (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) đã bắt tay vào nghiên cứu bộ dụng cụ mô phỏng hệ thống như tại các công ty, xí nghiệp.
Th.S Quang chia sẻ: “Khi bộ dụng cụ này đưa vào giảng dạy, sinh viên nhanh chóng tiếp thu lý thuyết thông qua những mô hình thực tế, đồng thời thực hành quản lý dây chuyền giả định ngay trên máy tính đặt tại trường. Từ đó, sinh viên thích thú với giờ học hơn và chắc chắn khi đi thực tập sẽ dễ dàng ứng dụng thực tế”. Tính hữu ích của dụng cụ dạy học này, nhà trường còn cho áp dụng vào đào tạo nâng cao tay nghề cho các giáo viên trường nghề ở các tỉnh lân cận.
Giờ lên lớp của thầy Đỗ Trí Phi, Khoa Điện-Điện lạnh, Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, luôn thu hút sinh viên bởi những dụng cụ bổ trợ “độc nhất vô nhị” nhờ các bài giảng xoay quanh mô hình tay gắp-băng tải phân loại sản phẩm. Thầy Phi cho biết, phải mất hơn 1 năm lăn lộn tại các doanh nghiệp sử dụng loại tay gắp để tìm hiểu, rồi mất khoảng thời gian tương tự để thu nhỏ mô hình phục vụ công tác giảng dạy. Nhiều sinh viên của khoa tâm sự bản thân họ tiếp thu nhanh kiến thức hơn, thực hành trực tiếp trên máy, đồng thời làm quen với các sự cố của máy.
“Trên thế giới, mô hình thu nhỏ dạng như thế này đã có nhưng nhập về mất hơn 100 triệu đồng. Trong khi tôi chỉ tốn 20 triệu đồng để cho ra mô hình hiệu quả không kém”, thầy Phi phấn khởi cho biết. Không dừng lại ở đó, một thời gian ngắn sau đó, một sản phẩm khác cũng được ra đời, đó là mô hình lưu kho tự động. Theo thầy Phi, đây là sản phẩm duy nhất hiện có mặt tại Việt Nam, phục vụ hiệu quả cho công tác giảng dạy.
Sẵn sàng hỗ trợ thầy cô
| |
Đối với sinh viên các nhóm ngành kỹ thuật, được tận mắt chứng kiến và thực hành trên máy móc là điều kiện quan trọng đảm bảo độ vững tay nghề khi ra trường.
Thầy Lê Quang Huy, Phó khoa Điện-Điện lạnh (Trường Cao đẳng Cao Thắng), dẫn giải: “Trong vài năm giảng dạy, các giảng viên tự nhận thấy nhu cầu thực hành của sinh viên là rất lớn và công tác giảng dạy sẽ hiệu quả, dễ dàng hơn khi có mô hình. Thực tế cho thấy, với mô hình thực tập hệ thống lạnh hiện chúng tôi đang áp dụng, chỉ cần 1 buổi, sinh viên có thể nắm bắt và tự nối ống. Trong khi nếu học lý thuyết, cần thời gian gấp đôi”.
Tuy nguồn kinh phí để nghiên cứu và chế tạo các dụng cụ, mô hình dạy học không lớn nhưng đến lúc này phần lớn bản thân các thầy cô phải tự xoay xở để nghiên cứu. Thầy Đỗ Trí Phi cho biết, các đề tài nghiên cứu và chế tạo có phạm vi ứng dụng cho học tập của sinh viên thường khó được các doanh nghiệp hỗ trợ, trong khi nguồn kinh phí nhà trường cấp cho nghiên cứu khoa học hàng năm cũng có hạn. Vì thế, dù khó khăn một chút nhưng chúng tôi vẫn làm, vừa giúp sinh viên dễ tiếp thu mà chúng tôi cũng dễ giảng dạy.
TƯỜNG HÂN