
Vào dịp Tết Đinh Hợi, tình cờ tôi gặp đồng chí Bí thư Huyện ủy Bình Chánh. Thấy tôi đã nghỉ hưu và qua làm ở Hội Sinh vật cảnh, đồng chí bí thư giới thiệu một cán bộ công an làm thêm nghề trồng hoa lan với diện tích chưa đến 1ha mà thu hoạch tới 20.000.000đ/tuần. Đó là vườn lan Hoàng Gia của anh Sơn ở ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc, Trảng Bàng, Tây Ninh.

Trưng bày lan tại Hội hoa xuân 2007
Sáng ngày 28-2-2007, sau khi đã liên hệ với anh Sơn, chúng tôi đến thăm vườn lan Hoàng Gia của anh.
Khi đến nơi, từ bên ngoài nhìn vào thấy không khác gì lắm so với những vườn lan tôi đã từng đến, nhưng khi bước chân vào thì cảm nhận đầu tiên là rất quy củ, mát mẻ và đẹp mắt.
Vườn lan Mokara được bố trí thành 3 khu rõ rệt. Khu lan trưởng thành đang thu hoạch, cao hơn đầu người, đang ra hoa tươi thắm, khỏe mạnh, đủ màu sắc đỏ, vàng, hồng nhạt, xanh lam; khu đã cho hoa đến bán và khu mới ra hoa khoảng 1.000m2.
Ý đồ của chủ vườn là trồng từng bước, đầu tư từng phần theo dạng cuốn chiếu và lấy ngắn nuôi dài. Diện tích vườn lan hiện thời là 8.000m2, bên trên được căng lưới nylon che nắng, bên dưới là các luống hoa được xây bao bọc bằng gạch thô ngay hàng thẳng lối.
Giữa mỗi luống hoa là đường đi để tiện chăm sóc, thu hoạch và tham quan, đều được lát bê tông rất sạch, không có rong rêu, ẩm mốc. Nhìn vườn lan thật mát mắt. Chủ vườn lan đã tận dụng nước ngọt của kênh Đông gần đó, đưa vào vườn lan theo 3 con mương nhỏ, nước ngọt được bơm vào 3 bể chứa để tưới cho lan hàng ngày bằng hệ thống phun sương tự động, luôn làm mát cho vườn lan và giữ cho lan có độ ẩm cần thiết.
Trao đổi với chủ nhà, chúng tôi được biết thêm, vốn đầu tư vườn lan này là 1 tỷ đồng, mới trồng gần 3 năm. Mỗi tuần có thể cắt bán hoa lan được 2 lần, mỗi lần 1.000 cành hoa. Giá bán từ 7.000đ đến 15.000đ/cành (tùy cành lớn, nhỏ). Nếu tính bình quân 10.000đ/cành thì mỗi tuần thu được 20.000.000đ và một năm có doanh thu gần 1 tỷ đồng cho sản phẩm hoa lan trên diện tích canh tác 8.000m2. Đó là một hiệu quả không ngờ.
Chủ vườn có uy tín nên ký được hợp đồng cung cấp dài hạn cho người thu mua ở TPHCM với giá cả ổn định. Tuần nào lái cũng đến vườn lan nhận hàng đều đặn. Nhờ vậy mà vườn lan Hoàng Gia đã có tiếng tăm ở Tây Ninh và cả TPHCM, hàng tuần có khá nhiều nghệ nhân, thương nhân, bè bạn đến tham quan vườn lan để học hỏi kinh nghiệm hoặc mua hoa. Kế hoạch của anh Sơn là sẽ phát triển vườn lan lên 20.000m2 trong thời gian tới.
Qua lần tham quan này tôi có cảm nhận rằng, có lẽ đây là vườn lan đẹp và có hiệu quả nhất ở Việt Nam hiện nay. Các nghệ nhân và doanh nhân có mặt trong lần tham quan này cũng đồng tình với sự nhìn nhận ấy. Được biết vườn lan này đã từng tiếp các vị khách người Thái Lan, trong đó có 2 doanh nhân chuyên về lan cũng phải thẳng thắn trầm trồ rằng, hoa lan Mokara nơi đây đẹp hơn ở Thái.
Sau chuyến tham quan, tôi thật sự mong muốn rằng, với những vùng đất thiên nhiên ưu đãi ở Việt Nam nói chung và Tây Ninh hoặc TPHCM nói riêng, nếu được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản phẩm nông nghiệp truyền thống sang nuôi trồng sinh vật cảnh hoặc hoa lan thì sẽ thu được lợi ích rất cao về nhiều mặt.
Nếu nơi nào được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, hỗ trợ vốn và có chính sách khuyến khích tốt thì sẽ làm đổi thay được diện mạo của địa phương mình bằng các sản phẩm sinh vật cảnh, mở ra những khu du lịch sinh thái hoa lệ cho khách nước ngoài, khách trong nước đến tham quan, thưởng ngoạn; đồng thời còn thực hiện rất thiết thực công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương mà mình có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý.
VÕ VĂN CƯƠNG
(PCT Hội Sinh vật cảnh VN – Chủ tịch Hội SVC TPHCM)