Dự án “Biến bãi rác thành vườn hoa” trong chương trình “Siêu thủ lĩnh” do VTV6 khởi động tại Hà Nội đã đạt được hiệu ứng cao và lan tỏa mạnh mẽ tới các tỉnh, thành trong cả nước. Đầu năm 2016, dự án “Biến bãi rác thành vườn hoa” được triển khai tại TPHCM do Sở TN-MT (trực tiếp được phân công là Đoàn Sở phối hợp cùng một số cơ sở Đoàn khác) tổ chức. Sau 6 tháng, 16 điểm rác tại TPHCM đã được cải tạo thành những vườn hoa xinh đẹp. Và sau 6 tháng tiếp theo, trở lại một số vườn hoa, mọi chuyện đã khác.
Rác, cỏ và bị bỏ hoang phế
Những ngày cuối năm 2016, khi trở lại một vài vườn hoa được “biến hình” từ bãi rác, chúng tôi thật thất vọng bởi hiệu quả của chương trình và trách nhiệm của cộng đồng. Ở vườn hoa tại chợ An Đông (quận 5), chúng tôi phải tìm kiếm nhiều lần, thậm chí phải hỏi thăm người dân mới dám chắc đó là điểm 4 tháng trước được Đoàn thanh niên Sở TN-MT cải tạo thành vườn hoa, bởi nay nó lại trở thành…bãi rác. Bao ni lông, hộp xốp đựng đồ ăn, ly nhựa bị vứt khắp nơi, đặc biệt nó còn là điểm chất củi, bạt cũ của người dân buôn bán xung quanh. Chị Phạm Thanh Ngào, bán hàng gần đó, cho biết: “Đẹp được mấy ngày à! Lúc đầu chúng tôi còn chăm chút tưới cây chứ giờ bỏ rồi. Người ta qua lại cứ tiện tay quăng rác xuống, chúng tôi dọn hoài cũng chán, cỏ cây thì mọc um tùm, không biết ai quản lý nữa”.
Vườn hoa tại chợ An Đông đầy rác
Cũng được cải tạo từ bãi rác, vườn hoa trên đường Ngô Văn Sở (quận 4) không ngập rác mà giống bãi cỏ hoang, mạnh cây nào cây đó mọc, cỏ leo cả lên thành vườn rồi lan xuống đường, nhìn rất hoang tàn, nhếch nhác. Hỏi thăm về người chăm sóc vườn hoa này, người dân gần đó lắc đầu bảo: “Bữa trước có Đoàn thanh niên xuống cải tạo rồi bỏ đó đến giờ luôn. Chúng tôi thấy có cây nên không quăng rác nhưng cây mọc sao thì mọc không ai quan tâm, giờ nhìn cũng thấy kỳ kỳ, không đẹp mắt lắm”.
Bất ngờ hơn là vườn hoa trước nhà số 399 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Chúng tôi sẽ không nhận ra đây đã từng được cải tạo thành vườn hoa nếu không còn sót lại một vài thanh gỗ trang trí. Vườn hoa của 4 tháng trước với dàn hoa quỳnh anh, bồn cây cảnh, đường đi lát gạch thì giờ là lùm cỏ mọc cao ngang thắt lưng người. Ở đường Phạm Văn Đồng (khu vực chân cầu Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh) cũng từng có bãi rác được cải tạo thành vườn hoa, nhưng nay cũng đã hoang tàn, hoa nhường chỗ cho cỏ dại.
Trong số 6 công trình chúng tôi đi khảo sát, chỉ có duy nhất một công trình trong khu D chung cư Thanh Đa là còn hình dáng của một vườn hoa. Người dân cho biết, vườn hoa này nằm ngay dưới chân cầu thang, xung quanh có nhiều nhà dân nên bảo nhau, người nhặt cỏ, người tưới nước và cùng nhau giữ gìn cho khuôn viên sạch đẹp, đẹp vườn hoa đẹp cả nhà mình.
Nhiều điểm vườn hoa lại lựa chọn vật liệu bằng gỗ để trang trí cho vườn hoa ngoài trời nên khó bền vững. Hơn nữa, đây là các điểm công cộng, không giao cụ thể cho người quản lý dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, gây lãng phí tiền bạc và công sức.
Lại chuyện trách nhiệm của ai
Anh Nguyễn Viết Vũ, Bí thư Đoàn Sở TN-MT, cho biết ban đầu hiệu ứng xã hội của chương trình khá lớn, được người dân và chính quyền địa phương ủng hộ. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay thì một số công trình đã không giữ được hình ảnh như ban đầu, một phần do ý thức người dân, một phần do địa phương chưa quan tâm đến việc chăm sóc. “Mỗi công trình chỉ thực hiện trong vài ngày là hoàn tất nhưng quan trọng nhất là khâu hậu kiểm và chăm sóc của địa phương. Sắp tới, Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TPHCM dự kiến sẽ tiếp tục và mở rộng dự án này. Nếu dự án tiếp tục, chúng tôi sẽ điều chỉnh một số nội dung trong kế hoạch, đơn cử như không cải tạo tràn lan mà sẽ chọn những điểm tiêu biểu, đề nghị lắp vòi nước tự động, tham mưu cho UBND TPHCM giao cụ thể cho đơn vị chịu trách nhiệm như phường hoặc bên dịch vụ công ích quận”, anh Nguyễn Viết Vũ nói.
Theo anh Phạm Văn Linh, Bí thư Đoàn khối Dân - Chính - Đảng, dự án “Biến bãi rác thành vườn hoa” do Đoàn khối chỉ đạo Đoàn Sở TN-MT TP thực hiện nhằm tạo cảnh quan, làm đẹp đường phố. Anh Phạm Văn Linh cho rằng: “Việc thực hiện cải tạo rất nhanh nhưng quan trọng nhất là khâu chăm sóc và duy trì, trong khi nhân lực của Đoàn khối còn hạn chế nên không thể quản lý tất cả được. Do vậy, sau mỗi công trình, chúng tôi đều có bàn giao cho địa phương quản lý, tuy nhiên địa phương chưa thực sự quan tâm. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại và có văn bản đề nghị các địa phương kết hợp chỉnh trang. Về việc tiếp tục thực hiện và mở rộng dự án này, chúng tôi sẽ kiến nghị Thành đoàn kết nối với các địa phương và giao cụ thể trách nhiệm cho đơn vị quản lý”.
Công trình “Biến bãi rác thành vườn hoa” về thực chất, là một ý tưởng đáng trân trọng của những người trẻ muốn chung tay góp sức làm sạch đẹp môi trường sống. Tuy nhiên, việc truy ra trách nhiệm duy trì sự tồn tại công trình này thuộc về ai lại là chuyện khác. Nếu chỉ cho rằng, trách nhiệm ở đây là chính quyền địa phương vì đã bàn giao nhưng lại thiếu quan tâm là đúng nhưng chưa đủ. Đây là công trình của Đoàn và chính những người trẻ thực hiện và đang nhân rộng mô hình này cần phải tiếp tục quan tâm để công trình không bị biến dạng. Đến nay, công trình đã nhận được một số khen thưởng cũng như tiếp tục đăng ký tham gia nhiều giải thưởng về hiệu quả mang lại cho cộng đồng. Nhưng khi vườn hoa biến dạng, câu hỏi trách nhiệm vẫn đang lơ lửng.
HẢI THU