Nằm về phía Đông Bắc bờ biển Australia, trải dài trên 2.000km, vùng san hô lớn nhất trái đất Great Barrier có diện tích lên tới 350.000km2 với hơn 2.500 quần thể san hô rộng lớn.
Được xếp hạng là một trong những di sản nhân loại, Great Barrier là vùng san hô độc nhất vô nhị trên thế giới với một hệ sinh thái vô cùng đa dạng, phong phú. Thế nhưng, theo báo cáo mới đây của các chuyên gia liên chính phủ thuộc ủy ban nghiên cứu sự thay đổi khí hậu trái đất, việc nhiệt độ trái đất tăng lên 2độC (so với năm 1990) sẽ làm cho san hô bị “trắng” ra. Nếu nhiệt độ tăng lên 3độC thì sẽ có những vùng san hô bị chết hàng loạt.
Trước đây Great Barrier đã từng trải qua 2 thời kỳ bị trắng ra như vậy. Đó là vào những năm 1998 và 2002: 60% tới 95% số quần thể san hô ở đây bị ảnh hưởng. Sau vài tuần, các khối san hô lấy lại màu sắc vốn có nhưng khoảng 10% đã chết. Một mối đe dọa khác đối với các khối san hô là lượng phù sa từ các con sông đổ ra biển ngày càng tăng. Trước đây phù sa thường đọng lại gần bờ, sau đó phát tán một cách chậm rãi.
Giờ đây, các hình ảnh vệ tinh cho thấy có những lượng nước ngọt lớn trực tiếp đổ xô tới san hô. Phù sa làm thành “đám mây” quanh chúng, ngăn cản ánh nắng mặt trời, làm giảm quá trình quang hợp của san hô. Các vùng trồng trọt và chăn nuôi nằm ngay cạnh bờ biển cũng ảnh hưởng có hại, làm tăng sự bào mòn san hô, người ta tìm thấy cả thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong nước biển…
Để bảo vệ san hô, các chuyên gia đề nghị tăng cường chất lượng nước và tính “đề kháng” của san hô. 30% diện tích Great Barrier được xếp hạng “vùng xanh” được bảo vệ nghiêm ngặt. Doanh thu của ngành du lịch ở vùng Great Barrier lên tới 4 tỷ euro mỗi năm.
NHỊ BÌNH (theo Le Monde)